Khi họa sỹ vẽ tranh bằng… đường kim, mũi chỉ

ANTD.VN - 10 năm miệt mài theo đuổi nghệ thuật, họa sỹ trẻ Nguyễn Thu Huyền đã làm nên các bức tranh đẹp mắt với những mảnh vải. Thay vì bột màu và giá vẽ, tranh của cô được hình thành từ những đường kim, mũi chỉ khéo léo.

Khi họa sỹ vẽ tranh bằng… đường kim, mũi chỉ ảnh 1Nữ họa sỹ Nguyễn Thu Huyền

Khởi nghiệp với 300.000 đồng

Nguyễn Thu Huyền (SN 1988) là một cô gái có vẻ ngoài dịu dàng, nhã nhặn khiến người đối diện cảm thấy khá thoải mái khi trò chuyện cùng cô. Cách đây 10 năm, Thu Huyền là gương mặt “nổi như cồn” trong cộng đồng sinh viên khởi nghiệp sáng tạo. Sau khi bảo vệ thành công đề tài khoa học “Những mảnh vụn không bị lãng quên”, nghiên cứu về tính ứng dụng của vải vụn trong cuộc sống và nghệ thuật, cô sinh viên năm thứ 3 khoa Thiết kế thời trang (Viện Đại học Mở Hà Nội) đã biến nó thành ý tưởng kinh doanh độc đáo: làm tranh ghép vải. 

Chỉ với 300.000 đồng làm vốn đầu tư khởi điểm, Thu Huyền mua khung, bìa, keo dán, còn nguyên liệu chính là vải thì cô… đi xin. Mỗi tuần, Huyền đến cửa hàng may quần áo, các xí nghiệp may để xin vải vụn. Thấy cô gái nhỏ khệ nệ ôm từng bao vải to, chất đầy lên xe chở về như dân buôn, ai cũng cười. Đa phần tỏ ra bất ngờ khi nghe Huyền bảo lấy vải vụn để làm tranh.

Vải vụn nhặt về, Huyền lựa từng mảnh, giặt sạch, là từng miếng cho phẳng. Kế đến, vải được tráng hoặc phết lớp keo sữa mỏng và hong gió cho thật khô. Cuối cùng là ghép từng chi tiết thành một bức tranh. Ban đầu chỉ là những tấm bưu thiếp nhỏ, rồi đến những bức tranh đơn giản và to dần, cầu kỳ hơn… Thế rồi, chẳng biết từ lúc nào, Thu Huyền đã nguyện song hành cùng nghệ thuật ghép vải. 

Khi họa sỹ vẽ tranh bằng… đường kim, mũi chỉ ảnh 2Tác phẩm “Khát vọng” 

Nếu trước đây, quan niệm tranh ghép vải là ghép những miếng vải vụn lên các hình với màu sắc, hoa văn, chất liệu sao cho hợp lý thì cô gái này lại làm khác, khác hẳn. Cô tạo hoa văn riêng trên từng khối hình mảng màu. Sau đó, Thu Huyền chắp vải, đan tết, xếp nếp thành một thứ hoa văn của riêng mình, không hề phụ thuộc vào mẫu hình có sẵn trên miếng vải. Nếu bút lông là phương tiện, màu là chất liệu thì với Huyền, kim là bút lông, chỉ và vải là chất liệu. Huyền nói, cô có thể tạo hình với bất cứ chủ đề nào, từ đơn giản đến phức tạp, chỉ là mất công nhiều hay mất công rất nhiều mà thôi.

Tự nguyện độc hành 

Trên con đường 10 năm gắn bó cùng tranh ghép vải, có lúc bận rộn với thiên chức làm vợ, làm mẹ, có lúc phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo… nhưng trong căn gác nhỏ, khi màn đêm xuống, nữ hoạ sĩ vẫn lặng lẽ, miệt mài với kim chỉ, vải vóc. Là một phụ nữ với cái nhìn nhân hậu về thế giới trẻ thơ và người mẹ, Huyền gửi đến người xem hình ảnh em bé người Lô Lô ấm áp trong tấm địu vải mềm mại của mẹ. Và cũng là bàn tay tài hoa chắp vải của Huyền kết nối hoa văn rực rỡ ấy làm nên hai tác phẩm “Hạnh phúc” và “Khát vọng”.

20 tác phẩm trong triển lãm “Tôi vẽ giấc mơ” của Thu Huyền đang trưng bày tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội (kéo dài đến ngày 17-12), đã cho thấy sự trưởng thành và chững chạc hơn trong nghề của cô gái nhỏ nhắn này. Bên cạnh những chân dung, phong cảnh là hình ảnh người phụ nữ dưới cái nhìn đa chiều, khi sâu lắng dịu dàng, khi mạnh mẽ khát khao. Thu Huyền chia sẻ: “Tôi vẽ như chưa bao giờ được vẽ, như thể ngày mai tôi sẽ không có cơ hội để làm những điều này”. 

Khi họa sỹ vẽ tranh bằng… đường kim, mũi chỉ ảnh 3Tác phẩm “Dòng chảy”

Họa sỹ Đỗ Hiệp, Chủ nhiệm CLB Họa sỹ trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã phải thốt lên: “Tôi sợ nghị lực, tôi sợ sự tự tin của cô, tôi cũng sợ sự lầm lũi đầy bản năng của một người phụ nữ trót vướng nghiệp tranh, khi mang trong mình thêm trọng trách người con, người vợ  và người mẹ. Huyền lầm lũi với vải nhiều năm trời, thật lạ! Cô không chọn lụa, không chọn dó, chọn nước cho nhẹ nhàng, cho thảnh thơi. Phải chăng vải có ma lực gì đó? Xem tranh vải của Huyền thấy nó sáng, nó trong, nó mướt mải réo rắt…”.

Thu Huyền đã vẽ, đã gửi gắm, chia sẻ với người xem niềm đam mê cháy bỏng, khát khao tự nguyện đi trên con đường chông chênh độc hành vô tận. Đó là giấc mơ của người nghệ sĩ, khi đã tìm thấy đầy đủ nhất mạch tư duy thẩm mỹ cho riêng mình, một cảm xúc viên mãn, gần gũi trôi chảy trong nhịp điệu của thời gian.