Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình: "Tranh vẽ ra thì phải có người mua"

ANTD.VN - Từng trực tiếp cầm súng, có mặt tại trại Davis ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn vào ngày 30-4, Nguyễn Thanh Bình (TP.HCM) không chọn chiến tranh làm đề tài hội họa. Với phong cách nhẹ nhàng và ngọt ngào, người yêu tranh Việt Nam không thể không biết đến những tác phẩm về phụ nữ và trẻ em của ông.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình là một trong vài họa sĩ Việt Nam hiếm hoi có tranh bán chạy với hành trình 40 năm cầm cọ và trên 5.000 tác phẩm đã được bán. Ông sinh năm 1954, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1972), lúc nhỏ sống tại Tiệp Khắc và Hungary (cha ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại những quốc gia đó).

Sau thời gian đi lính chiến đấu, ông quay về học tiếp chuyên ngành sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM, sống, làm việc tại thành phố mang tên Bác từ đó đến nay. Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đã thực hiện rất nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó có một số triển lãm tại Anh, Pháp, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia… Hiện ông sống và làm việc tại TP.HCM.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

Chủ đề về vẻ đẹp của người phụ nữ và sự trong sáng đáng yêu của trẻ nhỏ là dòng tranh được họa sĩ Nguyễn Thanh Bình vẽ nhiều nhất, được nhiều người ưa thích, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên thương hiệu cho họa sĩ.

Ông cho biết chỉ muốn vẽ phụ nữ và trẻ em vì, ông là người tình cảm. Vẽ phụ nữ và trẻ em cho phép ông bộc bạch được thế giới tình cảm. Họa sĩ trau chuốt, thể hiện khả năng xử lý sắc độ đầy biểu cảm với gam sáng như vàng - trắng, lam -  trắng, nâu nhạt - trắng...  Nguyễn Thanh Bình nổi bật ở khả năng xử lý hình và màu với độ trong sáng rất quyến. Ai đã từng xem tranh ông đều phải nhận thấy vẻ đẹp nhòe mờ của các cô gái với sắc đen trắng. Sự hòa tan giữa hình thể và không gian đã làm cho người mẫu trở nên huyền ảo hơn, dù dáng vóc thân quen của mỗi ai đó đang hiện hữu.

Còn khi vẽ về trẻ nhỏ, sự ngây thơ, trong sáng của các em đã hình thành nên một góc riêng trong thế giới hội họa của Nguyễn Thanh Bình. Ông khởi đầu cho đề tài này từ chuyện đứa con gái nhỏ đi học múa balê. Đó là hình ảnh những vũ công trẻ thơ duyên dáng, thanh thoát. Ở những bức tranh khác, ông quan sát sự ngộ nghĩnh của thế giới trẻ thơ, những trò chơi trốn tìm, những ngày đông co ro bên đống lửa đồng quê... Ông có một tình yêu với trẻ nhỏ rằng: “Trẻ con bao giờ cũng đẹp, cũng dễ thương bất kể chúng có hoàn cảnh khác nhau”. Khi chuyển tải tình yêu đó vào trong những bức tranh, ông tạo nên những tác phẩm gợi cảm với thông điệp lòng nhân ái và tình thương yêu, bao bọc của con người.

Tác phẩm "Cảm ơn một khúc bình yên" của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

So với mặt bằng chung của các họa sĩ Việt Nam, Thanh Bình là người có thu nhập cao với lượng tranh bán ra nước ngoài đông đảo. Chính điều đó đã khiến không ít người cho rằng, họa sĩ vẽ tranh vì mục đích thương mại. Thanh Bình đã bác bỏ nhận định này với lý lẽ, nghệ thuật không thể là thương mại. Sở dĩ tranh tranh của ông bán được là do có nhiều công chúng, nhiều người thích mua... Mà tranh vẽ ra phải có người mua. "Một người vẽ tranh mà chẳng ai buồn coi, chứ chưa nói đến chuyện mang về nhà treo thì sao có thể gọi là họa sĩ được. Họa sĩ chuyên nghiệp phải sống được bằng tranh của mình. Đó là điều dứt khoát", họa sĩ nhấn mạnh.

Cho đến nay, ông vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài về phụ nữ và trẻ em với niềm say sưa với công việc. Và chỉ khi đam mê và hứng thú với chủ đề đó, người nghệ sĩ mới tạo nên các tác phẩm hấp dẫn, được vẽ từ những cảm xúc chân thành.