Hội Gióng không còn cảnh đánh nhau cướp lộc, chém lợn Ném Thượng tiếp tục được quây kín

ANTD.VN - Ngày 30-1 (tức ngày 6 Tết nguyên đán), nhiều lễ hội quan trọng của miền Bắc như Lễ hội chùa Hương, Hội Gióng, Hội Cổ Loa... đã chính thức khai hội. Do công tác chuẩn bị chu đáo và đảm bảo an ninh trật tự nên các lễ hội đã diễn ra trong bình yên, không chen lấn, xô đẩy. 

Hội đền Sóc (hội Gióng) là lễ hội truyền thống hàng năm để tưởng nhớ, ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng. Trong ngày đầu mở hội đã ghi nhận tình hình trật tự, an ninh được đảm bảo.

Nghi lễ quan trọng nhất của hội Gióng là phần dâng hoa tre, dâng trầu cau… lên đền thờ Thánh Gióng. Sau khi rước hoa tre và trầu cau lên đền Thượng, hai lễ vật sẽ được rước xuống đền Hạ và đền Mẫu. Từ năm 2018, để tránh tình trạng xô đẩy, tranh lộc phản cảm, lễ hội đã bỏ nghi lễ tất lộc.

Hội Gióng không diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy

Năm nay, ban tổ chức lễ hội chuẩn bị đủ lộc hoa tre để phát đến tận tay người dân và du khách tham gia lễ hội có nhu cầu. Việc phát lộc hoa tre được người dân và du khách thập phương ủng hộ, đánh giá cao, góp phần tạo sự văn minh cho lễ hội.

Sau khi hoàn thành phần lễ khai hội Gióng, người dân và du khách bắt đầu tiến vào làm lễ tại đền Thượng, Hạ, Mẫu. Làm lễ xong, những người có nhu cầu sẽ được ban tổ chức lễ hội phát lộc hoa tre để lấy may đầu năm và ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi sau khi nhận lộc hoa tre từ ban tổ chức lễ hội.

Ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi sau khi nhận lộc hoa tre từ ban tổ chức lễ hội.

Cũng trong sáng ngày 30-1, hàng chục nghìn người đã nô nức về trảy hội chùa Hương, lễ hội kéo dài nhất miền Bắc. Theo ghi nhận của phóng viên, lễ khai hội chùa Hương năm nay diễn ra vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên lượng người hành hương về đất Phật Hương Sơn giảm so với ngày khai hội của những năm trước.

Các tuyến đường dẫn vào khu di tích thông thoáng, sạch sẽ, tình trạng ách tắc giao thông cơ bản không xảy ra. Các đối tượng đeo bám, “cò mồi’ khách sử dụng dịch vụ đã giảm đáng kể. 

Đông đảo người dân tụ hội về sân chùa Thiên Trù để chứng kiến nghi lễ khai hội chùa Hương

Trong không gian diễn ra lễ hội, lượng khách tuy đông hơn, song các hoạt động vẫn diễn ra trong an toàn, trật tự. Trên dòng suối Yến, 4.500 đò phục vụ đưa, đón khách đều đặt giỏ đựng rác, trang bị phao cứu sinh. Các chủ đò được tập huấn, tuyên truyền về quy tắc ứng xử văn minh tại lễ hội, nơi công cộng…

Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, để du khách có thể phản ánh mọi vấn đề còn tồn tại. Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt dọc bờ suối bảo đảm cho việc đi lại an toàn, thuận lợi hơn.

Du khách vãn cảnh động Hương Tích

Sáng ngày 30/1, tại huyện Đông Anh (Hà Nội) diễn ra lễ khai hội Cổ Loa, kỷ niệm ngày Thục Phán An Dương Vương xưng vương (vị vua lập nên nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam). Đây là một lễ hội lớn của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng và du khách thập phương đến lễ chùa, chơi hội trong những ngày đầu xuân mới.

Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình như phối hợp với đoàn nghệ nhân dân gian Tày tỉnh Cao Bằng tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu, biểu diễn văn hóa, ẩm thực và trò chơi dân gian truyền thống của người Tày tại sân nhà trưng bày Khu di tích Cổ Loa; Viết thư pháp tại đền Thượng, đình Ngự Triều Di Quy, khu Không gian Việt; Trải nghiệm bắn nỏ tại trường bắn khu Không gian Việt.

Trong sáng ngày 30-1, hàng trăm người dân làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã cùng tổ chức lễ hội chém lợn. Năm nay, nghi lễ chém lợn, "làm cỗ ngọc" tiếp tục được quây kín và có lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. 

Lễ hội làng Ném Thượng là nét văn hóa lâu đời của người dân ở Bắc Ninh, được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng (sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp hay còn gọi là tướng quân Đoàn Thượng) đã chém lợn để nuôi quân, cầu mong một năm mới may mắn an lành.

Chém lợn từ công khai thành nghi thức kín

Kể từ khi được phôi phục vào năm 2004, để tưởng nhớ tới vị Thành hoàng làng năm xưa chém lợn rừng khao quân rồi phá vòng vây quân giặc, lễ hội được diễn ra thường niên. Đến năm 2016, kể từ khi xảy ra những tranh cãi ồn ào về nghi lễ chém lợn công khai thì nghi thức này đã bắt đầu được diễn ra trong phòng kín. Việc nghi thức chém lợn chuyển từ công khai thành nghi thức kín cũng được người dân dần ủng hộ. 

Trong ngày 31-1 (tức ngày 7-1) sẽ tiếp tục diễn ra lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), Chợ Viềng (Nam Định).