Kết tinh văn hóa truyền thống
(ANTĐ) - Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lần đầu tiên, Lễ hội “Thập Tam Trại” đã được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại miếu Núi Sưa, vườn Bách Thảo vào sáng qua 6-3-2010.
Lễ hội “Thập Tam Trại” đã có từ lâu đời để tưởng nhớ Nguyễn Quý Công, người làng Lệ Mật, nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên đã có công khai khẩn vùng đất hoang phía Tây kinh thành Thăng Long, tạo nên vùng nông nghiệp trù phú ven kinh đô với địa danh Thập Tam Trại. Ngày nay, dấu tích của 13 làng trại này còn in đậm trên vùng đất 8 phường, thuộc quận Ba Đình như Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà...
Sau khi Nguyễn Quý Công qua đời, dân làng Lệ Mật (cựu quán) cùng dân Thập Tam Trại (kinh quán) nhớ ơn người có công mở đất đã tôn thờ làm Thành hoàng. Hàng năm, nhân dân các phường trên đều tổ chức lễ hội vào ngày sinh, ngày hóa của vị Thành hoàng làng có công mở đất, mang lại cuộc sống no đủ, yên bình cho nhân dân.
Lễ hội “Thập Tam Trại” Xuân Canh Dần - Đón chào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức với quy mô cấp vùng, không chỉ nhằm tôn vinh người có công mà còn là dịp ôn lại trang lịch sử hình thành, phát triển của vùng Thập Tam Trại, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giao lưu, thúc đẩy mối liên hệ cộng đồng giữa các làng trại.
Với ý nghĩa sâu sắc đó, lễ hội đã diễn ra với các nội dung hoạt động văn hóa như tập kết đội cờ - biểu tượng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu diễn tế, múa quạt, võ thuật, múa rồng bên cạnh các chương trình nghệ thuật “Non nước ngàn Xuân”, “Non nước mừng Xuân” và hội trò chơi dân dan, hội thi trưng bày cây cảnh, bày mâm cỗ hoa quả, biểu diễn dân ca trên thuyền…
Hội rước lễ hội có đầy đủ 13 làng trại là Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Kim Mã, Xuân Biểu, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Đại Yên, Giảng Võ, Cống Yên bên cạnh sự tham gia của làng trại Lệ Mật, làng trại Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa…
Lễ hội “Thập Tam Trại” diễn ra không chỉ mang tính địa phương mà còn thể hiện nét đặc sắc và giá trị nguồn văn hoá phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống, thúc đẩy mối dây liên hệ cộng đồng “13 làng trại”, phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại như câu đối ngợi ca nhân vật lịch sử Nguyễn Quý Công tại đình Vĩnh Phúc: “Chém giao long dũng mãnh hơn người, Vương triều Lý ngàn năm sau còn mãi/ Phi tuấn mã ân tình lập ấp, đất Thăng Long mười ba trại lưu truyền”.
Đoan Trang