Hướng về nguồn cội

(ANTĐ) - Trong nhiều thập kỷ qua, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì những giá trị của âm nhạc cổ truyền bị mai một dần. Không ít tinh hoa âm nhạc truyền thống đã ra đi không trở lại cùng lớp nghệ nhân cao niên...

Hướng về nguồn cội

(ANTĐ) - Trong nhiều thập kỷ qua, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì những giá trị của âm nhạc cổ truyền bị mai một dần. Không ít tinh hoa âm nhạc truyền thống đã ra đi không trở lại cùng lớp nghệ nhân cao niên...

Còn công chúng ở dòng nhạc này thì ngày càng thưa thớt, nhiều buổi diễn vẫn “tịnh” không có người xem. Làm thế nào để gìn giữ âm nhạc dân tộc trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa đang là nỗi băn khoăn trăn trở với những ai tâm huyết với giá trị văn hóa cội nguồn.

Buồn cho âm nhạc truyền thống

Âm nhạc truyền thống gồm nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, chầu văn, ca trù, quan họ, hát trống quân, hát bài chòi... được coi là nguồn tài nguyên phi vật thể của dân tộc.

Thực tế cho thấy di sản âm nhạc cổ truyền của nước ta khá phong phú, theo một phép tính đơn giản thì cứ 54 dân tộc anh em tính bình quân mỗi dân tộc sẽ giữ cho mình một thể loại âm nhạc.

Tuy nhiên, giống như dòng chảy của con sông, có bên lở bên bồi, có cái sinh  có cái tử, nhiều tinh hoa âm nhạc cổ truyền đã bị mất đi để nhường chỗ cho sự khai sinh của những dòng nhạc khác.

Nhất là nghệ nhân, những người còn nắm giữ vốn âm nhạc cổ truyền nhiều nhất thì ngày càng trở nên hiếm hơn. Điển hình là ca trù. Gần 20 làn điệu từng được ghi nhận thì nay chỉ còn dăm, bảy làn điệu. Tương tự, hàng trăm vở tuồng, chèo cũng ra đi không trở lại.

Nếu làm một cuộc tổng kiểm kê thì chắc chắc con số sẽ không dừng lại ở đó. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa gọi đó là một sự báo động khẩn cấp, cần thiết phải có một chiến lược sưu tầm và phục dựng phù hợp nếu không muốn theo thời gian, nó tiếp tục bị sói mòn dần.

Nghệ sỹ Hoành Loan - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc từng nhấn mạnh: “Có một việc nếu không được làm ngay, làm triệt để, toàn diện đó là bảo tồn và phát huy vốn di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay thì đến một ngày không xa, chúng ta sẽ đánh mất dần, mai một dần rồi mất hẳn một phần ký ức dân tộc, bản sắc dân tộc trong văn hóa âm nhạc. Sự mất mát ấy cũng không thua kém gì sự mất đi tiếng nói và chữ viết của một quốc gia”.

Những nẻo đường  gìn giữ

Đây là chủ đề đã được đưa ra tại nhiều cuộc hội thảo như cách tân, sử dụng những phương tiện khác nhau để lưu truyền lại. Tuy nhiên hình thức nào cũng gặp phải những rào cản khác nhau.

Gần đây, ý tưởng đưa môn học âm nhạc cổ truyền vào giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ Sư phạm của Viện Âm nhạc đang được đánh giá là ưu việt. Những cử nhân của các trường này sẽ là những người trực tiếp nhóm lên ngọn lửa âm nhạc dân tộc trong các thế hệ học sinh trên toàn quốc.

Tiến sỹ Lê Văn Toàn, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết: Khi truyền dạy một hình thức âm nhạc cổ truyền nào đó cho người học, để bảo đảm giữ được tính nguyên gốc, gần với gốc nhất ở mỗi thể loại cụ thể - cách tốt nhất là theo phương pháp truyền khẩu trực tiếp.

Trong hệ thống giáo dục và đào tạo, việc dạy và học cổ nhạc, âm nhạc truyền thống cần được thể chế hóa để việc lưu truyền các giá trị đó không bị đứt đoạn. Trước mắt, Viện sẽ đưa những thể loại gắn với đời sống như dân ca, sau này sẽ là những thể loại lớn hơn như tuồng, chèo... vào chương trình giảng dạy.

Nguồn giáo viên sẽ được tuyển chọn từ các trường sư phạm, nghệ thuật Trung ương hay Nhạc viện Hà Nội. Đây là một quá trình lâu dài, có thể 10-20 năm sau mới có hiệu quả nhưng chắc chắn thế hệ trẻ sẽ có một kiến thức nhất định về những dòng nhạc dân tộc này.

Thực tế cho thấy, phương pháp truyền khẩu, thầy truyền cho trò trong việc gìn giữ những tinh hoa của văn hóa cổ truyền sẽ là cách nhanh nhất để các giá trị đó không vĩnh viễn đi theo lớp nghệ nhân già, đem lại hiệu quả thiết thực trong chiến lược “tìm về bản sắc văn hóa dân tộc”.

Huyền Khánh