Những ngôi làng ven đô Hà Nội khó viết tiếp huyền thoại, nếu... (4)

Hồn làng là gì nếu không phải văn hóa truyền thống?

ANTD.VN - Có một điều chúng ta đã quên hoặc cố tình quên, 30 năm trước thôi, Hà Nội đã có một vành đai xanh, với trầm tích văn hóa, với nếp cũ lệ làng xưa còn tuyệt vời hơn cả những lời quảng cáo bây giờ. 

Làng Thượng Cung Định Quán, Thường Tín, Hà Nội - Ảnh: Khiếu Minh

Sau khoảng 30 năm “hăng hái” và mải miết “đô thị hóa”, những ngôi làng ven đô của Hà Nội đã thành phố với ngùn ngụt nhà bê tông. Phong tục tập quán mai một, mối quan hệ “bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng nhạt nhòa, đôi khi chỉ còn là nhà nào biết nhà nấy. Hàng xóm láng giềng nhưng cả năm mới thấy mặt nhau. Tuyệt đối không còn chuyện sẻ chia con cá lá rau giữa các gia đình trong xóm.

Và phải sau rất nhiều mất mát, trả giá cho “phát triển nóng” chúng ta mới nhận ra rằng, một khoảng cây xanh mát đáng quý biết bao nhiêu, những phong tục tập quán đất lề quê thói, nếu không gìn giữ thì chúng ta tay trắng. Chúng ta lại nói về sống xanh, về xu hướng du lịch sinh thái. Những lời quảng cáo dự án nhà ở đầy ngọt ngào với hứa hẹn, ở đó sẽ có công viên, hồ nước, có rất nhiều cây xanh, có sân chơi. Con cái chúng ta sẽ được gần gũi thiên nhiên, sẽ được hít thở bầu không khí sạch…

Ô nhiễm văn hóa  và những bất an

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy vốn người gốc huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ), khi vừa chạm đến chuyện “đô thị hóa” ông đã thở dài xót xa “Ôi làng tôi”. Mới hơn chục năm kể từ ngày sáp nhập Hà Nội, ngôi làng của ông đã thay đổi rất nhiều. 

Ông kể, những cái xấu không biết từ đâu ùa về nhanh hơn những điều đẹp đẽ. Thanh niên bỏ ruộng đi làm công ty. Nhưng thứ công việc trong nhà máy đòi hỏi đứng ít nhất 8 tiếng mỗi ngày chỉ có phụ nữ chịu nổi, đàn ông con trai chỉ làm được dăm bữa nửa tháng là bỏ, thành thất nghiệp. “Nhàn cư vi bất thiện” thế là cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, hút chích... nảy sinh. 

“Ngày xưa chúng tôi được bố mẹ thả ra đồng, vô tư chạy nhảy giữa gió trời khoáng đạt mê tơi, bày trò chơi lành mạnh như mót khoai, săn chuột, tát cá nướng ăn. Ăn no thì rủ nhau xuống con sông Bùi trong veo quanh năm ắp nước thỏa thuê vùng vẫy. Tối thì về nhà, ngoan lành, khỏe mạnh. Giờ thì làng đã trở nên bất an đến nỗi con cái ra khỏi nhà đi đâu lâu một tí là lo nơm nớp”, nhà văn Đỗ Tiến Thụy chia sẻ. 

Từng có một thời gian dài ở Tây Nguyên, nhà văn Đỗ Tiến Thụy kể, ở đó từng có nhiều ngôi làng của người Thái Bình, Hà Tây, Nam Định... vào theo chính sách kinh tế mới. Nhưng họ vẫn giữ được những nét truyền thống rất riêng mang theo từ quê nhà, đúng như câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Gánh tên làng theo mỗi chuyến di dân”. Chính vì thế mà họ không bị “biến mất” giữa hàng trăm ngôi làng đủ các vùng quê vùng đất mới. Vì thế, muốn giữ được làng thì phải giữ được hồn làng. Nói thì có vẻ trừu tượng, nhưng hồn làng là gì nếu không phải là văn hóa truyền thống? 

Khác với các làng ven đô của Hà Nội thời chưa mở rộng, những ngôi làng của các huyện ngoại thành mới sáp nhập cơ bản chỉ phải hứng chịu “hoàn lưu bão”. Chưa nằm trong “tâm bão” nên những thứ quý giá nhất vẫn giữ được. Hiện tượng “ly nông” đã trở nên phổ biến nhưng người dân quê ông vẫn không “ly hương”. Vậy nên về cơ bản, làng vẫn là làng. Làng vẫn giữ được bề dày lịch sử và văn hóa. Các thiết chế văn hóa cơ bản như đình, chùa, văn chỉ... và các bản hương ước được lưu truyền nhiều đời vẫn còn. 

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy tin tưởng, trong buổi giao thời, văn hóa làng tạm thời bị lắng xuống. Nếu được kích hoạt, nó sẽ tạo ra một sức đề kháng mạnh. Văn hóa, chỉ có văn hóa mới giúp một ngôi làng tồn tại và phát triển bền vững trước biến thiên thời cuộc.

Hiện đại hóa không phải “xây cho nhà cao cao mãi”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng một câu hỏi đầy ngụ ý mà ông không cần tôi phải trả lời: “Chị có tin rằng, nếu bây giờ mà Hà Nội bán hồ Tây và hồ Gươm thì sẵn sàng có một vài doanh nghiệp mua, lấp đi để xây trung tâm thương mại, xây chung cư trên đó không?”. Rồi ông tự trả lời: “Tôi chắc với chị là có đấy. Bởi lẽ, vì lợi nhuận mà họ bất chấp tất thảy, bất chấp cả lịch sử, cả văn hóa nghìn năm của thành phố này!”.

Chuyện đô thị hóa và những hệ lụy nó mang lại được nhiều nước trên thế giới cảnh báo từ rất sớm. Tuy nhiên, có 2 điều quan trọng bắt buộc phải giữ đó là “vùng thiên nhiên” và “vùng văn hóa”. Đó là hai vấn đề “cốt tử” để bảo toàn một thế giới. Đánh mất một vùng nào thì cũng đều triệt tiêu nhân loại cả. 

Thành quả lớn nhất mà nhân loại có được cho tới ngày hôm nay là “hưởng lợi từ thiên nhiên sẵn có” và “con người làm ra nền văn hóa của mình”. Cả thế giới phong phú vì có một nền văn hóa đa bản sắc, điều đó tác động và hoàn thiện nhân tính của con người. 

Đô thị hóa, tức là chúng ta phải mang lại những lợi ích cho cư dân vùng nông thôn như: hệ thống nước sạch, y tế hiện đại, giáo dục nhân văn, giao thông văn minh thuận tiện, cùng với đó là giữ được môi trường thiên nhiên và kiến trúc truyền thống. Nhưng rồi, sai lầm ban đầu đã dẫn chúng ta đến việc thành thị hóa một vùng nông thôn, một vùng văn hóa, một vùng thiên nhiên, đánh mất sự cân bằng của thiên nhiên. Cấu trúc đô thị biến vùng văn hóa vốn đặc trưng trở nên biến dạng. 

Ở Hà Nội có rất nhiều Đại sứ quán các nước, hãy nhìn Đại sứ quán Thụy Điển, Đại sứ quán Thái Lan hay Lào… Họ vẫn giữ cho mình một kiến trúc truyền thống. Thế thì tại sao chúng ta không hướng người dân vào những điều đó. Hiện đại hóa không phải “xây cho nhà cao cao mãi” mà phải là tiện nghi hóa, văn minh hóa trong chính ngôi nhà mái lợp ngói mũi hài và giữ được thiên nhiên hoàn hảo xung quanh. 

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, ở Nhật Bản, sao họ vẫn giữ được bản sắc nghìn năm trong những lễ hội, những ngôi làng cổ được bảo tồn gần như hoàn hảo. Những người dân vẫn hạnh phúc sống trong những ngôi nhà truyền thống mà đâu cần phải có phố xá dọc ngang tấp nập. Ở Hàn Quốc cũng vậy, thành phố phát triển như thế, nhưng họ vẫn giữ những ngôi làng nguyên vẹn. 

Tức là, người làm quy hoạch phải nhìn ra bản chất của vấn đề. Chúng ta không thể mãi biện minh là thiếu kinh phí để rồi những bản quy hoạch chiến lược được vẽ ra với tầm nhìn không quá 10 năm và lờ đi phúc lợi cần thiết cho người dân. 

Ở Australia, khi có quyết định thành lập Thủ đô Canberra giữa 2 thành phố Sydney và Melbourne, người ta đã đào rất nhiều hồ nhân tạo, xung quanh tạo vùng thiên nhiên, kiến trúc đặc trưng cùng với đó là các công trình giải trí như bảo tàng, thư viện, rạp hát… Có rất nhiều mô hình thành công trên thế giới, nhưng chúng ta không hề học hỏi. Chúng ta chỉ muốn chiếm lấy, kinh doanh, thu lợi ích, không đặt ra được tầm nhìn 100 năm. 

Ví dụ gần hơn, Hà Nội trước kia có những khu phố được người Pháp thiết kế rất đẹp, phù hợp văn hóa, môi trường, cách thức sống. Bây giờ, nó vẫn là khu phố rất đẹp với vỉa hè rộng. Thế còn những khu phố chúng ta mới mở thì sao? Tại sao ở đó, hễ mưa là ngập, hễ ra đường là tắc, chật chội xe cộ từ lòng đường lên tới vỉa hè, nhà thì chưa xây đã lạc hậu, dấu ấn kiến trúc bản địa không thấy đâu.

Những ngôi làng xưa bao giờ cũng có luật bất thành văn là nhà ở không được xây cao quá mái đình, đó chính là một nguyên tắc cơ bản trong ứng xử văn hóa, đặt sự thiêng liêng lên trên hết. 

Ham cái lợi nhỏ, bỏ cái lợi to

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vốn là người dân làng Chùa - một ngôi làng cũng thuộc Hà Tây cũ. Ông kể rằng, những người già trong làng Chùa từng yêu cầu con cháu dựng lại cổng làng từng bị hủy hoại từ thời chiến tranh. Việc dựng lại cổng làng cũ không phải để khoe mẽ mà cốt là để phục hồi lại 4 chữ trên cổng “Vọng tự nhập xuất”, nghĩa là “Nhìn chữ để biết việc ra vào”. Chữ ở đây có hàm ý là văn hóa và dùng văn hóa để ứng xử lễ nghĩa.

Người dân Seoul từng rơi lệ khi nhìn cổng thành Namdaemun hơn 600 năm tuổi bị cháy. Bang Ohio của Mỹ có nhiều quy định cấm phát triển công nghiệp, họ kìm hãm để công nghiệp không phát triển quá mức nhằm bảo tồn thiên nhiên, lịch sử, văn hóa hình thành. 

Tất cả những điều đó, không phải những nhà hoạch định chính sách của ta không biết, nhưng có người biết mà không làm được, bởi họ chỉ là một nhóm nhỏ, không thể can thiệp, tác động vào việc thay đổi chính sách. Cũng có nhóm người biết nửa vời và họ hiểu nhầm, xây dựng đất nước là phải có nhiều nhà cao tầng hơn, có nhiều khu đô thị hơn. 

Thực tế, với việc đô thị hóa xong xuôi ở các ngôi làng ven hồ Tây, nhà cao tầng mọc lên như nấm, hồ Tây bỗng trở thành một thực thể tồn tại cô độc. Trong khi ven hồ xưa là cả một vùng đậm đặc văn hóa. Tất cả bắt nguồn từ lợi ích và lòng tham của con người. 

Đã đến lúc, chúng ta phải bừng tỉnh để nhận thấy vẻ đẹp môi trường đã mất. 30 năm trước mỗi sớm mai thức dậy, những người làng được nghe chim chóc hót vang quyện với hương hoa trong vườn. Thậm chí còn ngửi thấy mùi cầy hương đi ăn đêm. 30 năm sau, chẳng còn gì hết, giữa mùa hè Hà Nội không có nổi một tiếng ve. Hồ Tây đã sạch bóng sâm cầm.

1.000 năm qua, kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời Hoa Lư, chọn Thăng Long làm “nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”, những ngôi làng ven Thăng Long đã góp phần không nhỏ để bảo vệ, bồi đắp, hình thành nên một Hà Nội với 36 phố phường. 1.000 năm với biết bao lắng đọng, những nét văn hóa riêng của mỗi ngôi làng mới được hình thành. Thế nhưng, chỉ mất có chưa đầy 30 năm, những Ngọc Hà, Tứ Liên, Yên Phụ, Vạn Phúc, Ngũ Xá…đều đã không còn chút nào lưu dấu hình hài xưa. “Hôn nhân điền thổ vạn cố chi thù”, không hiếm để bắt gặp những bi kịch khi đất đai bỗng được quy ra bạc tỷ, anh chị em trong gia đình, họ mạc, dòng tộc vì lợi ích mà mất mặn mất nhạt “từ” nhau. 

Chuyện buồn từ khi làng hóa phố thì muôn hình vạn trạng. Nhưng cũng không phải là không có góc nhìn lạc quan khi trong từng ngôi làng, vẫn còn các chủ thể văn hóa chủ động trong quá trình biến đổi, linh hoạt để thích ứng. Dù văn hóa truyền thống đã được tái cấu trúc, làm mới và sáng tạo song tất cả những phương thức ấy của những người dân làng ven đô cũng cốt sao để duy trì được nền tảng văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại. Những hội hè, lễ tết, những đình, chùa, đền miếu vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng… Việc thực hành văn hóa truyền thống được xem như cách tạo ra sức mạnh tự vệ trước nguy cơ của “bão” đô thị hóa.

Làng thành phố, đương nhiên văn hóa truyền thống mai một thậm chí mất đi, tuy nhiên, cũng có không ít người lạc quan tin rằng, khi mà xã hội phát triển đến một thời đoạn nào đó, nó sẽ tự khắc làm sống lại các thực hành văn hóa truyền thống, vì nương tựa vào văn hóa, vào môi trường thiên nhiên trong lành chính là cách xây dựng xã hội bền vững nhất. Và những ngôi làng ven đô Hà Nội vẫn sẽ lại viết tiếp nhưng trang huyền thoại của mình.