Hóa giải lời nguyền của dòng sông

ANTĐ - “Mùa hoa cải bên sông”, tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã trở lại sân khấu với bản dựng của đạo diễn trẻ Lâm Tùng (Nhà hát Kịch Việt Nam). Dù cốt truyện đã quen thuộc, nhưng vở kịch vẫn khiến người xem rùng mình về những định kiến từ lâu đè nặng lên cuộc sống con người. 

Cảnh diễn lãng mạn nhất của vở diễn

Chuyển hướng đi của tác phẩm

 “Mùa hoa cải bên sông” từng được dựng thành phim “Lời nguyền của dòng sông” do NSND Khải Hưng làm đạo diễn, đoạt giải Vàng Liên hoan Phim Truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Bộ phim gắn liền với tên tuổi của NSND Trịnh Thịnh với vai ông bố tuyệt giao với “lũ người bạc ác trên bờ”.

Lâm Tùng cho biết, anh không cảm thấy áp lực phải vượt qua cái bóng thành công của bộ phim ấy. Anh dựng kịch trước hết là để thỏa mãn cái tôi và để khán giả của ngày hôm nay cảm nhận một “Mùa hoa cải bên sông” theo hướng tích cực hơn. Với sự trong sáng và tươi trẻ, Lâm Tùng đã thay đổi và chuyển hướng tác phẩm. Từ cái kết đầy éo le và đẫm nước mắt trong nguyên tác và bộ phim truyền hình, anh đã thay bằng cái kết cổ tích, niềm hạnh phúc đã đến với đôi bạn trẻ và sự cổ hủ, lạc hậu đã được xóa tan bằng tư duy đổi mới. 

Phông cảnh của vở diễn đã tả thực khoang của con thuyền

Trong vở kịch mang tên “Khát vọng”, NSƯT Trung Anh vào vai ông bố và anh đã diễn tròn vai. Dù xuất hiện không nhiều, nhưng kinh nghiệm cũng như khả năng chiếm lĩnh sân khấu của Trung Anh với nét mặt khắc khổ, cái dáng lom khom, vất vả đã làm người xem hiểu được những đau đớn mà nhân vật phải gánh chịu. Đó là nỗi lòng của người chồng phải để vợ nằm lạnh lẽo dưới đáy sông do “lũ người bạc ác” đã không để cho ông chôn cất vợ trên bờ.  

Vẫn để sự thù hận bao trùm toàn bộ tác phẩm, song Lâm Tùng đã có thêm những cảnh diễn thể hiện lòng nhân ái của con người. Dù tuyệt giao với người trên bờ nhưng khi thấy người chết trôi sông, ông bố đã lén lút đưa cái xác lên bờ, rồi chôn cất cẩn thận mặc cho trước đó, ông đã cấm các con không được làm việc đó. Đây có lẽ là cảnh diễn gây nhiều băn khoăn cho khán giả bởi theo mạch câu chuyện, rất khó có thể xảy ra chuyện như vậy.

Tuy nhiên, đạo diễn Lâm Tùng cho biết: “Tôi muốn câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn, không gay gắt và định kiến như trước kia. Chuyện mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết cách đây đã 20 năm, không lẽ, đến thời điểm này, chúng ta vẫn kể cho nhau nghe sự cổ hủ, lạc hậu đã đè nặng cuộc sống của bố con ông chài”. 

Cái kết cổ tích

Phông cảnh của sân khấu đã tả thực khoang thuyền và cánh buồm. Đạo diễn khéo khai thác cánh buồm ấy như cánh gà của các nhân vật trong vở diễn, nơi đằng sau là chỗ ở, đằng trước là nơi mỗi nhân vật cho đến từng nhóm nhân vật xuất hiện với bao căm giận, bi quan và hy vọng. Cánh buồm ấy còn mở ra không gian mênh mông của sông nước nhưng lại bức bối, ngột ngạt trong gia đình có tới 5 người trên một con thuyền. Sự bức bối ấy dẫn tới việc, cô con gái út trong gia đình ông chài đã nuôi ước mơ sẽ lên bờ. 

Cô đã có mối tình đẹp với anh chủ vườn cải. Cảnh diễn cô gái bước đi trong vườn cải màu vàng, dưới ánh trăng dìu dịu là cảnh diễn lãng mạn và đẹp nhất của vở diễn. Với sự táo bạo của một đạo diễn trẻ, cô đã được “dành tặng” một cuộc sống trọn vẹn với người cô yêu. Gia đình cô chuyển lên bờ và bước vào xây dựng cuộc sống mới. Lời nguyền của dòng sông đã được giải bằng chính tình yêu. Vở kịch gọn gàng, giàu cảm xúc và có sinh khí mới. Đặc biệt, diễn xuất linh hoạt, giàu sức biểu cảm của các diễn viên trẻ đã làm cho vở diễn đến với khán giả một cách tự nhiên, không chút khiên cưỡng.