“Hương sắc Việt Nam” - ngôi nhà mới cho âm nhạc dân tộc
(ANTĐ0 - Những tiết mục nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc do các nghệ sỹ đến từ đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hàng đầu quốc gia trình diễn - đó là màu sắc chủ đạo xuyên suốt “Hương sắc Việt Nam”.
Chương trình dự định sẽ được Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn thường kỳ trong thời gian tới. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trịnh Vũ Thìn - Trưởng phòng tổ chức biểu diễn Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam (ảnh) về mô hình hoạt động đặc sắc và mới lạ này.
Ông Trịnh Vũ Thìn |
- PV: Lâu nay Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam chủ yếu biểu diễn phục vụ các nghi thức và kỳ cuộc lớn của đất nước. Sự ra đời của chương trình này có phải là bước tiến nhằm đến gần hơn với khán giả?
- Ông Trịnh Vũ Thìn: Quả thực từ trước đến giờ mặc dù Nhà hát cũng tổ chức những chương trình nghệ thuật nhưng chủ yếu vẫn là để phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước. Anh em nghệ sỹ cũng không có nhiều chuyến biểu diễn đại trà. Mỗi đơn vị nghệ thuật đều có nhiều nghệ sỹ tài năng và dàn dựng được nhiều tiết mục hay, song nếu chỉ như vậy mà không chuyển tải rộng rãi đến công chúng thì sẽ là vô nghĩa.
Nhà hát xây dựng chương trình này để giới thiệu những gương mặt nghệ sỹ tiêu biểu của nhà hát đến với công chúng và quan trọng hơn là giới thiệu những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước.
Qua đó để công chúng được tiếp cận và gần gũi hơn với bộ môn nghệ thuật văn hóa truyền thống.
- PV: Vậy ý tưởng đó sẽ được hiện thực hoá như thế nào trong “Hương sắc Việt Nam”?
- Ông Trịnh Vũ Thìn: Ngay ở cái tên “Hương sắc Việt Nam” đã chứa đựng ý tưởng chủ đạo của chương trình. Đó là sự tôn vinh nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc thông qua những tiết mục kinh điển được sáng tác mới dựa trên chất liệu dân gian các dân tộc, và được biên soạn đơn thuần như: múa mùa hoa ban nở của người Thái, múa kơtu, độc tấu, song tấu và một số sáng tác đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Chương trình sẽ được xây dựng theo cấu trúc mở và thời lượng linh hoạt tuỳ theo từng đối tượng người xem, ví như: có thể hôm nay chương trình giới thiệu đặc trưng âm nhạc chung của tất cả các vùng miền, nhưng hôm khác lại chỉ chuyên về âm nhạc dân gian Tây Bắc, Tây Nguyên hay Nam bộ... Yếu tố ca - múa - nhạc cũng sẽ được cân đối một cách phong phú và phù hợp nhất.
Trước mắt là buổi khai mạc mở màn chương trình trong tuần đầu tiên của tháng 9 và kế hoạch diễn một buổi duy nhất vào thứ 6 hàng tuần. Còn sau đó Nhà hát sẽ nỗ lực tiến tới diễn 2 buổi/tuần, dần dần mở rộng nguồn đối tượng khán giả để biểu diễn thường kỳ các ngày trong tuần.
- PV: Chương trình này có hướng tới đối tượng khán giả là người nước ngoài?
- Ông Trịnh Vũ Thìn: Chương trình này ra đời với mục đích bảo tồn, lưu giữ và tôn vinh các giá trị nghệ thuật dân gian, đồng thời cũng là dịp để giới thiệu với bạn bè quốc tế về “đặc sản” văn hoá của Việt Nam khi họ đặt chân đến nước ta.
Trên thực tế khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội ngày càng đông, ngoài việc đi thăm thú các danh lam thắng cảnh, họ cũng rất muốn tìm hiểu thêm về những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của ta.
Vậy tại sao chúng ta không nhân cơ hội này quảng bá hình ảnh của con người và đất nước mình, đó chắc chắn sẽ là một cách làm hiệu quả.
Bên cạnh đó, thực trạng lớp trẻ ngày nay không mấy mặn mà với loại hình âm nhạc dân tộc, âu cũng bởi đó là vì họ chưa hiểu, chứ tôi tin khi hiểu rồi nhất định họ sẽ thích, huống chi bạn bè nước ngoài.
Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đã ra mắt buổi công diễn đầu tiên của chương trình “Hương sắc Việt Nam” vào tối ngày 7-9 tại Trung tâm thể nghiệm hoạt động VHTT cơ sở 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Với cách bài trí một bên trống, một bên chiêng và các nghệ sỹ bộ gõ trải chiếu ngồi trình diễn theo đúng phong cách truyền thống xưa, khán giả đã có dịp được đắm mình trong một không gian âm nhạc dân tộc thuần tuý nhưng không kém phần sang trọng: dân ca quan họ “Mời nước mời trầu”, độc tấu sáo H’ mông và đàn môi “Gọi em”, hát xẩm “Mục hạ vô nhân”, múa “Hứng dừa”, hoà tấu cồng chiêng và múa sạp... Sau buổi biểu diễn, NSND Xuân Hoạch tâm sự: “Chúng tôi đến với chương trình bằng lòng nhiệt huyết và cái tâm của mỗi người. Hy vọng các tiết mục sẽ làm hài lòng khán giả và các buổi công diễn tới hội trường sẽ chật kín chỗ ngồi...” |
- PV: Nhưng nếu chỉ biểu diễn ở Thủ đô Hà Nội mà không có những chuyến lưu diễn hay nhân rộng mô hình này đến các địa phương khác thì e rằng sức lan toả sẽ bị hạn chế?
- Ông Trịnh Vũ Thìn: Đó cũng là một vấn đề mà chúng tôi trăn trở. Sau này, có thể chúng tôi cũng sẽ tính tới việc tổ chức để đoàn đi lưu diễn. Còn trong điều kiện hiện nay dù có quyết tâm nhưng để thực hiện được những chuyến lưu diễn là hết sức khó khăn.
Trước mắt ban lãnh đạo Nhà hát sẽ cố gắng định hình chỗ đứng cho “Hương sắc Việt Nam”. Trên cơ sở đó mới dần dần làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành để họ thấy được hiệu quả từ mô hình này, tạo điều kiện và nỗ lực cùng anh em nghệ sỹ xây dựng thì mới có thể đưa chương trình đến với khán giả trong cả nước.
- PV: Ngoài ý nghĩa là để tôn vinh giá trị của nghệ thuật dân tộc, chắc chương trình cũng phải tính tới hiệu quả việc kinh doanh?
- Ông Trịnh Vũ Thìn: Khi bắt tay vào xây dựng chương trình này chúng tôi không nhằm mục đích kinh doanh bởi xác định sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn. Anh em nghệ sỹ đến với chương trình cũng chỉ bằng lòng đam mê với nghệ thuật. Như NSƯT Duy Thường tuổi đã cao, nhưng vẫn tâm huyết cống hiến chỉ bởi “hàng tuần được đứng trên sân khấu biểu diễn và sống cùng khán giả”, và rất nhiều anh em nghệ sĩ khác đều có chung suy nghĩ như vậy.
Nhưng trên hết, mọi người đều hiểu trong điều kiện hội nhập và giao lưu văn hoá hiện nay cần có trách nhiệm nỗ lực hết mình để chỗ đứng của ca múa nhạc dân tộc được khẳng định và nâng cao hơn lúc nào hết.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Bích Hậu
(Thực hiện)