Khi nghệ thuật trở thành “thời tiết bất bình thường”

ANTĐ - Càng ngày ngân sách Nhà nước đầu tư cho các hội văn học nghệ thuật càng nhiều. Tuy vậy đang có một thực tế, những gì công chúng được hưởng lợi, “thu lại” là ít, rất ít. Ngay cả những vấn đề phát sinh trong đời sống văn hóa - xã hội cần tiếng nói khoa học, kịp thời của các hội nghề nghiệp thì cũng không thấy. 

Khi nghệ thuật trở thành “thời tiết bất bình thường” ảnh 1Mỹ thuật Việt Nam đang cần những nghệ sỹ tài năng chứ không phải nghệ sỹ đạo 
ý tưởng trong sáng tác thế này 
(Tác phẩm nghi đạo ý tưởng Bức “Phượt 2”  - ảnh nhỏ của họa sĩ Quang Hải)

Trong không khí các hội văn học nghệ thuật đang tổ chức các Đại hội nhiệm kỳ mới, chúng tôi đã gặp họa sĩ Lương Xuân Đoàn (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương) - người vừa tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019 và ghi lại ý kiến của ông.

Hội nghề nghiệp có trách nhiệm nhìn ra người tài

Chúng ta đều dễ nhận thấy được, càng ngày Nhà nước càng không tiếc tiền để hỗ trợ đầu tư cho văn học nghệ thuật phát triển. Nhưng đồng tiền ấy chỉ như sự cào bằng để ai cũng được hưởng cái quyền lợi hội viên tượng trưng bằng một chút tiền khích lệ. Liệu Nhà nước dùng được gì sau khoản đầu tư đó? Những người có tài và tự trọng thì không xin, Hội nghề nghiệp hiện nay có trách nhiệm nhìn ra người tài để đầu tư cho họ không? Những đề tài, những công trình, những tác phẩm được đầu tư sau khi nghiệm thu cũng chỉ để nghiệm thu thôi như trong mỹ thuật, những cái tranh như vậy cũng không vào được bảo tàng, không ai lưu giữ cả. Nhà nước không sử dụng mà công chúng cũng không đón nhận. Giải thưởng hàng năm của tất cả các Hội nghề nghiệp cũng vậy, rất nhiều trường hợp công chúng hay xã hội người ta cũng không quan tâm. Đấy là câu chuyện hết sức đau lòng. Chúng ta không vui gì khi nghệ thuật vẫn làm ra như thế, hàng năm vẫn có các giải thưởng như thế… nhưng thực sự nó không tác động tích cực tới đời sống tinh thần của xã hội. 

Để thay đổi điều này cần phải có thời gian, chúng ta chưa thể thay đổi ngay được. Nhưng quan trọng là phải thay đổi hình thức hoạt động của từng lĩnh vực. Để không cào bằng, mưa khắp mà phải gọi tên được tác giả, tác phẩm và phải nhìn ra được những nghệ sĩ nào đang làm nên một câu chuyện khác cho đời sống nghệ thuật. Hiện nay những con mắt xanh không phải không có. Nhưng vẽ lại bức tranh của văn nghệ Việt Nam, dù chỉ là những nét đầu tiên vẫn phải là những nét quả quyết và chuẩn xác để hình thành một câu chuyện của văn nghệ. 

Phải nói rằng, các nghệ sĩ từ thời kỳ đổi mới đến nay đã xuất hiện những hình ảnh mới. Hình ảnh người nghệ sĩ độc lập. Nếu là hội viên thì đúng là nhiều người đã không còn mặn mà với Hội nghề nghiệp của mình nữa. Đấy là cái bi kịch của các Hội nghề nghiệp của ta hiện nay. 

Thậm chí chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều người tuyên bố xin ra khỏi hội. Có nghĩa là họ thấy hội không còn giữ vai trò, không có tác động đến xu thế phát triển của nghệ thuật, của cá nhân các nghệ sĩ. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Liệu cách duy trì các Hội như hiện nay có đáp ứng đòi hỏi của văn nghệ sĩ Việt Nam trong bối cảnh đổi mới hiện nay hay không? Cũng nhiều người cho rằng, Hội nghề nghiệp hiện thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động; không tạo điều kiện cho nghệ sĩ bước tới đỉnh cao nghề nghiệp. Vì thế, bản thân các tài năng không tụ lại dưới mái nhà của các Hội nghề nghiệp. 

Đã xuất hiện thế hệ xoay bản lề, nhưng...

Đời sống văn nghệ hay hoạt động của các Hội nghề nghiệp hiện nay đang theo một lộ trình cũ, một đời sống cũ, vận hành cũ. Và nó chưa kịp để thay đổi một mô hình khác, một cấu trúc khác của Hội nghề nghiệp. Sáng tạo là của cá nhân nhưng các Hội nghề nghiệp có còn giữ được vai trò hội tụ được các cá nhân, ảnh hưởng tới từng người sáng tạo nữa không? Đó là cả một vấn đề. 

Chúng ta đang phải chứng kiến và chịu đựng một thời tiết nghệ thuật rất bất bình thường. Tôi cho thời tiết này bắt rất đúng câu chuyện của mọi loại hình văn học nghệ thuật, trong một khung cảnh mà nghệ thuật thực sự đang cần được thay đổi, trong một bước đi dù là nhanh hay chậm nhưng phải đến với một sứ mệnh lật trang. Tôi cho rằng nó đã có tín hiệu của sứ mệnh xoay bản lề trong nghệ thuật. Nhưng ai xoay và lĩnh vực nghệ thuật nào xoay? Đó là câu chuyện mà câu trả lời thực sự thuộc về các văn nghệ sĩ, ý thức tự thân mỗi người làm nghệ thuật phải tự hiểu con đường cá nhân mình đang đi như thế nào, thuận hay nghịch. Sự thực thì đường lối văn nghệ đã có những sự xoay chuyển, trước khi  các nghệ sĩ tự xoay.

Thập kỷ 1990 sau đổi mới văn học nghệ thuật đã đạt tới một thời kỳ đỉnh cao. Hiện giờ nó đang đi xuống để tìm kiếm một lối thoát mới. Thời kỳ đổi mới đã làm được câu chuyện trước đó mấy thập kỷ chưa bao giờ có. Trong văn học, đó là thời kỳ xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh… Sự xuất hiện ấy hình như không thể sớm hơn cũng không thể chậm hơn. Bản thân họ có sứ mệnh lật trang. Bây giờ chúng ta cũng đang chờ đợi, đang ước ao rằng sứ mệnh mới đã đến với thế hệ 7X, 8X, 9X rồi, thì liệu họ đã có đủ sự khỏe mạnh, sự vạm vỡ và một sức đề kháng tốt để có sứ mệnh lật trang, xoay bản lề thập kỷ hay chưa? 

Mỗi giai đoạn có một đòi hỏi mới. Đôi khi người nghệ sĩ cũng không thể đổ lỗi cho cảnh quan, cho những câu chuyện bên ngoài nghệ thuật. Chúng ta thấy cũng có những tín hiệu vui, nhưng vui không lâu. Chúng ta cũng rất mừng khi thấy một tên tuổi mới - ở bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào nhưng sau đấy thì nguội cũng rất nhanh. Bản thân chúng ta cũng thấy thất vọng ngay. Vì thế chúng ta phải chấp nhận cái khung cảnh hiện thời như vậy. Nó cũng không thể gấp hơn, không thể vội hơn được khi mà hành trang của thế hệ mà ta chờ đợi chưa đủ để đẩy lên tạo ra một mặt bằng khác, một câu chuyện khác cho văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XXI.