Hồng Kông không ngủ

ANTD.VN - Công nghiệp, nông nghiệp ở Hồng Kông (Trung Quốc) hầu như không có gì và người dân ở đây sống nhờ buôn bán, chứng khoán, kinh doanh giải trí. Mặc dù nhịp sống gấp gáp, khắc nghiệt là vậy song hàng năm vẫn có rất nhiều người từ khắp mọi nơi tìm cách chuyển đến đây…

Sống trong những “hộp diêm”

Hồng Kông không ngủ ảnh 1Hồng Kông sôi động và đủ sắc màu cuộc sống

Sân bay Hồng Kông đóng tại bán đảo Tân Giới, đường băng nằm nhô cả ra biển gây một ấn tượng rất lạ. Khi máy bay tiếp đất, tưởng chừng như đang lao xuống vực nước sâu. Khu vực tự trị Hồng Kông bao gồm 3 bán đảo mang tên Tân Giới, Cửu Long và Hồng Kông. Bán đảo Tân Giới có địa hình đồi núi, đất đai khô cằn nên dân cư thưa thớt. Từ bán đảo này đi sang Cửu Long phải qua cầu treo Thanh Mã dài nhất Hồng Kông với 2,2km. Diện tích Hồng Kông chỉ vỏn vẹn 1.098km2, phần nhiều là đồi núi mà dân số lên tới 6,8 triệu người nên đất đai, nhà cửa khan hiếm và đắt đỏ vô cùng. Đất ít nên không còn cách nào khác, người dân Hồng Kông đành phải ở trong những khu chung cư chật chội. Khi ô tô tiến sâu vào nội thành, lấp ló những cao ốc hình hộp nằm san sát nhau.

Thành phố không hề có bóng cây xanh, nhìn từ xa chỉ toàn một màu xam xám, trăng trắng của những ngôi nhà cao tầng. 2/3 dân số Hồng Kông phải đi thuê nhà ở, vậy mà để thuê được một căn hộ rộng chừng 20m2 cũng là cả một vấn đề. Giá mua và thuê một ngôi nhà trên bán đảo Hồng Kông hoặc Cửu Long rất đa dạng tùy theo từng loại nhà, song đắt kinh khủng. Một cô gái Hồng Kông gốc Việt nói rằng, ở đây chẳng mấy ai được sướng như bên Việt Nam, nghĩa là được phép ở trong những căn nhà 2-3 tầng, rộng vài chục mét vuông do mình làm chủ.

Đứng từ trên đỉnh núi mang tên nữ hoàng Victoria (hay còn gọi là đỉnh Thái Bình) có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Hồng Kông, một thành phố bé nhỏ nhưng sôi động bậc nhất châu Á. Dọc đường lên có rất nhiều lối rẽ vào các ngôi biệt thự của những đại gia trong lĩnh vực buôn bán bất động sản, kinh doanh sòng bạc, các siêu sao âm nhạc, minh tinh màn bạc và chính khách. Nhà ở của người Hồng Kông được phân đẳng cấp rõ ràng. Dân thường đương nhiên ở trong các khu chung cư, người thuộc tầng lớp giàu có thường tậu cho mình những ngôi nhà ngự trên triền đồi, sườn núi. Số tiền mà họ bỏ ra mua nhà luôn tỉ lệ thuận với độ cao tính từ mặt đất.

Cuộc sống sôi động về đêm 

Nếu như bán đảo Hồng Kông khá vắng vẻ thì bán đảo Cửu Long lại đông đúc dân cư, cửa hàng cửa hiệu. Tôi nghỉ lại một khách sạn bên Cửu Long nên vẫn thường ghé qua khu Chim Sa Chổi dạo chơi sau bữa ăn tối. Đây là trung tâm sầm uất nhất bán đảo với những con phố rất dài và hàng trăm shop lớn nhỏ mang thương hiệu Gucci, Versace, Armani…, các siêu thị 5 tầng và những cửa hàng nhỏ bán đồ hạ giá. Đến tận nửa đêm trên đường phố vẫn còn sáng choang ánh đèn và tấp nập người qua lại. Người Hồng Kông cũng như khách ngoại quốc khi đến khu Chim Sa Chổi đều xem việc mua sắm như là một thú vui. Hàng hóa phong phú đủ chủng loại ngập tràn các cửa hàng, đắt có, rẻ có, hàng xịn trộn hàng rởm đủ cả. Ngoài hàng hóa thì đồ ăn trên vỉa hè đường phố Hồng Kông cũng hấp dẫn mà chủ yếu là các loại bánh chiên, thịt nướng và hoa quả xay. Những phố tập trung nhiều cửa hàng ăn uống thường có mùi đặc trưng rất khó chịu của một loại thực phẩm Quảng Đông nào đó làm từ đậu hũ. Ấy vậy nhưng khách ăn vẫn đông nườm nượp, có lẽ họ đã quá quen với thứ mùi đó từ hàng thế kỷ nay rồi. 

Cuộc sống sôi động về đêm không những thể hiện trên các đường phố trung tâm mà còn ở các vũ trường, nhà hàng và quán cà phê… Như nhiều thành phố náo nhiệt khác, bắt đầu từ nửa đêm trở đi mới là giờ cao điểm của quán xá. Những thanh thiếu niên miệt mài quay cuồng trong tiếng nhạc cho tới tận 9h sáng hôm sau mới tan cuộc. Khi mà người dân thành phố đã ăn sáng xong và bắt tay vào công việc thì những gương mặt bơ phờ bắt đầu ra khỏi vũ trường, đứng ngồi tả tơi ngay trước cửa, rồi từng tốp lên taxi đi mất, trả lại khung cảnh im lìm. Để rồi đến đêm những tấm panô xanh đỏ lại sáng ánh đèn chào đón các quí khách trẻ tuổi thức thâu đêm suốt sáng.

Thành phố của quảng cáo

Giờ khắc êm đềm duy nhất của thành phố là lúc tảng sáng cho tới khi mặt trời lên đỉnh đầu. Người Hồng Kông bình minh rất muộn. 9h họ mới kéo nhau đi ăn sáng và cho tới lúc đó thì chưa có cửa hiệu nào mở ngoài mấy quán phục vụ điểm tâm. Bắt đầu từ 9h30 trở đi, nhịp độ gấp gáp lại trở về với thành phố bé nhỏ này. Phố xá Hồng Kông nhỏ hẹp và rất đặc trưng với những tấm biển quảng cáo. Người ta có thể quảng cáo ở bất cứ đâu: những tấm panô lớn được bắc ngang qua đường, các hộp đèn khổng lồ dựng trên những tòa nhà san sát bờ vịnh, hàng tá biển xanh đỏ, lớn nhỏ trước mỗi cửa hiệu, rồi những áp phích quảng cáo đủ thứ trên đời được dán kín các bức tường nhà. Mà lạ thay, chủ nhân của những ngôi nhà đó cũng chẳng buồn bóc đi, người quản lý môi trường cũng vậy, thế là hết lớp này đến lớp khác được dán đè lên nhau, quảng cáo cho những bộ phim chưởng, thuốc Đông y, kem dưỡng da…

Tầng trệt của tất cả các chung cư đều được dành để buôn bán, còn dân chỉ ở từ tầng 2 trở lên. Nhà ở vô cùng chật chội nên đó cũng là một lý do khiến họ ít khi về nhà. Cả ngày họ đi làm hoặc đi học, trưa ăn cơm hộp, tối đến lại dành thời gian đi chơi, mua sắm hoặc ăn cơm ngoài nên rất muộn mới về. Họ ăn uống cũng tác phong công nghiệp, ăn trên xe, ngoài vỉa hè hay vừa đi vừa ăn là chuyện hết sức bình thường. Đất chật, người đông, nên phương tiện đi lại cũng phải tiết kiệm diện tích. Tất cả ô tô buýt đều là loại xe 2 tầng để lấy được nhiều chỗ. Ô tô du lịch cũng thường có kích thước rất nhỏ cho đỡ tốn đất.

Ngoài vịnh Hồng Kông, tàu bè qua lại tấp nập tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục cho thành phố nhỏ bé này. Chiều trên bờ vịnh, rất nhiều thanh niên, người già và khách du lịch ra đây hóng gió. Vịnh Hồng Kông còn là nơi lý tưởng để quay những tiểu cảnh lãng mạn cho các bộ phim truyền hình dài tập. Một đôi tình nhân sắp chia tay, không có gì hợp lý hơn khi đạo diễn cho họ đứng dưới ánh hoàng hôn trên vịnh, xa xa là bóng con tàu đang chuẩn bị rời bến, thực dễ lấy nước mắt của người xem. Mặc dù chỉ cách đó vài mét, ngoài khuôn hình của máy quay, những đám đông không bao giờ vãn vẫn ồn ã qua lại, trên tay là ống bắp rang to đùng.

Một chính quyền tự trị

Hồng Kông không ngủ ảnh 3

Mặc dù đã được trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997, song Hồng Kông là một khu vực tự trị, nhiều điều luật từ thời thuộc địa vẫn được giữ nguyên. Ví dụ như tiền học phí của học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được chính quyền đài thọ tất. Các bệnh viện Trung ương thường chỉ thu một phí tổn rất nhỏ tượng trưng. Bệnh nhân nếu có bệnh nặng sẽ được trợ cấp tiền khám và thuốc men. Các phương tiện giao thông vẫn đi chiều bên trái và vô lăng bên phải theo kiểu Anh. Các địa danh phần lớn được giữ nguyên tên tiếng Anh như cũ. Một điều thú vị là có rất nhiều phố mang địa danh Việt Nam như Sai Gon Street, Hai Phong Street, Ha Noi Sreet… mặc dù đó không phải là những khu vực có nhiều người Việt Nam sinh sống.

Như đã nói ở trên, Hồng Kông bao gồm 3 bán đảo. Từ Cửu Long sang Hồng Kông phải qua một đường ngầm dài dưới biển. Nếu như Cửu Long là nơi cư dân sinh sống và buôn bán thì bán đảo Hồng Kông lại tập trung các cơ quan đầu não như nhà băng, trung tâm thương mại quốc tế hay nhà Bàn giao. Nhà Bàn giao được khởi công xây dựng và hoàn thành cách đây 4 năm để đón chào giờ phút lịch sử (ngày 1-7-1997). Kiến trúc của mái nhà màu vàng giống hình tượng cánh chim hải âu, điều này có ý nghĩa Hồng Kông được trao trả lại Trung Quốc cũng giống như cánh chim bay từ biển vào đất liền. Trên tầng cao nhất vẫn có bông hoa Tử kinh, biểu tượng của Hồng Kông. 

Ngoài Disneyland, công viên Đại Dương thì Vịnh Nước cạn Repulse cũng là nơi tập trung đông người. Mặc dù đây là một bãi biển nhân tạo (người ta đã phải mua cát từ đại lục chở sang để lấn một phần biển cho dân  tắm) song dân chúng vẫn nô nức tận hưởng niềm hứng thú với thiên nhiên ngay giữa chốn thị thành. 

Công nghiệp, nông nghiệp ở Hồng Kông hầu như không có gì và người dân ở đây sống nhờ buôn bán, chứng khoán, kinh doanh giải trí. Mặc dù nhịp sống gấp gáp, khắc nghiệt là vậy song hàng năm vẫn có rất nhiều người từ khắp mọi nơi tìm cách chuyển đến đây. Chính quyền Hồng Kông đã phải tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn dòng người này. Một Việt kiều sinh sống ở Hồng Kông từ hơn 10 năm nay nhận xét: “Cuộc sống Hồng Kông vô cùng khốc liệt và mệt mỏi. Có công ăn việc làm ổn định, có nhà cửa tử tế ở Việt Nam thì đó là điều sung sướng nhất, bởi ta được nằm trên chính quê hương của mình”.