Khám phá "xứ Nẫu" lọt thỏm giữa những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam

ANTD.VN - Cách đây vài năm, Phú Yên hầu như là một số 0 trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Trong giới văn chương có nhà thơ Phan Hoàng hay lấy bút danh Phan Phú Yên; nhà thơ Lê Thiếu Nhơn lấy bút danh Tuy Hòa. Giữa những câu chuyện phiếm họ thường nhắc về cố hương, khi mà giờ Sài Gòn phồn hoa đã trở thành nơi ăn chốn ở, điểm dừng chân thành danh của họ. 

Đến Phú Yên, rời khu ở hiện đại chỉ chừng vài chục cây số, người ta lại có thể bắt gặp những buôn làng nguyên sơ của người Ê đê, Ba na, Mơ nông, Chăm, Raglai… Phú Yên là nơi tập trung tới gần 30 dân tộc chung sống. Ngược lên thị xã Sông Hinh, chúng tôi được thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân tộc Ê đê. 

Thưởng thức “đặc sản” bài chòi Phú Yên

Ăn bò một nắng kèm muối ớt lá é trắng hay muối ớt kiến vàng (muối, ớt, trứng, kiến vàng tươi và nhiều gia vị khác), người sành ăn khó có thể quên hương vị pha trộn giữa biển cả và đất liền, nhất là khi trong bữa ăn lại có một nhân vật hứng chí ca bài chòi. Bài chòi cũng là một “đặc sản” nữa của Phú Yên. Bài chòi cất lên, xong câu nào người ta cười rộ lên câu ấy, người Bắc nghe chả ai cười, vì có hiểu gì đâu để mà cười. Người bên cạnh phải “phiên dịch” từng câu, nghe xong hiểu ra, người ta hát xong 15 phút rồi mình mới cười phá lên, khi mà không còn ai cười nữa. Lời bài chòi không hiểu nguyên gốc thế hay do người hát tự biên mà rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh đến buồn cười. Người ta bảo tôi không hiểu vì khi nghệ nhân đã hát bài chòi là phải hát bằng tiếng Nẫu. Tiếng Nẫu là tiếng gì chứ? 

Bữa trước có đọc một truyện ngắn của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Phú Yên, có nhan đề: “Nẫu về…”. Đúng bữa ăn trưa ở thị xã Sông Cầu, tác giả lại ngồi ngay cạnh tôi, giải thích rằng tiếng Nẫu là tiếng của người miền biển ở Phú Yên, còn dân TP Tuy Hòa thì nói nhẹ hơn. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cũng bình luận rằng nhà thơ Phan Hoàng là một trong những người… có giọng nhẹ nhất vì sống ở Sài Gòn lâu rồi. Lúc ấy tôi không dám nói rằng nhiều bận nói chuyện với anh Phan Hoàng qua điện thoại, tôi cứ “dạ dạ, vâng vâng” vì không dám hỏi lại đến lần thứ tư: “Gì cơ hả anh?”. 

Những người sống ở Bình Định và Phú Yên còn được gọi là người xứ Nẫu. Ngoài âm điệu nằng nặng đặc trưng, họ còn rất lắm phương ngữ mà nếu không phải người bản địa thì chịu chết, kiểu như “nẫu” (ngôi nhân xưng “họ”),  “dẫy na” (vậy nha), “dẫy hửng” (vậy hả), “dẫy á” (vậy đó)… Người xứ Nẫu tự hào và thân thương với tiếng Nẫu, với những bài chòi mộc mạc, hồn nhiên được hát bằng tiếng Nẫu. 

Khám phá "xứ Nẫu" lọt thỏm giữa những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam ảnh 2Bài chòi là một “đặc sản” của Phú Yên

Nghe kể sử thi dưới ánh lửa bập bùng

Văn hóa ở vùng đất trấn biên 400 năm rất phong phú và dày dặn. Hết nghe tiếng Nẫu của người dân quê biển mặn mòi thì lại được nghe tiếng của người Ê đê, Ba na… Phú Yên hiện là một kho sử thi sống khổng lồ với 92 bộ sử thi của các dân tộc, nhưng mới chỉ xuất bản được 8 bộ sử thi, ghi âm và dịch thô 25 bộ sử thi, số còn lại thì… nằm trong đầu các nghệ nhân. Trong các buôn làng ở đây có hơn 60 nghệ nhân biết kể sử thi, nhưng 2/3  trong số đó đã trên 70 tuổi. Nhiều nhà nghiên cứu lo lắng rằng trong một tương lai rất gần, các sử thi sẽ biến mất vào đất đen cùng với những nghệ nhân kia, khi mà chưa kịp ghi lại những lời kể của họ thì họ đã… 

Tuy nhiên, để ghi lại sử thi là một điều khó khăn. Có những sử thi nếu kể liên tục thì phải mất tới 5 ngày 5 đêm, nếu ghi ra băng thì hết 100-150 băng cát-sét. Rồi chẳng bao lâu nữa, như nhiều thứ đã dần biến mất khỏi mặt đất, hình ảnh những nghệ nhân người Chăm, Ba na, Ê đê… ngồi kể sử thi dưới ánh lửa bập bùng, khi ánh trăng lên cao, khi ché rượu cần được đong đầy, sau lưng là bóng nhà rông vững chãi, trước mặt là những người dân buôn làng ngồi im lặng xung quanh như những con thú rừng đại ngàn… rồi cũng sẽ biến mất. Tối 12-4, chúng tôi khởi hành đi Sông Hinh để dự lễ cồng chiêng và nhảy Arap. Nhiều người trong đoàn mong chờ chương trình này. Lúc ấy âm hưởng của sử thi “Tiếng cồng nàng H’Bia Lơ Đá” lấp loáng trong những ngôn từ so sánh hồn nhiên đầy chất thơ khi diễn tả về một gia đình giàu có:

“…Trâu giẫm nước chật sông, nghẹt suối

Như đá to, đá nhỏ tháng nước cạn

Heo nhiều như kiến cỏ tháng Mười

Như kiến vàng tháng Ba

Gà nhiều như mối cánh gặp mưa

Như lá cây tháng Bảy gặp gió

Chó nhiều như bọ chét tháng Năm

Lúa nhiều như cá dưới sông…”. 

Khám phá "xứ Nẫu" lọt thỏm giữa những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam ảnh 3Ngọn hải đăng Đại Lãnh nằm trên núi cao đón ánh bình minh sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam

Ai cũng ngỡ sẽ được nhảy Arap trong tiếng cồng chiêng âm vang len lỏi giữa những mái nhà rông, tiếng kèn đá cổ xưa u u qua những tán lá. Nhưng xe đưa tuốt chúng tôi đến thẳng một nhà văn hóa xã với hai dãy nhà cấp bốn và tấm lụa đỏ chăng ngang đề chữ vàng “Đêm văn hóa cồng chiêng xã Ea Bia”. Loa thùng xếp cạnh những thùng nước Lavie và mấy ché rượu cần để sắp hàng trên thềm gạch. Trẻ em trong buôn kéo nhau ra ngồi sắp hàng chờ xem văn nghệ. Chục hàng ghế được xếp chéo hai bên cánh dành cho các đại biểu. Mặc dù biết trước rằng các thanh niên Ê đê giờ đã… mặc quần, từ lâu rồi họ không còn đóng khố nữa (may mắn rằng các cô gái trong buôn vẫn khoác ra ngoài bộ trang phục truyền thống trong khi bên trong còn nguyên quần áo tân thời), chúng tôi vẫn thất vọng quá, đây đúng là… văn hóa xã. Trong khi tôi cứ đinh ninh sẽ được uống rượu cần với các già làng bên bếp lửa nhà sàn, được nhảy Arap trong ánh lửa nhảy nhót in bóng trên những vách nhà rông. 

Khám phá "xứ Nẫu" lọt thỏm giữa những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam ảnh 4Tháp Nhạn ngự (Phú Yên) trên thế phong thủy mà theo như quan niệm của người địa phương, sông chính là Yoni còn núi là Linga

Văn hóa pha trộn giữa biển cả và núi rừng

Phú Yên có lẽ là một tỉnh hiếm hoi có văn hóa pha trộn giữa biển cả và núi rừng. Ngoài những bãi cát trắng hoang sơ trải dài gần 180km, Phú Yên còn có Tháp Nhạn ngự trên thế phong thủy mà theo như quan niệm của người địa phương, sông chính là Yoni còn núi là Linga; có vịnh Vũng Rô với di tích tàu không số cách không xa bờ; vịnh Xuân Đài lớp lớp núi non bao quanh như một phiên bản nữa của vịnh Hạ Long; có ngọn hải đăng Đại Lãnh nằm trên núi cao, sẵn sàng hứng ánh bình minh sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam; và đặc biệt là gành Đá Đĩa, một biểu tượng độc nhất vô nhị của Phú Yên với những lớp đá chằn chặn hình ngũ giác, lục giác thiên tạo xếp chồng lên nhau gọn gàng như có bàn tay khổng lồ sắp đặt. Ấy vậy mà đã có một thời gian dài du lịch Phú Yên “dậm chân tại chỗ”. Một trong nhiều lý do là Phú Yên nằm lọt thỏm giữa hai trong số những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam: Đèo Cả phân cách địa phận Phú Yên và Khánh Hòa; đèo Cù Mông phân cách Phú Yên và Bình Định. 

Người xứ Nẫu thật thà, chất phác, niềm nở và hiếu khách, lại thêm cái tâm neo giữ hồn đất.