Huyền Chip: "Tôi từng muốn một cuộc sống bất thường"

ANTD.VN - Đã 5 năm kể từ khi ra mắt độc giả Việt Nam 2 tập cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip) lại tự nhủ cô cần tránh “bùng nổ” cảm xúc và viết có trách nhiệm hơn.

Bìa cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” của tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền 

PV An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với Huyền Chip về những thay đổi trong cuộc sống của cô cùng cuốn sách mang tên “Tuổi trẻ không hối tiếc”...

Muốn nhìn về tương lai nhiều hơn

- PV: Ở thời điểm hiện tại, nếu chọn nghĩ về tương lai hay quá khứ, chị nghiêng về bên nào?

- Huyền Chip: Tôi muốn nhìn về tương lai nhiều hơn. Bản thân tôi chỉ nghĩ về quá khứ khi nhớ nhà, khi buồn hoặc cảm thấy hơi tiêu cực một chút. Tôi nhìn lại cuộc đời mình, những điều gì đã xảy ra rồi dẫn tôi đến điều hiện nay.

Ở quá khứ của tôi, có điều tôi thích, có điều không. Ở mỗi thời điểm, tôi lại đề cao những cái khác nhau, khi tôi trẻ hơn điều quan trọng với tôi lại khác với những điều quan trọng đối với tôi bây giờ. Tuổi mười tám đôi mươi, tôi thể hiện sự hào hứng với cuộc sống nhiều hơn, muốn làm những điều điên cuồng để có một cuộc sống bất thường không theo dòng chảy, trải nghiệm càng nhiều càng tốt, trải nghiệm những điều mình chưa làm. Bây giờ, trọng tâm của tôi là tạo ra một giá trị nào đó cho cuộc sống, cho mọi người xung quanh mình. 

- Chị có cho rằng chính vụ lùm xùm năm 2013 khi chị bị độc giả nghi ngờ bịa đặt những câu chuyện trong hành trình “Xách ba lô lên và đi” đã khiến chị trưởng thành, sống khác và nghĩ khác?

- Thời gian đó tôi nghĩ, có thể coi như một cuộc khủng hoảng tinh thần đối với tôi. Tôi đã vượt qua bằng cách nào? Tôi quyết định dừng lại, không đọc những gì viết về mình, không đọc báo, không check mail, không đọc những bình luận... Tôi chỉ xem một chương trình truyền hình, sau đó tôi lặng lẽ qua Y Tý, Bắc Giang... Ban đầu tôi nghĩ tôi vướng một mớ bòng bong khổng lồ và ngợp bởi nó, nhưng khi đi tới những vùng sâu vùng xa, tìm được sự yên tĩnh trong lòng, tôi lại thấy thế giới vẫn tiếp diễn, con người vẫn sống.

Rồi tôi nhận ra chuyện của mình không quá kinh khủng như mình nghĩ. Chuyến đi đó giúp tôi lấy lại được tinh thần, quyết tâm giành học bổng du học Mỹ, cho rằng tập trung học tập, làm việc, sống tích cực và hy vọng những đóng góp cho xã hội sẽ lên tiếng thay cho lời giải thích của tôi. Tuy nhiên, nhiều người vì ủng hộ tôi mà phải chịu nhiều điều tiếng sau những tranh cãi, thậm chí họ bị dư luận tấn công, nên năm ngoái (sau 4 năm), tôi đăng bức thư xin lỗi lên trang cá nhân vì muốn có cơ hội xin lỗi và cảm ơn họ.

Sẽ viết những gì đem lại nhiều giá trị tới độc giả

- Bây giờ, nếu gặp phải trường hợp như trước đây, chị sẽ làm thế nào?

- Quá khứ của tôi đã mắc sai lầm. Tôi không biết bắt đầu từ đâu nữa. Sửa sai được không? Tôi quan niệm, sống và trưởng thành là một quá trình học hỏi. Phạm sai lầm là điều tất yếu của quá trình trưởng thành. Sai lầm, tôi nhìn lại - khám phá bản thân.

Tại thời điểm “nước sôi lửa bỏng” gây tranh cãi, tôi đã không xin lỗi vì khó diễn đạt rõ ràng mớ bòng bong tôi vướng phải. Khi bị độc giả nghi ngờ bịa đặt những câu chuyện trong hành trình, tôi sẵn sàng cho phép phóng viên tại buổi họp báo ngày đó kiểm tra visa trong hộ chiếu của tôi thay vì đưa lên báo. Những thông tin cá nhân của tôi cần được mọi người tôn trọng nên không thể công khai hộ chiếu, visa, thậm chí cả thẻ lên máy bay cho hàng triệu người cùng xem.

Bây giờ, nếu gặp phải trường hợp đó, tôi sẽ lắng nghe, tiếp nhận những phản đối có lý thay vì cố gắng tỏ ra hiếu thắng, bốc đồng hay nói lời cộc lốc với độc giả khi tức giận. Tôi cũng ý thức được rằng phải trách nhiệm với những gì mình viết ra. Người đọc có quyền nghi ngờ, biết thêm thông tin và mình phải có nhiệm vụ lý giải.

Rõ ràng, khen chê là lẽ thường tình. Khi bị “ném đá”, tôi cần bình tĩnh đọc xem ý kiến phản hồi tiêu cực này đến từ đâu. Nếu điều tôi nói ra trên tinh thần xây dựng mà tôi có phần chưa hoàn thiện thì tôi sẽ nhìn lại mình. Còn nếu ý kiến đưa ra chỉ vì muốn tôi “sống theo những gì họ cho là đúng” thì tôi không thể. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận lắng nghe.

- Chị có thể cụ thể hơn về những tiêu chí mà chị hướng tới khi viết có trách nhiệm?

- Ngày trước, tôi chỉ viết đơn giản là điều mình muốn chia sẻ chứ không nghĩ người đọc có thể nhận được gì qua những điều tôi viết. Do đó, tôi sẽ viết những gì đem lại nhiều giá trị tới độc giả. Có một điều, tôi đang cố, nhưng vẫn khó... Đó là bản chất con người có những cái thích khoe, có cái không làm chủ được, tôi đang học cách viết vừa phải, các hình ảnh, dẫn chứng phải đúng lúc, đúng chỗ và tránh khiến độc giả hiểu lầm đó là khoa trương.

- Dường như hiện chị viết khá ít về những chuyến đi, tại sao vậy? Chị có thể bật mí đôi điều về cuốn sách mới của mình?

- Tôi thấy giờ nhiều người viết về đi rất nhiều rồi. Ít độc giả nhìn tôi như một người viết về đi nữa. Tôi đã viết nhiều hơn về suy nghĩ của mình về cuộc sống, kỹ năng. “Đi” chỉ là một phần nhỏ trong cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” tôi vừa ra mắt độc giả.

Cuốn sách này tổng hợp những bài học, kỹ năng tôi học được trong suốt quá trình trưởng thành. Nó được chia làm 4 phần. Phần 1 bao gồm một số suy tư của tôi về hành trình trở thành người lớn. Phần 2 viết về việc học, bởi không ai có thể trưởng thành mà không cần học. Phần 3 nói về công việc và những kỹ năng tôi nghĩ là cần thiết để có được sự nghiệp mong muốn. Trong phần cuối, “Cháy”, tôi hy vọng có thể truyền tải được thông điệp “cháy hết mình” của tuổi trẻ, từ việc yêu đến việc đi.

Thực chất, việc tôi từng say mê đi, giờ say mê học tập nghiên cứu, về cơ bản nó vẫn là những đam mê khám phá kiến thức mới. Khám phá của tôi giờ không chỉ mang tính địa lý, mà còn về kiến thức như khoa học công nghệ, văn hóa, con người.

- Cảm ơn và chúc chị may mắn, thành công! 

“Tuổi mười tám đôi mươi, tôi thể hiện sự hào hứng với cuộc sống nhiều hơn, muốn làm những điều điên cuồng để có một cuộc sống bất thường không theo dòng chảy, trải nghiệm càng nhiều càng tốt, trải nghiệm những điều mình chưa làm. Bây giờ, trọng tâm của tôi sẽ là tạo ra một giá trị nào đó cho cuộc sống, cho mọi người xung quanh mình”.

     Tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền