Hơn 2,5 tỷ đồng trùng tu "Con đường gốm sứ"

ANTD.VN - Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án sửa chữa, bảo dưỡng con đường gốm sứ ven sông Hồng. Dự án bao gồm 4 gói thầu với tổng giá trị hơn 2,5 tỷ đồng.

Đây là lần thứ hai con đường gốm sứ ven sông Hồng được trùng tu (lần đầu tiên vào năm 2015). Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người đưa ra ý tưởng cũng như trực tiếp bắt tay vào thực hiện bức tranh gốm sứ khổng lồ này cho biết: “Con đường gốm sứ nằm trên một trục đường có mật độ giao thông lớn qua lại, đường đê rung để lại dư chấn cùng với sự tác động thời tiết khiến tranh hư hại. Việc bảo dưỡng cũng giống như việc nhà xây sau vài năm phải sơn lại”.

Hơn 2,5 tỷ đồng trùng tu "Con đường gốm sứ" ảnh 1Một đoạn của con đường gốm sứ ven sông Hồng

Đại trùng tu

Dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng chính thức khởi động năm 2007 và hoàn thành vào tháng 10-2010. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Con đường gốm sứ dài 6km, diện tích khoảng 6.500m2, mang dấu ấn của làng gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng... Các bức tranh nhiều màu sắc đã tạo nên một diện mạo mới cho con đường đê màu xám bê tông trước đó. Tuy nhiên, sự xuống cấp hiện nay của con đường được thấy rõ trên các mảnh gốm nứt, bong rơi, mất vệ sinh… phần nào ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Chính vì vậy, Hà Nội vừa quyết định đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng con đường gốm sứ ven sông Hồng. Theo đó, dự án bao gồm 4 gói thầu với tổng giá trị 2,572 tỷ đồng, bao gồm: Toàn bộ phần xây lắp của dự án; Lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu xây lắp; Giám sát thi công gói thầu xây lắp; Bảo hiểm công trình.

UBND TP Hà Nội giao chủ đầu tư là Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình duyệt (bao gồm cả tính chính xác về số lượng và chất lượng) theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các quy định có liên quan của pháp luật. Trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát toàn bộ các điều kiện phải tuân thủ đối với hợp đồng trọn gói, kiểm tra, xác định giá gói thầu.

“Lần này sẽ làm triệt để”

Từng có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho con đường gốm sứ xuống cấp như hiện nay là do thi công ẩu. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy phủ định: “Không có chuyện thi công ẩu khi thực hiện con đường gốm sứ. Về cơ bản tranh gốm rất bền, thực tế là sau ngần đấy năm mới phải bảo dưỡng hai lần”. Cùng với đó, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng có một số lý do khác gây nên tình trạng con đường không còn nguyên vẹn như ban đầu: “Chủ yếu là do xe tải đi sượt vào tranh. Khi mưa, nước từ cầu vượt Chương Dương xối từ trên cầu xuống cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình…”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết lần bảo dưỡng này sẽ làm triệt để. Các chỗ bong tróc, hỏng hóc trên tranh sẽ được sửa lại, miết mạch của gốm làm tranh trông mới hơn… Ngoài ra, việc gia cố một số trụ sắt ở phía sau các bức tường tranh cho vững thêm cũng đang được cân nhắc.

Tuy nhiên, theo họa sĩ Nguyễn Thu Thủy có một vấn đề đáng lo ngại là một số người vô ý thức đốt lửa ven đê khiến cho tranh bị ám khói đen. Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối phải giải quyết nếu muốn bảo tồn con đường gốm sứ một cách tốt nhất. 

Những bức tranh gốm sứ làm đẹp con đường bên bờ sông Hồng, trong đó đoạn tranh “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử” dài 810m đã được Tổ chức Guinness trao chứng nhận “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”, nếu giữ gìn vệ sinh môi trường tốt, con đường gốm sứ sẽ phát huy được vai trò thu hút du khách và quảng bá, xúc tiến du lịch.