Hội thảo: "Thơ Hà Nội - Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước"

ANTD.VN - Sáng ngày 10-6 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Thơ Hà Nội -  Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước". Tham dự hội thảo có nhiều gương mặt nhà thơ được yêu mến như: Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Việt Hằng...

Không khí của buổi hội thảo diễn ra giữa một ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm và hội trường thì chật kín người. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã mở màn buổi hội thảo với những lời lẽ hùng hồn và cuốn hút.

Tiếp sau đó là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét về các vần thơ của các tác giả trong thời gian vừa qua.

Hội thảo vừa diễn ra sáng ngày 10-6 tại Hà Nội

Các tham luận đều chỉ ra, có một dòng chảy thơ về Hà Nội kéo dài cả nghìn năm và mang sức sống bền lâu. Đầu tiên, Hà Nội đi vào nhiều bài ca dao. Ở đó, đất kinh kỳ hiện lên trong vẻ đẹp của sự sống động, từ con người tới phố phường, danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa, sản vật, ẩm thực: Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây. Bài ca dao Hà Nội 36 phố phường trở thành niềm tự hào chung của người Việt Nam. Không chỉ tự hào về vẻ đẹp phố phường, người Hà Nội còn tự hào về cốt cách riêng của mình: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Khi các triều đại phong kiến được hình thành, Thăng Long là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả và thậm chí đã trở thành biểu tượng về một thời kỳ phồn thịnh, vàng son của dân tộc, gắn với hai triều đại Lý – Trần kéo dài gần 4 thế kỷ với nhiều thành tựu, chiến công rực rỡ. Một loạt thi phẩm của các danh gia giai đoạn nửa cuối thể kỷ 18 – nửa đầu thế kỷ 19 đều sử dụng địa danh Thăng Long như hồi ức về một thời kỳ không thể nào quên. Một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của Bà huyện Thanh Quan có ngay hai chữ Thăng Long từ nhan đề - Thăng Long thành hoài cổ - với những lời thơ day dứt, đầy hoài niệm tiếc nuối: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Trong thời chiến (1945-1975), hình ảnh của Hà Nội hiện lên với rất nhiều cung bậc cảm xúc như lãng mạn, hào hoa trong những vần thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm hay trường ca "Em ơi Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ....

Sau 1975 cho tới nay, Hà Nội trở về với thời bình, gắn với những câu chuyện, cảm xúc, tâm sự riêng của từng cá nhân. Nhận xét về giai đoạn này, TS. Đỗ Anh Vũ (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng, chỉ có sự chân thành trong tình yêu Hà Nội là nguồn cơn duy nhất khiến những bài thơ, câu thơ lưu luyến mãi trong ký ức người đọc. Có những bài thơ không có từ Hà Nội nào nhưng đầy ắp những địa danh của Hà thành: Gửi về cho chị Tây Hồ lạnh/ Gió cố nhân lùa liễu ho khan/ Khói hương Quán Thánh ngô lai nướng/ Phố vắng rộng dài hai đi hoang/ Thiền Quang một miếng thu rớt lại/ Ngầy ngậy thơm hoa sữa vắng chồng/ Nhật Tân đôi chút sương xuống sớm/ Giọng Bắc hồ nghi bay thinh không… (Gửi chị - Nguyễn Hùng Vỹ).

Vì thế, TS. Đỗ Anh Vũ khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà một loạt bài thơ về Hà Nội thời bình đều được các nhạc sĩ phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng, đi vào lòng công chúng, chắp thêm một đời sống nữa cho tác phẩm như Có phải em mùa thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu), Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa (thơ Bùi Thanh Tuấn), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng)... Điều đó minh chứng cho sức sống bền lâu của các vần thơ về Hà Nội.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhận xét, sau ngày thống nhất đất nước (1975), đề tài về chiến tranh tiếp tục trải dài trong thơ ca về Hà Nội. Và đó là các vần thơ về nỗi niềm của người lính nhớ về chiến trường, nhớ về người đã khuất, về nhân tình thế thái và các vấn đề hậu chiến. Càng về sau này, các vần thơ đã tập trung nhiều hơn cho đời sống mới, phát hiện ra vẻ đẹp mới trong công việc của những người dân Hà thành. Vừa rồi, các nhà thơ Hà Nội đã chiến đấu rất ghê cho sức sống mới, tức là họ coi cuộc chiến chống Covid-19 như chống giặc, cũng có hào khí và hào hùng. Các nhà thơ thành chiến sĩ, và trang giấy thành chiến lũy.

Theo nhà thơ Hoàng Nhuận Cẩm, Hội Nhà văn Hà Nội đang tuyển chọn để in thành một tập thơ về chống dịch Covid. Và như vậy, các nhà thơ luôn nhạy cảm và luôn đồng hành cùng thời cuộc. Nhưng bên cạnh sức sống mới, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đặc biệt nhấn mạnh đến sức sống lâu bền của các vần thơ Hà Nội sau 45 năm thống nhất đất nước.

"Để có được những vần thơ như Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Chính Hữu, Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật ... thì cần có thời gian để thẩm thấu và lắng đọng. Tôi tin rằng, các vần thơ sáng tác về Hà Nội được sáng tác bằng trái tim và lòng nhiệt huyết sẽ trường tồn cùng thời gian. Và các nhà thơ tài năng của Hà Nội cũng đang ở phía trước. Các bạn hãy cùng chờ xem", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.