"Hóa thạch sống"

(ANTĐ) - Là cuộc triển lãm sắp đặt của nghệ sĩ Vương Thạo, tại Trung tâm văn hóa Pháp, từ ngày 19 đến 30/11/2007. "Hóa thạch sống" không đơn thuần là một triển lãm mà là nơi gặp gỡ của sáng tạo đương đại và bảo tồn di sản.

"Hóa thạch sống"

(ANTĐ) - Là cuộc triển lãm sắp đặt của nghệ sĩ Vương Thạo, tại Trung tâm văn hóa Pháp, từ ngày 19 đến 30/11/2007. "Hóa thạch sống" không đơn thuần là một triển lãm mà là nơi gặp gỡ của sáng tạo đương đại và bảo tồn di sản.

Thành phố Hà Nội, khu phố cổ với 36 phố phường là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Theo dòng thời gian, hình ảnh này đang bị che lấp bởi sự xuất hiện ồ ạt của ngày càng nhiều những ngôi nhà mới xây. Mỗi người trong chúng ta có cách riêng để bảo tồn kho báu của kiến trúc và lịch sử này. Nghệ sỹ Vương Thạo mang đến cho chúng ta một phương pháp mạnh mẽ và độc đáo : hóa thạch 36 ngôi nhà cổ điển hình của 36 phố mà anh xem như 36 viên kim cương của phố cổ Hà Nội. Thêm vào đó, 36 cột điện đặt cạnh những ngôi nhà cổ nhắc nhở cho ta những cái tên phố quen thuộc.

Làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa nhu cầu và ước muốn của những người sống trong kho tàng mà cha ông để lại đồng thời là di sản của con cháu sau này? Hóa thạch sống giới thiệu một tập hợp những trích đoạn của Phố cổ như thể chúng là những cuộc gặp gỡ khảo cổ học, đôi khi được kết tinh trong cẩm thạch. Bằng tất cả sự cẩn trọng, và với một phương pháp gần như khoa học, Vương Văn Thạo đã chọn riêng ra một ngôi nhà điển hình mỗi phố trong số 36 phố cổ. Trong số những ngôi nhà đó, mỗi ngôi nhà lại mang một vẻ khác biệt so với những ngôi nhà bên cạnh, bởi nó chưa bị làm mới theo kiểu hiện đại…

"Trong mỗi con phố vẫn còn một ngôi nhà mang ngôn ngữ của kiến trúc cổ xưa. Nhưng liệu rằng chúng ta vẫn có thể nói một thứ ngôn ngữ gần như đã chết để cố hiểu xem nó nói gì? Chúng ta sẽ rút ra được những câu chuyện gì nếu như chúng ta lắng nghe chúng? Bằng cách nào để đảm bảo rằng trong tương lai những người khác sẽ nghe thấy tiếng vang đó? Chúng ta sẽ mất đi cái gì một khi những vết tích của quá khứ biến mất? Trong số rất nhiều người quanh ta, những vết tích đó chính là di sản và việc làm mất những di sản đó sẽ là một thảm kịch của chính chúng ta, một mất mát không gì bù đắp và chúng ta sẽ mãi mãi tiếc nuối. Không có những dấu vết mang tính vật chất ấy chúng ta đã có thể quên làm thế nào mà chúng ta đã đến được đó. Vương Văn Thạo buộc chúng ta phải biết nhìn, biết nhớ và biết yêu." (Trích bài phê bình của Lisa Drummond, Giáo sư ngành Nghiên cứu đô thị Trường York University.)

"...Bảo tồn, sự tồn tại song song của cái cũ và cái mới, sự gián đoạn trong dòng lịch sử - tất cả những nguyên tắc triết học về cuộc sống đô thị được phản ánh trong tác phẩm sắp đặt Hoá thạch sống của Vương Văn Thạo…" (Trích bài phê bình của Natalia Kraevskaia)

Triển lãm sẽ khai mạc ngày 19 tháng 11 năm 2007, lúc 18h00, tại Sảnh triển lãm của L'Espace - Trung tâm Văn hóa pháp tại Hà Nội.

Phú Duy