Khi mẹ cười
(ANTĐ) - Đến hôm nay, hơn mười năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều định mệnh ấy, khi mẹ con tôi đang chuẩn bị bữa cơm tối chờ bố về thì có tiếng điện thoại đổ dồn. Tiếng chuông như vang hơn mọi ngày, dội vào bốn bức tường lạnh và mang đến một cảm giác bồn chồn, căng thẳng. Mẹ nhào đến nghe. Ngay sau đó, bà đổ vật xuống đất. Mấy bác hàng xóm chạy sang đánh gió cho mẹ. Khi tỉnh dậy, mẹ hét lên những tiếng thất thanh trong cổ họng, hai tay huơ huơ vào không khí. Rồi mẹ gọi tên anh em tôi. Mẹ không nói gì mà nước mắt cứ chảy ra, lăn xuống gối. Chúng tôi vô cùng lo lắng, hỏi mãi mà mẹ không nói gì. Một lúc sau, mẹ nắm chặt tay tôi, thều thào:
- Bố các con mất rồi...
Chỉ nói được mấy từ đó, mẹ lại ngất đi.
Bố tôi làm kỹ sư xây dựng, cuộc đời ông gắn liền với những công trình. Đó là đam mê, là cuộc sống của ông. Cái nghiệp đó mang đến cho ông bao niềm vui và cả những đêm mất ngủ. Buổi chiều hôm đó, bố xuống hiện trường kiểm tra móng một tòa nhà. Mặc dù các nhân viên kỹ thuật khẳng định những thông số cho thấy móng nhà rất an toàn nhưng bố vẫn linh cảm một điều gì bất ổn nên trực tiếp xuống tận nơi kiểm tra. Đang mùa đông, từng trận gió tung hoành trên bãi vắng. Bố và mấy người lần mò từng bước dưới cái móng sâu, ngổn ngang gạch đá và bùn đất. Tới khu vực sâu nhất, tự nhiên bước đi của bố không vững nữa. Bố thấy chóng mặt, lảo đảo bước ra rồi từ từ đổ xuống. Mọi người vội vàng đưa bố vào bệnh viện cấp cứu. Rất nhanh, các bác sĩ trong ca trực sau khi khám bệnh đã kết luận ngay bố bị một cơn nhồi máu cơ tim - hậu quả của nhiều đêm làm việc cật lực. Hai tiếng sau, bố trút hơi thở cuối cùng.
Mẹ và anh em tôi đã khóc bố đến cạn nước mắt.
Từ ngày đó, trong ngôi nhà chúng tôi có rất ít tiếng cười. Khuôn mặt mẹ lúc nào cũng rầu rĩ. Đêm đêm, trước khi đi ngủ, mẹ lại thắp hương rồi đến bên bàn thờ bố tâm sự. Trong tiếng gió rít từng cơn ngoài ô cửa, tôi vẫn nghe thấy tiếng trở mình của mẹ. Mẹ còn trẻ và yêu bố bằng một tình yêu máu thịt. Để sống qua những tháng ngày đau buồn ấy, hẳn mẹ đã phải gắng sức rất nhiều.
Có lần, tôi nói với mẹ:
- Con biết bố vẫn luôn phù hộ cho mẹ con mình. Mẹ thấy không, cả nhà mình vẫn khỏe mạnh. Con và em học hành chăm chỉ. Nhưng mẹ cứ buồn rầu như thế, chắc bố không muốn vậy đâu. Số phận của bố là không được ở lâu với mẹ con mình, nhưng nếu bố biết việc ra đi của bố làm khổ mẹ như thế chắc dưới đó bố cũng buồn lắm!
- Con nói đúng. Mẹ cũng đang cố gắng để gia đình mình được thăng bằng. Sau này, con sẽ hiểu, mất một người mình yêu thương sẽ khổ như thế nào. Nhất là khi mẹ nghĩ bố vẫn luôn có mặt trong ngôi nhà này. Dõi mắt nhìn mẹ con mình.
Mẹ nói xong lại ngước mắt lên bàn thờ. Nơi đó có bố đang nhìn xuống, trong mịt mờ hương khói. Tôi nhìn mẹ và ao ước, nếu tôi có một tình yêu lớn như bố và mẹ, chắc chắn tôi sẽ là một người hạnh phúc nhất thế gian.
...
Ngày cái Vy em gái tôi lên xe hoa, mẹ cười như mếu. Nó khóc như một đứa trẻ. Bao năm nay, nó quen sống trong vòng tay bao bọc, thương yêu của mẹ, giờ về nhà chồng, không biết có sóng gió gì không?
Của hồi môn duy nhất mẹ cho con gái chính là sợi dây chuyền vàng bố tặng mẹ ngày trước. Nó mảnh mai và chắc chắn không có giá trị về vật chất, nhưng lúc nào mẹ cũng coi đó như một báu vật. Nó được bọc trong chiếc khăn tay rồi đựng trong một chiếc hộp sơn mài. Chỉ có những dịp đặc biệt, mẹ mới lấy ra dùng. Mỗi lần như thế, mẹ tần ngần đứng trước gương rất lâu.
Một lần, trong ngày sinh nhật nó, mẹ chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn với một chiếc bánh ga tô nữa. Sau khi tiễn các bạn ra về, cái Vy choàng qua vai mẹ hỏi:
- Nếu có một người đàn ông nào tốt như bố, thương yêu anh em con như bố và ngỏ lời cầu hôn với mẹ, mẹ có đồng ý không?
- Bố con mãi mãi chỉ có một thôi. Chẳng ai có thể thay thế bố con được. Tuy bố mất nhưng mẹ còn có hai anh em con. Mẹ thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Chỉ cần các con trưởng thành, gia đình êm ấm là mẹ mãn nguyện lắm rồi. Sau này, con lấy chồng, anh con lấy vợ, mình sẽ có một gia đình lớn. Mẹ không bao giờ đơn độc cả.
Mẹ là người như vậy đấy. Cuộc đời mẹ là sự đan xen giữa ký ức gian khó nhưng ngọt ngào với hiện tại bộn bề và hy vọng. Nhưng mẹ chẳng bao giờ kêu ca về bất cứ điều gì. Lo cho người khác, mang lại niềm vui cho con cháu, trở thành một thuộc tính cố hữu trong con người mẹ. Nhưng có một điều mà tôi chợt nhận ra, mẹ rất ít khi cười. Trong tấm ảnh cưới của bố mẹ, ai cũng bảo mẹ đẹp một cách dịu dàng với nụ cười đằm thắm khi ngả mái đầu sang vai bố. Chỉ tiếc một điều, số phận đã bất công với mẹ khi những tháng ngày hạnh phúc bên người chồng thật ngắn ngủi.
...
Đứa con gái bé của tôi rất hay làm nũng bà nội. Lúc nào nó cũng nghĩ mình xinh đẹp như nàng Bạch Tuyết. Thỉnh thoảng đi chơi, dù bà đang bận việc nhà, nó vẫn đòi bà phải thay quần áo và chải tóc cho nó.
Hôm đó, khi chỉ có hai bà cháu ở nhà, nó chợt nhìn vào mắt bà và hỏi:
- Cháu đố bà, nhà này ai đẹp nhất?
- Là cháu mà. Cháu lúc nào cũng là nàng Bạch Tuyết của bà.
- Không phải. Cháu thấy bà là đẹp nhất.
- Không, bà già rồi, cháu xem này, da thì nhăn nheo, tóc thì bạc, còn Bạch Tuyết thì mãi là nàng công chúa xinh đẹp.
- Cháu nói thật đấy, bà không tin à, cháu với bà ra gương xem.
Nó kéo tay bà ra gương. Hai bà cháu đứng trước gương, nghiêng đầu và cười.
Vào cái khoảng khắc kỳ diệu đó, tôi đã đứng bên khung cửa và nghe rõ tiếng cười của hai bà cháu.
Tiếng cười tràn ngập căn phòng. Đúng là mẹ thật đẹp khi cười. Ánh mắt rạng rỡ, hai gò má chợt ửng hồng và đôi bàn tay cứ xoa xoa lên má.
Tôi cứ đứng như thế và chợt hiểu ra một điều vô cùng giản dị. Anh em tôi có thể biếu mẹ những món quà có giá trị, có thể đưa mẹ đi những nơi mẹ thích, nhưng vì bị cuốn vào cuộc mưu sinh và vô vàn những nỗi lo toan mà ít quan tâm đến mẹ, ít mang lại nụ cười cho mẹ. Dù rằng, mẹ chẳng bao giờ đòi hỏi nhiều.
Bởi nụ cười làm cho mẹ trẻ hơn, đẹp hơn và chắc chắn, nó sẽ giúp mẹ khuây khỏa để sống nốt quãng đời còn lại, quãng đời vắng bóng cha.
Quang Dũng