Hiểu và yêu thương hơn điện ảnh Việt Nam

(ANTĐ) - Với những ai yêu thích điện ảnh nói chung, điện ảnh Việt Nam nói riêng hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên và vui mừng khi cầm trên tay cuốn “Điện ảnh Việt Nam thời hội nhập” của Tiến sĩ Nghệ thuật học Vũ Ngọc Thanh.

Hiểu và yêu thương hơn điện ảnh Việt Nam

(ANTĐ) - Với những ai yêu thích điện ảnh nói chung, điện ảnh Việt Nam nói riêng hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên và vui mừng khi cầm trên tay cuốn “Điện ảnh Việt Nam thời hội nhập” của Tiến sĩ Nghệ thuật học Vũ Ngọc Thanh.

Ngạc nhiên vì đây là một cuốn sách đầy đặn, dày công của tác giả trong lĩnh vực lý luận phê bình điện ảnh - một lĩnh vực không nhiều người am tường và dấn thân. Còn vui mừng vì từng trang sách sẽ mang đến cho người đọc những góc nhìn mới mẻ, thú vị, cận cảnh và đa diện về một nền điện ảnh đã có bề dày hơn nửa thế kỷ, đặc biệt là những năm đầu Việt Nam hội nhập và phát triển.

Sách được chia làm 3 phần. Phần một là hàng loạt các vấn đề lý luận phê bình điện ảnh cũng như thực tiễn của điện ảnh Việt Nam, không chỉ những người trong nghề quan tâm mà cả những khán giả, những ai yêu mến và thường xuyên theo dõi từng bước đi của điện ảnh dân tộc cũng sẽ có thêm những hiểu biết nhất định như: Bảo hộ và phát triển điện ảnh thời hội nhập hay vấn đề của “Một nền điện ảnh hài hòa”; Về một số vấn đề điện ảnh; Viết tiếp về xã hội hóa hoạt động điện ảnh; Cổ phần hóa hãng phim có phải là “Điệp vụ bất khả thi”; Đào tạo nhân lực cho điện ảnh; Năm cũ và năm mới của điện ảnh Việt Nam; Bàn về hội nhập điện ảnh; Dò đường vào công nghiệp điện ảnh...

Trong phần hai, dấu ấn nghề nghiệp hiện rõ khi tác giả xoáy sâu vào các vấn đề liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, khuynh hướng, phong cách làm phim cũng như mổ xẻ từng bộ phim theo chủ đề, thể hiện bản lĩnh của một nhà nghiên cứu khi chạm tới bản chất của từng sự việc để rồi gợi mở, lôi người đọc vào cuộc, cùng bàn thảo, tranh luận như: Tính hấp dẫn của tác phẩm điện ảnh; Về một thứ điện ảnh trẻ gần đây; Phim Tết 3 năm Hợi, Tý, Sửu và vấn đề tìm hướng và đích mới; Phim của một người khổng lồ; Một số vấn đề về phim hài...

Không chỉ là nhà nghiên cứu, chất nghệ sĩ trong tác giả được thể hiện ở phần cuối cuốn sách với tựa đề: Tùy bút điện ảnh. Đây có thể coi là dấu lặng, là lúc người đọc thăng hoa cảm xúc của mình cùng tác giả với những bài viết đậm chất văn chương nhưng mang đầy màu sắc điện ảnh như: Mọi con đường đều dẫn tới Cầu Thê Húc; Trường VGIK như tôi biết và Chiếu bóng ở làng.

Vũ Ngọc Thanh từng tốt nghiệp Trường VGIK (Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang, Liên Xô cũ và Nga hiện nay), ngôi trường danh tiếng đã tạo nên những tên tuổi lớn cho nền điện ảnh Việt Nam. Anh làm báo, giảng dạy, nghiên cứu nên lúc nào cũng bận rộn, lo toan. Thỉnh thoảng anh em gặp nhau, chỉ được câu trước câu sau, anh lại trăn trở về những chuyến đi, những dự án, những bài viết, tất thảy đều liên quan đến điện ảnh.

Tôi hiểu, điện ảnh đã ngấm vào máu thịt anh. Và với “Điện ảnh Việt Nam thời hội nhập”, anh còn làm tròn bổn phận của mình trên cương vị một người thầy, khi “truyền lửa” cho các sinh viên đang theo học chuyên ngành lý luận phê bình điện ảnh. Hiểu và yêu thương hơn điện ảnh Việt Nam, đó có lẽ là thông điệp gần gũi và cô đọng nhất mà anh muốn gửi gắm lòng mình trong từng trang sách để kỳ vọng về một viễn cảnh tươi sáng của điện ảnh Việt trong một tương lai không xa.

Nguyễn Hiền Phương