Hiến kế để Việt Nam đón bằng được 15 triệu du khách trong năm 2018

ANTD.VN - Bước qua thềm năm mới, nhiều doanh nghiệp lữ hành phấn khởi trước mục tiêu đón 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Song, việc thực hiện hóa mục tiêu này là không hề đơn giản. 

Những chuyến công tác nước ngoài khiến ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist rút ra rằng, có thể các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đã biết đến Việt Nam là một quốc gia có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, giàu truyền thống, lịch sử, văn hóa; còn du khách - người quyết định chọn tour tuyến du lịch lại chưa biết. 

Hiến kế để Việt Nam đón bằng được 15 triệu du khách trong năm 2018 ảnh 1Đi chợ và thưởng thức ẩm thực Việt Nam là những trải nghiệm mà bất cứ du khách quốc tế nào cũng không muốn bỏ qua

Phải vắt óc giới thiệu điểm đến mới

Trong khi Thái Lan có tới 27 văn phòng tiếp thị du lịch ở nước ngoài, và ngay tại Việt Nam, có khá nhiều văn phòng tiếp thị du lịch của các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á để phát động nguồn khách du lịch từ Việt Nam đến nước họ thì ngành du lịch Việt Nam chưa mở được văn phòng tiếp thị nào ở nước ngoài để có thêm một “cánh cửa” cung cấp thông tin về những điểm đến tuyệt vời trên mảnh đất hình chữ S cho du khách.

Việc mở văn phòng tiếp thị du lịch tại các thị trường trọng điểm cần sớm được triển khai, song phải có hệ thống đánh giá hiệu quả sâu sát tránh lãng phí nguồn ngân sách. Do đó, Việt Nam muốn gia tăng lượng khách quốc tế thì trước tiên công tác quảng bá, xúc tiến năm 2018 không nên dàn trải mà cần tập trung cho vào các thị trường trọng điểm, các phương tiện truyền thông toàn cầu, ví như CNN, các kênh e-marketing, cùng với mạng xã hội. Hai Hội chợ Du lịch quốc tế WTM (London, Anh) và ITB (Berlin, Đức) luôn được các doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao về hiệu quả quảng bá, xúc tiến cũng nên được nhắm tới.

Tuy nhiên, muốn quảng bá, xúc tiến du lịch thành công cần dựa trên thế mạnh của những tour truyền thống và gây tò mò cho doanh nghiệp quốc tế về sản phẩm du lịch mới. Song chưa bao giờ, sản phẩm du lịch mới tại Việt Nam trở thành “cơn khát” đến như vậy. Sản phẩm ấy được hình dung đơn giản như sau: có thể đọng lại ấn tượng đối với du khách, đem lại cho du khách trải nghiệm riêng biệt mà chỉ Việt Nam mới có. Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) công bố tỷ lệ du khách quay trở lại Việt Nam không cao, chỉ khoảng 6%, chưa đến 1/4 du khách nội địa đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai cũng bởi lý do thiếu các sản phẩm mới này. 

Một ví dụ rất đáng quan tâm, ngành du lịch Thái Lan đã từng phải đổi chiến lược phát triển, khi du khách lẫn người dân nơi đây than phiền Bangkok ngộp thở quá, Phuket chật chội quá. Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul tuyên bố: “Thái Lan sắp tới sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ ngành du lịch khoảng 5%/năm chứ không còn nhắm tới một con số du khách cụ thể, không nên vượt quá giới hạn của khả năng quản lý, chúng tôi phải vắt óc giới thiệu các điểm đến mới cho họ”. Thái Lan đã khuyến khích du khách lưu trú nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn vào thưởng thức ẩm thực, mua sắm.

Hãy là “nhà bếp của thế giới”

Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội lọt vào danh sách những thành phố mà người sành ăn nên ghé thăm ít nhất một lần trong đời (trang Insider công bố). Cha đẻ của Marketing hiện đại Philip Kotler cũng từng khẳng định: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “nhà bếp của thế giới”. Bên cạnh đó, còn rất nhiều điểm đến đẹp và hoang sơ như đảo Cái Chiên, biển Vân Đồn (Quảng Ninh), các danh lam thắng cảnh tại Hà Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, biển Tuy Hòa (Phú Yên)... Rõ ràng, 15 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018 là con số hứa hẹn mà Việt Nam đủ khả năng cán mốc, nếu nhìn tích cực, doanh thu từ du lịch sẽ tương xứng với lượng khách này.

Trở lại trăn trở của ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist thông tin du lịch của Việt Nam chưa đến được nhiều du khách do công tác quảng bá, xúc tiến chưa “sánh vai” với các cường quốc du lịch, sự trăn trở ấy cũng nhen lên những hy vọng về sự thân thiện của người dân Việt Nam sẽ đưa du khách đến và trở lại. Du khách có thể chia sẻ với nhau về sự nồng hậu, mến khách của người dân Việt khi nhớ lại hành trình của họ.

Ông Phùng Quang Thắng hào hứng nói: “Không chỉ doanh nghiệp chúng tôi, những chính sách của Nhà nước mà mỗi người dân Việt Nam có thể làm được rất nhiều cho du lịch. Yếu tố đem lại lợi ích bền lâu cho du lịch Việt Nam là sự tham gia của mỗi người dân”.

Mỗi người dân đều được hưởng lợi

Người dân tạo nên “linh hồn” cho sản phẩm du lịch, tham gia vào hoạt động chính của du lịch là tham quan và đóng vai trò quan trọng qua những hoạt động xung quanh du lịch như lưu trú, ví như: hình thức homestay, du lịch cộng đồng; chợ địa phương thu hút du khách trải nghiệm, tìm mua đặc sản, đồ lưu niệm; các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian; người dân tạo nên cảnh quan xanh, sạch...

Cái nhìn dài hạn cho phát triển của du lịch là cái nhìn nhân văn hướng đến con người và thiên nhiên, mà ở đó, mỗi người dân trên cả nước đều được hưởng lợi, có ý thức giữ gìn bản sắc vùng miền từ một món ăn bình dị, một giống cây trồng, lễ hội hàng năm, làng nghề truyền thống...

Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt con số kỷ lục đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Trong đó, nghị quyết khẳng định: Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam và từng vùng, từng địa phương nhằm từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.