Kỷ niệm 104 năm ngày sinh của danh họa Nguyễn Phan Chánh (22-7-1892/ 22-7-2008)
Họa sỹ của tâm hồn Việt
(ANTĐ) - Đến thăm nhà văn Nguyệt Tú, con gái yêu của danh họa Nguyễn Phan Chánh, đập ngay vào mắt tôi là tranh của danh họa trong phòng khách. Màu nâu bình dị, màu vàng ấm áp và khuôn mặt ngời lên, vẻ đẹp trong sáng, nhân hậu của người phụ nữ trong bức tranh “Rê lúa” làm tôi chợt nhớ tranh “Chơi ô ăn quan”, tôi đã xem ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi mới bước sang tuổi trăng tròn lẻ. Và thế là câu chuyện trong chiều hè với bao tâm tư của bà bỗng dịu lắng lại khi bà cho tôi xem các bức tranh lụa của danh họa.
Chơi ô ăn quan - 1931 |
Từ quê hương Nghệ Tĩnh đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (CĐMTĐD)
Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 22-7-1892 trong gia đình nhà nho nghèo xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Có năng khiếu vẽ từ khi còn học đồng ấu, ông may mắn được thụ giáo một người thầy trong huyện đến làng dạy mà những bức vẽ ban sơ là tranh mô phỏng theo các tích truyện Tàu hay tranh dân gian, thủy mạc... được mẹ đem bán ở chợ Tết, nuôi các em ăn học.
Và rồi tâm hồn nghệ sỹ đa cảm đã rung lên trước vẻ đẹp chân quê: Thiếu nữ vấn khăn đen, gương mặt bầu bĩnh dưới nón quai thao, dáng vẻ dịu dàng trong chiếc áo dài nâu, quần lĩnh đen ngồi tựa gốc cây ngắm mặt trời lặn sau đỉnh núi mờ xa; đàn chim xoải cánh bay trong ráng hoàng hôn tím hồng. Đó là họa phẩm đầu tay của Nguyễn Phan Chánh.
Làm ông giáo nghèo ở Phủ Thạch Hà, sau đỗ vào trường Quốc học Huế, được điều đi dạy ở trường Đông Ba, Nguyễn Phan Chánh vừa học vừa dạy mà vẫn không ngơi bút vẽ.
Bức tranh vẽ cánh cò trắng chở nắng trên cánh đồng lúa quê hương đã đưa ước mơ của Nguyễn Phan Chánh thành hiện thực: Trong số hơn 100 thí sinh của Trung kỳ năm 1925, ông là người duy nhất trúng tuyển và bước chân vào trường khi đã qua tuổi “tam thập nhi lập”.
Trường CĐMTĐD đã cho ông kiến thức cơ bản về hình họa, bố cục tranh và các chất liệu của hội họa hiện đại; hiểu thêm các trường phái hội họa của phương Đông (Trung Hoa, Nhật Bản) và phương Tây; nhưng văn hóa dân gian được ông bà, cha mẹ, làng quê truyền dạy, giáo dưỡng vẫn là ngọn nguồn tưới mát tâm hồn ông, trở thành máu thịt trong ông.
Chân dung tự họa Nguyễn Phan Chánh |
Bức họa đầu tiên ông vẽ ở trường CĐMTĐD lấy tên “Ruộng lúa” vẫn là hình ảnh người nông dân đang cấy, ông gửi tham dự cuộc thi mẫu tem của Sở Bưu chính Đông Dương và trúng giải, sau đó mọi người gọi tên bức tranh - con tem là “Người đi cấy”.
Thành công đầu tiên là cú hích quan trọng để ông quyết định thể nghiệm một lối vẽ tranh của riêng ông: trên chất lụa mịn, mát, trang nhã, sang trọng, ông tiếp thu tinh túy của hội họa phương Đông và phương Tây để tạo nên dòng tranh lụa của Việt Nam, thể hiện cái đẹp của tâm hồn người Việt, của văn hóa Việt, lắng đọng trên từng vành khăn mỏ quạ, nếp áo nâu sồng hoặc tứ thân, với không gian yên bình, nguyên sơ, đầy chất thơ nơi thôn dã.
Ông đã đưa người lao động và thôn quê vào tranh, trở thành đối tượng thẩm mỹ, trong khi nhiều họa sỹ khác chú trọng vẻ đẹp của các thiếu nữ tân thời.
Khi dạo bước trên đường phố Hà Nội, vẻ đẹp của cô thôn nữ đã khiến ông xúc động: “Một buổi chiều, tôi thấy một cô thôn nữ chừng 15-16 tuổi, chít khăn mỏ qua, quần đen, áo nâu non đi thơ thẩn trên đường như có ý trông chờ ai… Tôi tự hỏi sao mình lại cứ để ý đến người phụ nữ nông thôn, không nói đến các cô thành thị sắc sảo, trau chuốt hơn…
Tôi chỉ thích dáng điệu ngây thơ, thật thà ở các cô thôn nữ…” - Ông đã bộc bạch cái Tôi thẩm mỹ như vậy trong những dòng nhật ký để lại. Kiến thức Nho học, lối viết chữ Nho tượng hình và vẽ tranh Tết, tranh dân gian từ thuở niên thiếu đã ngấm vào quan niệm thẩm mỹ của ông.
Hơn nữa, được thầy, họa sỹ Victor Tardieu (Hiệu trưởng trường CĐMT Đông Dương từ năm 1925-1937) phát hiện và khích lệ tài dùng bút lông viết chữ Nho của ông nên hướng vào dòng tranh lụa từ năm học thứ ba, ông đã vẽ một loạt tranh lụa mà cảm hứng và đối tượng sáng tác là nông dân và phong cảnh làng quê. Các bức Lên đồng, Em bé cho chim ăn, Rửa rau cầu ao, Chơi ô ăn quan được trưng bày ở triển lãm Paris năm 1931 là đỉnh cao của nghệ thuật tranh lụa Nguyễn Phan Chánh.
Lần đầu tiên người châu Âu biết đến tranh lụa Việt Nam. Báo chí của kinh đô ánh sáng đưa tin về sự hiện diện mới mẻ này. Giới phê bình hội họa của Pháp khen ngợi: “Nguyễn Phan Chánh đã vẽ với một sự quan sát rất tinh tế và với một giá trị độc đáo hiếm có những cảnh sinh hoạt hàng ngày của dân chúng” (R.Bát-sê).
Rửa rau cầu ao |
Có một tâm chất trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh
Họa sỹ Thái Bá Vân đã gọi cái cốt lõi đỉnh cao của nghệ thuật tranh lụa của ông để tạo bước ngoặt quan trọng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại từ bức Chơi ô ăn quan, “là thể hiện cô đọng nhất, đầy đủ nhất tâm chất Nguyễn Phan Chánh”, người họa sỹ đã tôn vinh vẻ đẹp cội nguồn nghìn đời của tâm hồn Việt trên tranh lụa khi tiếp thu văn hóa và hội họa thế giới.
Sau này, khi bộc bạch lòng mình với các con, ông vẫn nói: “Bản chất lụa mềm mại, trong sáng, mát mẻ, rất hợp với tâm hồn và vẻ đẹp đôn hậu, bình dị của người phụ nữ Việt Nam.
Với tâm chất của người Nho sỹ - Họa sỹ Hà Tĩnh, yêu thương trân trọng người lao động mà sau đỉnh vinh quang, thành công ở Pháp năm 1931 và ở Hà Nội trong đợt triển lãm tranh trước giới họa sỹ Hà Nội năm 1938, ông vẫn chung thủy với đề tài cổ điển như Mờ sáng đi cày trong sương mù, Chị em đùa cá, Chim sổ lồng, Công chúa râm bụt, Cô gái nhảy dây… Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Phan Chánh được Đảng tin cậy giao chức ủy viên thường vụ phụ trách công tác văn hóa.
Ông hăng hái xuống các huyện xã tuyên truyền xây dựng nền văn hóa mới, tổ chức một số cuộc trưng bày tranh vẽ về đề tài cách mạng, trong đó có tranh các lãnh tụ của Đảng (Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…), Nam Bộ kháng chiến ông vẽ bằng than chì.
Tắm sớm |
Những năm kháng chiến gian khổ, dù phải vẽ tranh truyền thần kiếm sống, nhưng ông nhất định không nhảy sang thể loại khác để sau một thời gian tích lũy và tìm tòi những năm 50-60 của thể kỷ trước, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh sống lại trong niềm yêu mến của công chúng và bạn bè đồng nghiệp.
Với quan niệm “Họa vô định thể”, ông luôn tìm tòi cái mới, sáng tạo trong cách thể hiện nhưng vẫn giữ cá tính và quan niệm thẩm mỹ riêng biệt của mình trong bố cục hình khối, màu sắc, mảng sáng - tối, đậm - nhạt và cả lối viết chữ Nho, đề thơ trên tranh.
Năm 1962, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70, ông đưa ra triển lãm cá nhân một loạt các tác phẩm mới sáng tác mà sau đó được đem đi triển lãm ở các nước châu Âu, và sẽ còn sống mãi thời với thời gian: Chống hạn, Cấy tập đoàn, Ba mẹ con, Rê lúa, Bữa cơm vụ mùa thắng lợi, Tắm ao, Kỳ lưng... Nhà thơ Tố Hữu, xem bức Trăng tỏ, Trăng lu đã rất thích thú tặng họa sỹ chai rượu quý và bài thơ nhân dịp ông thượng thọ 80 tuổi:
Trăm năm đẹp ở tình người
Trăng lu, trăng tỏ càng tươi nét thần
Phải chăng lòng sạch bụi trần
Mát trong dòng nước, trắng ngần làn da
Những năm bom đạn Mỹ tàn khốc dội xuống Hà Nội, người ta thấy ông già trên 70 tuổi không chịu đi sơ tán, ngày ngày chăm chỉ đạp chiếc xe tòng tọc hoặc đi tàu điện đến khu tập thể An Dương lấy chất liệu cặm cụi vẽ.
Bà Nguyệt Tú nhớ lại: “Phải nói mãi, Cụ mới chịu rời cái ổ của Cụ ở 65 Nguyễn Thái Học về nhà bà ở 28D Điện Biên Phủ, có báo động thì xuống hầm trong nhà, còi báo yên lại lên vẽ. Hôm nào bà đi vắng, Cụ bảo chú bảo vệ mua bánh mỳ về ăn thay cơm”.
Trong bom đạn hủy diệt, họa sỹ đã cho ra đời những bức tranh thể hiện vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam tinh thần yêu nước, anh hùng của quân dân Hà Nội trong các bức Sáng cho con bú (1970), Chiều về cho con bú (1972), Tiên Dung và Chử Đồng Tử (1972), Tiên Dung tắm (1972)…
Thay lời kết
Nhà văn Nguyệt Tú cùng tôi xem lại những bức tranh tuyển chọn in trong cuốn album tranh Nguyễn Phan Chánh do chính bà và gia đình tổ chức in bằng song ngữ Việt - Anh, có sự giúp đỡ tận tình của nữ văn sỹ Mỹ Lady Borton.
Tôi xúc động và tự hỏi: “Điều gì đã làm nên thành công của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh?” Lúc sinh thời, ông đã được vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý ngay đợt đầu tiên, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất… nhưng còn hơn thế, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh mãi mãi sống trong lòng công chúng chính vì ông là người yêu quê hương đất nước, yêu con người sâu sắc.
Từ tuổi tam thập nhi lập, ông đã xác định theo khuynh hướng dân tộc, sống và vắt mình đến cạn kiệt vì nhân dân mà ông hằng thấm thía giá trị mỗi giọt mồ hôi đổ xuống cánh đồng bằng chính bản thân mình; nâng niu và trân trọng vẻ đẹp từ cội nguồn của tâm hồn người Việt Nam chất phác, bình dị, hồn hậu, yêu đời và yêu thiên nhiên.
Trong số các họa sỹ tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, hầu hết đều thành đạt như họa sỹ Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, nhưng chỉ ông là người duy nhất ở lại đất nước chịu đựng thiếu thốn, kham khổ như mọi người dân Hà Nội. Ông đã từng dạy con cháu: Danh vọng là giấc mộng kê vàng, sớm tan biến, sắc đẹp rồi cũng tàn phai, tranh rồi sẽ nhạt màu, chỉ có tình người là còn lại mãi.
Căn phòng 14 m2 vừa là nhà ở vừa là “xưởng” vẽ, bề bộn bút, thuốc, khung tranh… mà ở đó ông đã ký thác tất cả trí tuệ tâm hồn nghệ sỹ chân chính cho những tác phẩm mà ông là người mở đầu và cũng là họa sỹ thành đạt nhất của dòng tranh lụa hiện đại Việt Nam. Họa sỹ Mai Văn Hiến đã viết về ông: “Học ở trường Pháp mà lối vẽ không Tây, điều đó chúng tỏ Cụ vẫn mang trong mình truyền thống của dân tộc…
Tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, với nhân dân lao động đã làm cho tranh của Cụ có sức sống”. Chúng ta nói tất cả những điều đó trong một câu giản dị và hàm súc: Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh.
Phạm Kim Thanh