Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung (1914-2014): Không bao giờ mất gốc

ANTĐ - Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung thuộc số hiếm các họa sỹ có vị trí không bị tranh chấp trong nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Không chỉ mang tính Á Đông, tranh của ông còn đậm đặc hình ảnh của đồng bằng Bắc bộ, điều mà ít họa sỹ đạt đến trong hội họa.

“Được mùa”, tác phẩm tranh lụa hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Làm lại hình ảnh chợ quê, mùa gặt

Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung có cả cuộc đời gắn bó với làng quê Việt Nam, có lẽ vì thế mà phong vị hồn hậu, đậm đà của đồng bằng Bắc bộ đã ngấm vào  huyết quản của người họa sỹ quê Thanh Oai. Ông vẽ về làng quê Việt Nam thấm đẫm tính trữ tình pha chút cổ phong. Từ lâu, ông được coi là họa sỹ của nông dân và thậm chí có người còn cho rằng Nguyễn Tiến Chung “vẽ nông dân như vẽ người thân trong nhà. Ông thuộc làu những khuôn mặt bà già, em bé, thôn nữ tới cảnh đồng quê. Tình yêu thôn dã lấp lánh trong ngọn bút thần tình của ông”. Những ngày hè, ông có mặt hàng ngày trên cánh đồng để ghi chép hoặc thậm chí là ghi nhớ từng chi tiết, hành động. Ông lặng lẽ quan sát để khi cần sẽ cấu tạo lại yếu tố dân gian làm sống lại hình ảnh chợ quê, mùa gặt, những cảnh đập lúa đêm tại sân kho hợp tác xã, rặng tre già bên ao bèo…

Có điều thú vị, trong khi “đứa con tinh thần” của họa sỹ Nguyễn Tiến Chung thường có mảng màu mạnh mẽ để diễn tả những người nông dân vạm vỡ ấm áp thì cha đẻ của những tác phẩm ấy lại rất gày gò khắc khổ. Sinh thời, họa sỹ ít nói về mình, sống ẩn dật trong căn nhà nhỏ bên hồ Tây lộng gió. Tạng chất ông hiền lành nhẹ nhàng, sợ làm đau cả cỏ cây hoa lá chim muông. Cũng có thể vì điều này, họa sỹ Nguyễn Tiến Chung như sinh ra để vẽ lụa. Ông đã đưa vào thể loại tranh truyền thống của Việt Nam những hình ảnh lạc quan, dũng cảm, tràn trề niềm vui sống như: Được mùa, Mùa gặt, Hai thiếu nữ. Khung cảnh làng quê trên nền lụa óng ả như nâng đỡ, dìu đỡ nhau tạo nên những tác phẩm không chỉ giàu tính nghệ thuật mà còn tạo nên dấu ấn cá nhân Nguyễn Tiến Chung. Không những thế, ông còn góp phần đào tạo thế hệ vẽ lụa tên tuổi của Việt Nam như họa sỹ Nguyễn Thụ, Vũ Giáng Hương, Thanh Ngọc. 

“Nữ dân quân trao đổi kinh nghiệm bắn rơi máy bay”- tranh sơn dầu

Người thắp lửa về nguồn

Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung không chịu gò bó trong một chất liệu cố định, ông phóng khoáng sáng tác trên sơn dầu, sơn mài, lụa, tranh khắc gỗ và đã tiếp cận với dòng nghệ thuật đương đại. Nguyễn Tiến Chung đã chơi nghệ thuật sắp đặt từ những năm 1950-1960 trong khi loại hình này chỉ thực sự du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ XX. Cho dù sáng tác trên chất liệu nào đi nữa, ông luôn tâm niệm “Mắt chúng ta phóng xa nhìn thế giới, nhưng chân phải đứng trên mảnh đất Việt Nam. Không bao giờ mất gốc, tìm hiểu nghệ thuật thế giới để nâng tầm hiểu biết của ta lên”. Chính vì điều này, các sáng tác của họa sỹ luôn hướng đến yếu tố dân tộc. Các tác phẩm sáng tác ở giai đoạn có sự ảnh hưởng nghệ thuật đương đại của ông như Mèo vờn chuột, Trâu, Nguyễn Tiến Chung luôn tìm kiếm và thổi vào tranh hồn dân tộc tươi rói bên cạnh bút pháp mới mẻ. Là học viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sỹ Nguyễn Tiến Chung đã cùng giới họa sỹ Việt Nam tích cực khai thác và phát huy vốn cổ dân tộc, kiến tạo cái đẹp mới bền vững cho ngôi nhà văn hóa chung của dân tộc. 

Với giới sáng tác và yêu nghệ thuật, Nguyễn Tiến Chung được dư luận nhìn nhận là họa sỹ chân chính, người thấu hiểu cái đẹp dân tộc. Với những nỗ lực được ghi nhận, ông xứng đáng với danh hiệu “Người thắp lửa về nguồn” cho lớp trẻ noi theo qua sự nghiệp lao động, sáng tạo đầy tâm huyết của mình.