Họa sỹ dấn thân vì "những bức tranh có giá của máu"

ANTD.VN - 30 năm theo đuổi hội họa tối giản của họa sỹ Lê Thiết Cương đã được đánh dấu bằng triển lãm “Bóng & Hình”. Vẫn là lối vẽ “vô ngôn”, tiết giản đến tối đa  màu và hình nhưng lần này, sự tối giản mới mẻ hơn, thách thức hơn khi họa sỹ quyết định “thả trôi”, để mặc cho bóng và hình tự do “chơi đùa”. 

Họa sỹ dấn thân vì "những bức tranh có giá của máu" ảnh 1Họa sỹ Lê Thiết Cương

Yên tĩnh và vô ngôn

Lê Thiết Cương cho biết, anh gặp nhiều khó khăn khi cho ra mắt triển lãm lần này. Bởi vẫn là lối vẽ tối giản nhưng nếu không có gì mới, tốt nhất họa sỹ đừng ra lời tuyên ngôn trước công chúng. Do vậy, chỉ với mấy chục bức tranh lần này, Lê Thiết Cương đã quyết định buông nét. Thường thì hình nào bóng nấy nhưng Lê Thiết Cương đã làm ngược lại, lấy bóng làm chính, hình làm phụ. Vì thế, tên gọi của cuộc triển lãm mới là “Bóng & Hình” chứ không phải “Hình & Bóng”. 

Đề tài anh thể hiện trong tranh vẫn giản dị, gần gũi là phố xá, nhà thờ, dòng sông, cây, mưa… nhưng gợi nhiều ký ức, không gò bó đề tài vào những mảng miếng, hình ảnh. Những cái bóng xuất hiện trong tranh khi đậm nét, chiếm mảng chính, lúc lại nhỏ nhoi đến lẻ loi, đơn độc. Có một điều thú vị khi xem tranh Lê Thiết Cương mà nhiều người đã nhìn ra, đó là tính thiền định trong tranh tối giản của anh. Vẽ như không vẽ gì hoặc có thể hiểu là vẽ mà không vẽ. Điều này trái ngược hoàn toàn với vẻ bề ngoài có phần ngoa ngoắt, đa ngôn của cha đẻ các bức tranh. 

Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ, muốn tối giản được phải có một đời sống vô cùng phức tạp, một đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Người ta phải luôn nạp “năng lượng” cho các “khoang ắc quy” của tâm hồn. Vì vậy, họa sỹ phải trả giá bằng một số phận không dễ dàng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói, tranh của Lê Thiết Cương là “những bức tranh có giá của máu” bởi họa sỹ buộc phải dấn thân, buộc phải đa dạng mình bằng một đời sống thực. 

Cũng theo Lê Thiết Cương, cái năng lượng mà họa sỹ nạp ấy chẳng phải gì khác ngoài văn hóa, tri thức. Anh tin, họa sỹ vẽ tranh bằng hàm lượng trí tuệ chứ không phải những nét vẽ thuần túy của những đường sổ ngang, kẻ thẳng. Vì thế, cái cốt lại của hội họa tối giản vẫn là những thông điệp nhân văn, những cảm xúc chi phối bởi một đời sống cá nhân sinh động nhưng cũng không ít gập ghềnh. 

Họa sỹ dấn thân vì "những bức tranh có giá của máu" ảnh 2

Họa sỹ dấn thân vì "những bức tranh có giá của máu" ảnh 3Những tác phẩm của họa sỹ Lê Thiết Cương

Một cá tính cốt tử

Sau 30 năm theo đuổi tối giản, Lê Thiết Cương cho rằng, anh đã gặp tối giản, gặp chính anh trên con đường tìm ra một hướng đi riêng, mà không hẳn là một cơ duyên, một may mắn. Đúng hơn, nếu không vẽ thì có làm điêu khắc, làm đồ họa, làm quảng cáo… Lê Thiết Cương vẫn sẽ trở lại với tối giản. Đó là một cá tính cốt tử trong con người anh và trong hội họa với sự khúc chiết, mạch lạc, hàm súc được thể hiện quyết liệt và rõ rệt. 

Cái khó của vẽ tối giản là sự gợi cảm sẽ quyết định bức tranh có đứng được hay không. Trong khi bệnh chung của các họa sỹ là sự đa ngôn, rườm lời không biết điểm dừng. Muốn làm được như vậy, tất nhiên Lê Thiết Cương đã biết tiết chế, biết dừng lại đúng lúc để tranh giữ được sự bình tĩnh và chủ động trong hưng phấn sáng tạo. Trong nghệ thuật, tranh là người, dù có đa ngôn đến mấy thì khi xem tranh Lê Thiết Cương, ai cũng hiểu rằng, anh thật hiền và giàu tình cảm. Chả thế, chỉ với ngôi nhà mà họa sỹ đã gợi ra cả một trời ký ức với nhiều người. 

Tối giản dễ đẩy họa sỹ đến sự nhàm chán thì Lê Thiết Cương đang chứng minh con đường đi ấy vẫn trải đầy hoa và nhiều sự thú vị. Đôi khi, kiệm lời trong nghệ thuật không có nghĩa anh không thể hiện được cái tôi của mình mà trái lại, nói ít nhưng giàu thông điệp còn hơn cả nghìn lời nói theo gió bay đi.