Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018: Sàng lọc kỹ các "ông đồ" cho chữ đầu năm

ANTD.VN -Sau 5 năm đều đặn tổ chức Hội chữ Xuân, Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khép lại việc thử nghiệm và năm 2018 quyết định tổ chức kỳ khảo tuyển người viết thư pháp một cách hệ thống và chặt chẽ.

"Xin chữ, cho chữ" đầu xuân - một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

Ông Lê Xuân Kiêu, Trưởng Ban tổ chức “Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, tổng số người viết thư pháp tham dự khảo tuyển tại Hội chữ Xuân năm nay là 97 người. Trước đó 1 tháng, Ban tổ chức đã thông báo rõ ràng về điều kiện, nội quy của kỳ khảo tuyển, đồng thời công khai chủ đề “Hiền tài” và giới hạn nội dung khảo tuyển trong bia tiến sĩ trên tinh thần “cụ thể và không đánh đố”.

Theo đó, các CLB thư pháp và những người viết chữ tự do sẽ tham gia 2 vòng thi: vòng 1 có nội dung thi văn phạm để sàng lọc những người không thuộc hết mặt chữ; còn vòng 2 mỗi người dự thi sẽ nộp 2 tác phẩm thư pháp tự chuẩn bị trong một tuần để Ban tổ chức cùng với các chuyên gia tiến hành thẩm định.

Đại diện Ban tổ chức Hội chữ Xuân 2018 chia sẻ, đến thời điểm này đã tuyển chọn được 55 người viết thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ, 35 bức thư pháp truyền tải nội dung cổ vũ tinh thần "Tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài" để triển lãm tại khu vực hồ Văn. Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ mời 8 ông đồ viết thư pháp lâu năm, có uy tín tham gia vào Hội chữ Xuân lần này.

Đặc biệt, nhờ vòng 2 của kỳ tuyển chọn, Ban tổ chức cũng chọn được ra 13 người viết thư pháp Hán Nôm và chữ Quốc ngữ đủ điều kiện viết tại Hội chữ Xuân trong 3 năm (từ nay đến năm 2020). Những người viết thư pháp còn lại nếu sang năm muốn tiếp tục tham gia thì phải thi tiếp. Điều này tạo nên một sự cố gắng, nỗ lực. Đồng thời, những người viết chữ đã được sạt hạch sẽ đáp ứng nhu cầu của công chúng, tránh hiện tượng viết sai viết nhầm như trước đây.

Theo ông Trần Quốc Trí, Trưởng ban đại diện Câu lạc bộ (CLB) thư pháp thì CLB này đã soạn thảo bộ tài liệu gồm 200 thành ngữ, tổ từ là cẩm nang để các ông đồ thuận tiện sử dụng tra cứu.

Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 cũng khích lệ các thế hệ trẻ của Thủ đô không ngừng nỗ lực học tập, các bạn trẻ có thể tham gia các lớp Hán Nôm, thể hiện trách nhiệm kế thừa và lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông.

Đặc biệt, Hội chữ Xuân năm nay ghi nhận nhiều điểm mới. Cụ thể, bên cạnh việc “xin chữ” các ông đồ, du khách còn được trải nghiệm không gian Tết Việt xưa, tham gia lễ hội thả đèn hoa đăng xuống mặt hồ với mong muốn cho một năm mới an khang, thịnh vượng; trải nghiệm gói bánh chưng; lắng nghe các loại hình âm nhạc dân gian như quan họ, ca trù, xẩm, bài chòi, chầu văn... hoặc thả hồn vào những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đập niêu đất, nhảy sạp... Nhiều gian hàng làng nghề truyền thống như tranh dân gian, lụa tơ tằm, sơn mài, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật, gốm sứ... cũng được giới thiệu.

Theo kế hoạch, Hội chữ Xuân Mậu Tuất sẽ diễn ra từ 8h30 đến 20h từ ngày 9 đến 25-2-2018 (tức 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại hồ Văn, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Riêng đêm ngày 30 Tết sẽ diễn ra các hoạt động kéo dài đến 2h sáng ngày mồng Một Tết. Các ngày mùng Một, mùng Hai và mùng Ba Tết, Hội chữ Xuân Mậu Tuất sẽ hoạt động đến 22h.

Về các điểm trông giữ xe tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để phục vụ nhu cầu du khách tham quan trong dịp Tết Âm lịch, ngày 22-1-2018, UBND quận Đống Đa đã cấp cho công ty CP 901 trông giữ xe máy trên vỉa hè Văn Miếu. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ, trong ngày Tết, lượng khách đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám đông, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trình UBND Thành phố Hà Nội cấp phép tạm thời cho phép đỗ xe tại vườn Giám trong dịp Tết để đảm bảo cho nhu cầu khách tham quan, phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự.