Khi nhà văn "lấn sân" viết kịch bản

ANTD.VN - Nhà văn thường chọn cho mình một chốn cô đơn để có thể sống trọn vẹn với câu chữ trong những giây phút sáng tạo, còn nhà biên kịch luôn cần những hơi thở ào ạt từ cuộc sống để có được những hình ảnh sống động đưa lên sân khấu, màn ảnh. Nhưng dù viết văn hay biên kịch thì vẫn không thể tách rời ngôn ngữ. Chính vì thế, có những nhà văn đã “lấn sân” sang viết kịch bản và gặt hái không ít thành công.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và con trai - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

“Nuôi” cảm xúc để viết kịch bản

Cơ duyên đến với điện ảnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất tình cờ, vào năm 1963, đạo diễn Mai Lộc sau khi đọc cuốn tiểu thuyết “Đất lửa” đã bảo văn Nguyễn Quang Sáng có tính điện ảnh và đạo diễn động viên nhà văn viết kịch bản phim. Vốn là người quyết liệt trong lao động sáng tạo nên nhà văn không vội vã mà tự bắt mình tìm hiểu, học hỏi và “nuôi” cảm xúc cho đến lúc chín muồi mới đặt bút viết. Quan niệm của ông về công việc biên kịch khá khắt khe: “Phải tinh tường và sâu sắc về vấn đề mình viết, mình biết 10 thì nên viết 1 thôi. Nếu có 1 mà viết đến 10 thì thành ra loãng ngay, nhạt nhẽo”. 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc sinh thời kể lại: “Cuối năm 1978, tôi đưa bà xã vào bệnh viện sinh con, trở về nhà tôi ngồi viết đúng một tuần xong kịch bản “Cánh đồng hoang”. Sau đó vào đón bà xã và thằng con về”. Kịch bản “Cánh đồng hoang” sau này được làm phim nhựa và giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế. Trong bộ phim thuộc hàng “kinh điển” đó có một chi tiết mà nhà văn chứng kiến và “nuôi” suốt 12 năm khi còn ở chiến trường: Cảnh đánh nhau ở Đồng Tháp Mười đúng lúc mùa nước nổi, thấy trực thăng bắn thì người lớn bỏ đứa con nhỏ vào bao nilon rồi buộc chặt lại lặn xuống nước, thỉnh thoảng trồi lên mở bao cho con thở. 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng đã tự tay chuyển thể truyện ngắn “Con gà trống” thành kịch bản để con trai mình - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (chính là người được “sinh đôi” với kịch bản “Cánh đồng hoang”) làm thành một bộ phim truyện gây nhiều xúc động cho khán giả. 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

“Vua kịch bản lễ hội” đa tài

Những năm 1980, khán giả không thể quên các bộ phim nhựa 35 li nổi tiếng như: Những ngôi sao biển, Tự thú trước bình minh, Sơn ca trong thành phố, Học trò thủy thần, Nhiệm vụ hoa hồng, Chiến trường chia nửa vầng trăng...

Những năm 1990, các vở kịch “làm mưa làm gió” trên sân khấu: Bất hòa với số phận, Bọn quỷ sống, Những giấc mơ bị trấn lột, Kết bạn với thiên thần, Trò đời... và phim truyền hình nhiều tập: Những nẻo đường phù sa, Những đứa con trong thành phố, Bình minh châu thổ, Bọn trẻ (Huy chương Vàng kịch bản văn học trong Liên hoan phim quốc tế Á - Phi 1994)...

Tất cả những kịch bản đó đều do nhà văn Nguyễn Khắc Phục chấp bút. Ngoài ra, ông còn được mang danh “Vua kịch bản lễ hội văn hóa” khi viết rất nhiều kịch bản chương trình lễ hội lớn của đất nước vào những dịp kỷ niệm.

Chỉ tính riêng trong năm 2009, các kịch bản lễ hội, lễ cầu siêu cho liệt sỹ, lễ khai mạc đại hội thể thao... trên khắp cả nước mang tên nhà văn Nguyễn Khắc Phục được diễn ra suốt từ mùng 5 Tết cho đến cuối tháng 10. Viết kịch bản và trực tiếp tham dự Lễ cầu siêu cho bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào, nhà văn quyết định cắt trụi mái tóc nghệ sĩ vẫn xõa dài của mình để thể hiện sự nghiêm ngắn trước mộ liệt sỹ.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sở hữu 13 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng nhiều truyện ngắn hay, nhưng bên cạnh chữ nghĩa, ông còn có niềm đam mê lớn dành cho hội họa. Trong ngôi nhà nhỏ của ông, số lượng tranh (chủ yếu là sơn dầu khổ lớn) có lẽ còn vượt xa số đầu sách đã từng xuất bản. Ông đã cùng với nhà văn Trần Nhương làm một triển lãm có tên Hú họa vào tháng 7-2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhà văn Chu Lai

Khởi nghiệp là một diễn viên kịch

Nhà văn Chu Lai khởi đầu sự nghiệp là một diễn viên kịch, ông từng vượt qua gần 6.000 đối thủ để trở thành diễn viên đoàn kịch quân đội nhưng suốt 10 năm chỉ chuyên đóng các nhân vật phản diện bởi cái vẻ ngoài “hầm hố”. Đúng lúc chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt, thấy bạn bè lần lượt ra chiến trường còn mình cứ tô son trát phấn lên sân khấu thì không chịu nổi nên Chu Lai xung phong vào chiến trường.

Đi suốt 10 năm không một lá thư, sau giải phóng 3 tháng cũng không thấy trở về, gia đình “mặc định” là Chu Lai đã hy sinh trong chiến trận. Người anh trai (nhà văn Hồng Phi) lặn lội vào phía Nam tìm em với hy vọng mong manh.

Gặp được anh trai, Chu Lai thao thao kể những chuyện đánh nhau, nghe xong nhà văn Hồng Phi bảo: “Phải viết ra thành truyện”. Vậy là từ diễn viên kịch, Chu Lai thành người lính rồi chuyển hướng thành nhà văn quân đội một cách rất tự nhiên như thế.

Sau này khi đã nổi danh với những truyện ngắn, tiểu thuyết về chiến tranh, nhà văn Chu Lai còn biết cách “thâm canh” ngay từ chính tác phẩm của mình. Chỉ riêng truyện ngắn “Phố nhà binh” đã được chuyển thành tiểu thuyết “Phố”, rồi kịch “Hà Nội đêm trở gió” và bộ phim “Người Hà Nội”...

Việc viết một cuốn sách thường không nuôi nổi nhà văn, cho dù những con chữ vẫn luôn tạo ra một sức quyến rũ đặc biệt. Vì thế, khi tham gia vào điện ảnh, sân khấu, nhà văn Chu Lai mang một ý nghĩ: “Nó cho mình thêm nhiều độc giả và một ít tiền để đảm bảo cuộc sống”.