Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo

ANTD.VN -Nhân kỷ niệm 334 năm ngày Đại đăng khoa của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (1683-2017), 366 năm sinh của ông (1651-2017) và hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), ngày 13-10, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo và Truyền thống khoa bảng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh.

Trưng bày tài liệu hiện vật về Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và dòng họ khoa bảng

Hội thảo nhằm đánh giá những đóng góp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trên các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, giáo dục,.. và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh.

Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo sinh năm Tân Mão niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1651), mất ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), quê ở Hoài Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Đăng Đạo sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa xứ Kinh Bắc, lại được thừa hưởng một truyền thống hiếu học, khoa bảng của gia đình và dòng họ, cho nên, ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học.

Nguyễn Đăng Đạo từng đảm nhiệm các chức: Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư,... sau được thăng Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Thọ Lâm bá. Trong thời gian làm quan, ông hai lần được giữ chức Tri Cống cử trông coi việc tuyển dụng nhân tài cho đất nước ở kỳ thi Hội. Ông cũng được trao trọng trách dẫn đầu đoàn sứ bộ sang triều Thanh đòi lại ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc xứ Tuyên Quang.

Với 27 bài tham luận của các nhà khoa học gửi tới, hội thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung như: Quê hương, dòng họ, con người và sự nghiệp, bảo tồn và phát huy truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng, thôn Hoài Thượng, Bắc Ninh, đóng góp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trên các lĩnh vực hoạt động, trên các vị trí ông đã đảm nhiệm. Đặc biệt là vai trò, vị  trí của các vị đại khoa dòng họ Nguyễn Đăng  đối với Quốc Tử Giám.

Một phần không gian của Hội thảo dành cho trưng bày chuyên đề với gần 100 tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật cùng nhiều hiện vật như: thư tịch chữ Hán, gánh sách, hòm sách, bút nghiên,…có liên quan nhằm giúp người xem hình dung thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, các nhà khoa bảng họ Nguyễn Đăng và truyền thống hiếu học của dòng họ.