Họa sỹ Thành Chương - Cuộc đời uốn lượn như đồ thị hình sin

ANTD.VN - Độ nổi tiếng của họa sỹ Thành Chương thì không cần phải bàn cãi. Cầm bút theo nghiệp vẽ đã hơn nửa thế kỷ, đã có rất nhiều bài viết về con người và hội họa đăng trên báo chí, hoặc in trong các catalogue, nhưng lần đầu tiên, “thần đồng hội họa” một thời mới có một cuốn sách thực sự đúng nghĩa về hội họa và cuộc đời. 

Họa sỹ Thành Chương - Cuộc đời uốn lượn như đồ thị hình sin ảnh 1Họa sỹ Thành Chương (người thứ 3 từ trái sang) trong buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách về cuộc đời hội họa của ông

Cuốn sách ra đời sau hơn nửa thế kỷ cầm cọ

Không phải đến bây giờ, họa sỹ Thành Chương mới nhận được lời mời làm sách về cuộc đời ông. Nhưng cái khó là, tác giả này lại thành công ở nhiều lĩnh vực. Nếu chỉ tính riêng về mảng tranh minh họa trên báo chí của Thành Chương cũng đủ để làm 1 cuốn sách. Hay mảng tranh sơn mài rồi còn mảng tranh sơn dầu, ký họa chiến trường, ký họa nông thôn, bột màu… mỗi mảng của Thành Chương đều có thừa tư liệu để làm 1 cuốn sách. Hơn thế, Thành Chương là người lưu giữ tư liệu quá tốt. Theo họa sỹ này, từ năm 7 tuổi tới nay, ông có hàng vali lưu ảnh chụp các tác phẩm hội họa. 

Để phục vụ công tác làm sách, chỉ cần giở đống tư liệu ấy ra, ảnh nọ dính vào ảnh kia đã làm nản lòng không ít các cây bút. Chưa nói tới, ngay chính Thành Chương cũng đã không thể nhớ hết bức tranh này vẽ năm bao nhiêu, bức tranh kia vẽ năm nào… Chính vì bề dày của tên tuổi và bề dày hoạt động nghệ thuật trải dài như thế nên ai có ý định làm sách về Thành Chương cũng có đôi chút ngần ngại.

“Lần này, Trung tâm nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) làm sách về tôi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Họ đắn đo, cân nhắc và quyết định sẽ bắt tay vào thực hiện cuốn sách với một tinh thần không từ bỏ. Cũng may, sau nhiều nỗ lực cuốn sách đã được ra đời”, họa sỹ Thành Chương chia sẻ. 

Khi được hỏi về thời điểm ra mắt cuốn sách có phần muộn màng so với độ nổi tiếng từ rất sớm của “thần đồng hội họa” một thời, Thành Chương cho biết, đó cũng là cái duyên, không phải lúc nào muốn cũng được. Ngày ra mắt cuốn sách, VCCA đã lường trước được lượng khách sẽ tới với buổi lễ. Họ dành cho Thành Chương và những người bạn của mình căn phòng lớn nhất. Thế nhưng, có đến quá nửa trong số người tham dự đã phải đứng bên ngoài. Thậm chí, ghế dù đã kê thêm rất nhiều trong khán phòng nhưng nhiều người đã buộc phải đứng trong suốt thời gian diễn ra buổi tọa đàm và ra mắt sách.  

Thành Chương đã rất xúc động khi biết rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp từ các thành phố như Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn... không quản đường xa cũng về tham dự. Có bạn hủy cả chuyến bay để ở lại dự sự kiện... Đó là những cảm xúc ngập tràn và đong đầy hạnh phúc mà một họa sỹ tên tuổi như ông đã vinh hạnh nhận được. 

Họa sỹ Thành Chương - Cuộc đời uốn lượn như đồ thị hình sin ảnh 2Buổi tọa đàm chật kín người tham dự

Thước phim khắc họa về các giai đoạn nghệ thuật

Cuốn sách đã phác họa lại cuộc đời ông từ một cậu bé được sinh ra trong gia đình nhà văn, ngay từ nhỏ ông đã được sống trong môi trường văn nghệ tại chiến khu Việt Bắc, được tiếp xúc và làm quen với những “cây đa”, “cây đề” như Nguyên Hồng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng… rồi về Thủ đô học tập. Sau đó, Thành Chương có 10 năm ở chiến trường rồi về công tác tại Báo Văn nghệ với tư cách là họa sỹ thiết kế. Trong cuốn sách này, đề cập quan niệm nghệ thuật rất rõ ràng và kiên định của Thành Chương trong sáng tạo nghệ thuật.  

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thành Chương cho biết: “Tôi cứ nghĩ, tại sao mình là họa sỹ Việt Nam nhưng nói đến hội họa nước nhà, quốc tế lại định vị với lớp họa sỹ Đông Dương, do người Pháp đào tạo và khai mở nền mỹ thuật Việt. Tôi muốn bản thân mình và các họa sỹ phải vượt qua cái bóng rất lớn của lớp thế hệ đi trước, lao động và xây dựng một nền mỹ thuật Việt Nam mang đậm bản sắc Việt nhưng phải có ngôn ngữ hội nhập quốc tế. Với suy nghĩ đó, tôi yên tâm với con đường đi đã lựa chọn”. 

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá, khi viết về Thành Chương trong cuốn sách, ông đã cố quên đi mình là bạn của Thành Chương để không xuất hiện đặc quyền trong bài viết. Ông nhìn nhận một cách khách quan như là một người làm lịch sử mỹ thuật. Theo Nguyễn Quân, Thành Chương là người rắc rối theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc, cuộc đời uốn lượn như đồ thị hình sin.

Theo chiều ngang, có thể hiểu Thành Chương như một điểm đến, một địa danh mà mỗi khi nhắc tới mỹ thuật đổi mới, không thể không nhắc tới ông. Còn chiều dọc, có thể hiểu Thành Chương là một dòng chảy bất tận, ông làm việc hăng say, miệt mài, không cảm thấy chút bế tắc nào trong những sáng tác gần đây. Đó là một tác giả có bề dày và tầm ảnh hưởng tới nhiều họa sỹ. “Tuy nhiên, trước khi có đỉnh phải có đáy, thất bại của Thành Chương cũng tương đối” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói. 

Tuy nhiên, trong cuốn sách này, những thất bại ấy không được nhắc đến. Và Thành Chương đã đùa rằng, rất có thể trong thời gian tới, ông sẽ cho ra mắt cuốn sách chuyên đề về những thất bại, những thử nghiệm không đi đến kết quả trong nghệ thuật của ông. 

Cuốn sách “Thành Chương - Hội họa và cuộc đời” dày 500 trang như thước phim khắc họa giai đoạn nghệ thuật của một họa sỹ tiên phong có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sỹ trẻ sau này khi luôn khẳng định, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong sáng tạo. Sách do VCCA, Alphabooks và họa sỹ Thành Chương phối hợp thực hiện. 

Theo Nguyễn Quân, Thành Chương là người rắc rối theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc, cuộc đời uốn lượn như đồ thị hình sin. Theo chiều ngang, có thể hiểu Thành Chương như một điểm đến, một địa danh mà mỗi khi nhắc tới mỹ thuật đổi mới, không thể không nhắc tới ông. Còn chiều dọc, có thể hiểu Thành Chương là một dòng chảy bất tận, ông làm việc hăng say, miệt mài, không cảm thấy chút bế tắc nào trong những sáng tác gần đây. Đó là một tác giả có bề dày và tầm ảnh hưởng tới nhiều họa sỹ. “Tuy nhiên, trước khi có đỉnh phải có đáy, thất bại của Thành Chương cũng tương đối”.