Hoa bàng nở rộ ở Trường Sa

ANTĐ - Sáng ra, đọc những tin tức trên mạng, tôi băn khoăn không biết có nên kể tiếp những chuyện vui ở Trường Sa không? Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, hãy tin hoa bàng vuông vẫn nở tưng bừng trên những hòn đảo nhỏ của chúng ta ở Trường Sa.

Nhiều người ra Trường Sa, đều ngẩn người ngắm những tán bàng vuông xanh rượi. Thật kỳ lạ về sức sống diệu kỳ của loài cây này trên những vỉa tầng đá san hô, dưới cái nắng nóng kéo dài hay mưa bão.

Hôm chúng tôi đặt chân lên những đảo của Trường Sa, là đã hơn hai tháng Trường Sa không mưa. Vậy mà những tán lá bàng vuông vẫn xanh ngăn ngắt. Thật kỳ diệu, sức sống của loài cây này có thể ví với sự trường tồn của Trường Sa. Không mang tên Phong ba, Bão táp, nhưng Bàng vuông đúng là một loài cây đứng vị thế đầu bảng của những loài cây tồn tại được ở Trường Sa.

Bàng quả vuông tên Latin là Baringtonnia Asiatica, thuộc họ Lộc vừng, bộ Lộc vừng, lớp: Cây gỗ lớn. Điều đặc biệt là tuy họ Lộc vừng, nhưng hoa bàng vuông lại nở vào ban đêm như loài hoa quỳnh. Một điều kỳ diệu với những sự sống tồn tại trên những đảo nhỏ ở Trường Sa. Sự sống đó gắn liền với hình ảnh những người lính ngày đêm canh giữ biển đảo. Vào ban đêm, những người lính giữ đảo phải thức canh đảo, canh biển. Hoa bàng vuông được thúc nở vào những thời khắc đó, dường như để cùng thức canh biển đảo cùng với những người lính trẻ. Mùi hương man mác của hoa bàng vuông khi nở khiến cho đêm trên Trường Sa thêm huyền bí dưới ngàn vạn ánh sao lấp lánh, trong tiếng sóng biển vỗ rì rào, mặt biển lung linh như dát ngàn vạn hạt châu sa…

Đại tá Nguyễn Hải Triều, thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải Quân, bộ phận phía Nam, trong lần gặp mặt sau chuyến công tác Trường Sa, đã kể cho chúng tôi biết về xuất xứ - đúng hơn là cái mốc đánh dấu sự có mặt của cây bàng quả vuông trên các đảo của quần đảo Trường Sa, như sau:

Cây bàng quả vuông ở quần đảo Trường Sa có từ bao giờ? Đồng chí Trung tá Lê Văn Tấn, Nguyên đảo trưởng đảo Trường Sa (1978 –1987), vào năm 1979 trong một lần đi tuần tra đã nhặt được một quả có hình thù rất lạ (khối hình vuông) được sóng đánh dạt vào đảo, anh đã đem về ươm, sau hơn một tháng thì cây mọc và không phụ công lao của những người lính đảo hằng ngày chăm sóc, hồi hộp chờ cây lớn từng ngày. Đến năm 1984 thì cây bắt đầu ra hoa kết quả. Cây có lá rất giống lá bàng, nhưng hoa thì rất đẹp và chỉ nở vào ban đêm, được anh em trên đảo đặt tên là cây bàng quả vuông, từ đó bàng quả vuông được nhân giống trồng ở các đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Sự tích về cây bàng quả vuông trên quần đảo Trường Sa cũng giống như sự tích quả dưa hấu của Mai An Tiêm trên vùng đất Nga Sơn.

Cây bàng quả vuông ở Trường Sa cho đến nay là loài cây thân thiết với những người lính đảo. Ban ngày cây tỏa bóng mát che họ khi phải làm việc và tập luyện dưới cái nắng gay gắt trong những ngày nóng bức. Ban đêm, cây góp gió và lọc khí. Khi hoa bàng nở, sự sống dường như tràn ngập trong mùi hương quyến rũ.

Hoa bàng quả vuông khi nở, từng cuống nhụy trắng điểm phớt tím vươn dài như những tia sáng hợp lại với nhau giống màn pháo hoa trong đêm lễ hội. Gió đưa nhè nhẹ, chùm hoa cứ lung linh dưới ánh trăng và sóng nước đại dương. Ngắm hoa bàng vuông tươi tắn, đẹp đẽ nhất là vào lúc sáng sớm khi bình minh bắt đầu ló rạng. Hoa bàng quả vuông có đặc trưng riêng, trong mỗi chùm hoa mỗi đêm chỉ nở một bông, cứ như vậy quá trình ra hoa của cây liên tục trong năm. Đó cũng là sự bảo tồn nòi giống mà thiên nhiên ban tặng cho loài thực vật ở nơi có điều kiện sống khắc nghiệt này. Quả bàng vuông sau khi đã đậu thì lớn dần (cỡ như nắm tay trẻ em), vào khoảng hơn 70 ngày là chín. Những quả bàng vuông trông như những chiếc đèn lồng xanh nho nhỏ xinh xắn trên cành. Khoảng hơn 70 ngày là bàng chín, có thể hái phơi khô cất làm giống hoặc để nguyên như thế gieo xuống đất và hơn 50 ngày sau sẽ cho ta những cây bàng quả vuông thật bụ bẫm. Nhưng khi cây non nhú lên khỏi mặt đất cũng phải hơn 50 ngày sau mới lên được khoảng 6-8 cm, kể từ đó cây sẽ phát triển rất nhanh chóng. Nếu muốn nhân giống ta có thể triết cành hoặc gieo bằng quả.

Bàng vuông có sức sống mãnh liệt. Quanh năm nơi đảo xa, nơi đầy sóng gió với nước biển mặn chát, vậy mà cây vẫn xanh tốt, lá bàng rất ít rụng và không có kỳ thay lá. Lá bàng to, dày xanh thẫm cùng với cây phong ba và một số loài cây như: cây đa từ vùng đất Tân Trào; cây tre ngà mà Thánh Gióng dùng để đánh giặc Ân ở vùng đất Sóc Sơn… mang lại màu xanh cho đảo. Thân cây bàng chắc và dẻo, chịu được các trận bão lớn, rễ cây vững chắc bám sâu vào lòng đá san hô cùng với cây phong ba, mù u, dừa… giữ lại nguồn nước mưa quý hiếm cho đảo và chống chọi lại sự xâm nhập của những con sóng, gió. Ngày tết Nguyên Đán bộ đội còn lấy lá bàng vuông cùng với lá rong của đất liền gửi ra để gói bánh chưng, bánh tét. Cây bàng quả vuông mộc mạc chân tình như những người lính kiên cường, hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng cũng thật khiêm tốn, thân thương gần gũi như những người lính đảo Trường Sa.

Những năm trước, khi ra thăm Trường Sa về, mọi người hầu như đều kiếm được những quả bàng vuông, do lính hải quân dành tặng. Nhưng mấy năm gần đây, có rất nhiều đoàn ra công tác. Nếu ai cũng mang về, dù chỉ mỗi người một quả, thì chẳng mấy chốc bàng vuông sẽ bị trơ trụi, không thể sinh sôi kịp. Vì vậy gần đây đã có lệnh hạn chế cao nhất việc mang quả bàng vuông ra khỏi Trường Sa. Nghe mấy anh chị cùng đoàn kể, ở TP Hồ Chí Minh cũng đã thử trồng bàng vuông, kết quả cho thấy cây bàng vuông vẫn phát triển bình thường, ra hoa kết trái nhưng không có được cái màu xanh mỡ màng và thắm xanh như bàng mọc trên đá san hô của các đảo ở Trường Sa.

Như trên đã nhắc đến, trên các đảo Trường Sa còn có các loài cây khác, sinh sôi và bám rễ tự nhiên, đồng thời cũng có những loài cây được mang ra từ đất liền như dừa, mù u, phong ba, bão táp… 

Đảo Nam Yết đặc biệt có rất nhiều dừa được trồng. Chủ tịch huyện đảo Trường Sa Nguyễn Viết Thuân, khi đang làm Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết đã cho trồng trên đảo này rất nhiều dừa. Tự tay anh cùng đồng đội trồng và chăm sóc từng cây. Anh thuộc từng dáng dừa, có thể kể vanh vách bao nhiêu cây được trồng như thế nào. Và sau này, những cán bộ chỉ huy thay anh, đều rất chú ý đến việc giữ gìn màu xanh cho đảo.

Trên các đảo như Sơn Ca, Sinh Tồn có nhiều phong ba và bão táp. Sân đảo Sinh Tồn, một cây mù u cổ thụ tỏa bóng trùm một khoảnh sân rộng, từng cánh hoa mù u rụng xuống sân dưới cơn gió nhẹ.

...Những tin tức càng ngày càng phức tạp.

Nhưng bàng vuông, phong ba, bão táp và những loài cây khác đã mọc xanh trên các đảo ở Trường Sa, bất chấp mọi biến động.

2/7/2014