Hãng phim truyện Việt Nam liệu còn được làm phim?

ANTD.VN - Chỉ vài tháng sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam lại “nóng” khi phần lớn văn nghệ sĩ và cán bộ bỗng dưng rơi vào tình trạng không có việc làm. Những xáo trộn bất ngờ về tổ chức, việc di dời kho đạo cụ và kho kịch bản của Hội đồng quản trị mới khiến anh chị em nghệ sĩ không khỏi hoang mang. Câu hỏi đặt ra, liệu còn Hãng phim truyện Việt Nam, liệu còn dòng phim Nhà nước?

Hãng phim truyện Việt Nam liệu còn được làm phim? ảnh 1“Chung một dòng sông” (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi - Phạm Hiếu Dân) là bộ phim đánh dấu sự ra đời của nền phim truyện điện ảnh cách mạng Việt Nam

Lịch sử Hãng phim và “khu đất vàng”

Theo đó, thực hiện chủ trương của Hội đồng quản trị sau khi tiếp nhận từ ngày 23-6-2017 cũng là ngày công ty đi vào hoạt động. Hơn 2 tháng hoạt động, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ bày tỏ ý kiến bất bình vì công ty đã không có động thái gì để thực hiện đầu tư cho sản xuất phim như cam kết ban đầu. Ông Lê Hồng Sơn, Phòng Hợp tác và Sản xuất phim cho biết, ngoài một dự án đang được xúc tiến là “Người yêu ơi” - được duyệt đặt hàng từ thời điểm trước khi cổ phần, hiện tại không có một hoạt động liên quan đến phim ảnh nào được triển khai. 

Sự việc càng “nóng” thêm khi đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo công ty cho di chuyển toàn bộ kho đạo cụ sang kho hàng của Công ty Vận tải thủy ở Gia Lâm. Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng Quay phim cho biết, kho đạo cụ nhìn thì cũ kỹ nhưng đã góp phần không nhỏ cho việc ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh của Việt Nam. Xét về một khía cạnh nào đó, nó còn mang ý nghĩa về cả vật chất lẫn tinh thần.

Cùng với việc chuyển kho đạo cụ, kho kịch bản cũng được di dời sang “nhà mới” là Viện Phim Quốc gia. Chuyện di dời này khiến Phòng Biên kịch cũng thắc mắc, bởi nơi này đang lưu giữ cả trăm kịch bản quý giá. Vì đã di dời, không còn lưu giữ kịch bản tại trụ sở phố Thụy Khuê nên nhân viên phòng được gợi ý là có thể làm ở nhà, nếu có sản phẩm được duyệt thì sẽ được trả công, còn công ty vẫn sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm cho nhân viên và cán bộ.

Ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải thủy, Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho biết, chiều nay 19-9, đại diện công ty sẽ tổ chức đối thoại cùng anh em văn nghệ sĩ xung quanh những bức xúc tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa.

Việc dọn dẹp sạch các phòng ban của công ty khiến anh em nghệ sĩ ở Hãng phim dấy lên nghi ngờ, phải chăng là lấy đất trống để cho thuê. Vì ai cũng biết, trụ sở Hãng phim số 4 Thụy Khuê nằm trên một “khu đất vàng” với một mặt tiếp giáp đường ven hồ Tây. 

Ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải thủy - Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam khẳng định, việc dọn kho chỉ là để cải tạo nâng cấp sửa chữa kho cũ ở Thụy Khuê mà thôi. Ông cũng cho biết, HĐQT đã chỉ đạo Ban Giám đốc thực hiện giám sát cùng với người trực tiếp quản lý phòng đạo cụ, kiểm tra những đạo cụ nào bị mục nát thì bỏ đi, đạo cụ nào vẫn sử dụng được thì liệt kê danh sách giữ lại.

Đối với Phòng Kịch bản, đây là tài sản không thể bỏ đi, trong khi điều kiện hiện tại Hãng phim không thể bảo quản được nên công ty đã liên hệ với bên Viện Phim Việt Nam để gửi kịch bản sang đó lưu giữ. Việc này đã có biên bản bàn giao, thống kê chi tiết toàn bộ số lượng kịch bản với Viện Phim Việt Nam. 

Riêng về chuyện tiền lương, ông Nguyễn Danh Thắng giải thích: “Khi mới về, tôi cũng đã tìm hiểu, lực lượng cán bộ, nghệ sĩ rất đông, hơn 80 người mà gần 2 năm nay không có việc. Mỗi năm cũng có một phim do Nhà nước đặt hàng. Một số người làm việc, còn đa số là không có việc, nhưng hàng tháng đến ngày vẫn lĩnh lương. Vì vậy, tiền ngân sách Nhà nước đặt hàng cho Hãng phim, chỉ một phần phục vụ cho sản xuất phim còn đa số là giữ lại, để trả lương dần cho cán bộ, công nhân viên tại Hãng”.

Cũng theo ông Nguyễn Danh Thắng, hiện Hãng phim có nhiều người đã đi ra làm ngoài nhưng đến kỳ lĩnh lương vẫn đến nhận mặc dù không làm việc gì cho Hãng. Đại diện công ty cũng thừa nhận, Tổng Công ty Vận tải thủy với tư cách nhà đầu tư chiến lược vốn chẳng liên quan gì với điện ảnh, cho nên, những bước đi đầu tiên cũng đã gặp ít nhiều khó khăn.  

Hãng phim truyện Việt Nam liệu còn được làm phim? ảnh 2Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh) là phim 2 tập đầu tiên của phim truyện Việt Nam, phim đoạt giải thưởng của Hội đồng Hòa bình Liên Xô tại LHP Quốc tế Matxcơva 1973

Cổ phần hóa là lẽ đương nhiên, nhưng…

Ai cũng hiểu, cổ phần hóa là lẽ đương nhiên, nhất là trong điều kiện Hãng phim truyện Việt Nam suốt nhiều năm qua sống theo kiểu cầm chừng. Một năm, Nhà nước đặt hàng vài kịch bản. Phim sản xuất ra, các hãng phát hành cũng chẳng mặn mà, chứ đừng nói đến khán giả. Có bộ phim, đầu tư “khủng”, đạo diễn tài danh, diễn viên gạo cội, phim được làm hậu kỳ tại nước ngoài… Nói chung, đầy đủ yếu tố cấu thành để gây sốt phòng vé. Ấy thế mà lúc ra rạp khán giả lèo tèo vài người. Có giai thoại thế này, đạo diễn thấy phim mình ế, tức khí lên lao vào rạp phỏng vấn 2 khán giả duy nhất đang xem. Hóa ra, đây là một đôi yêu nhau, 2 hôm trước giận dỗi mới làm lành, chả biết đi đâu tâm sự, đành mua vé vào rạp…

Quá khứ vàng son, hiện tại bết bát, nên khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, bao nhiêu hy vọng được đặt vào đó. Tuy nhiên, sau 2 tháng hoạt động, mọi việc dậm chân tại chỗ khiến văn nghệ sĩ và cán bộ hãng phim lâm vào trạng thái thất vọng. Dấy lên nhiều câu hỏi: “Liệu dòng phim Nhà nước có bị xóa sổ?”, “Hãng phim có tiếp tục làm nghề nữa không?”…

Sáng 18-9, trao đổi cùng phóng viên, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh khẳng định Hội sẽ có văn bản gửi tới Bộ VH-TT&DL; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Thanh tra, Kiểm tra Chính phủ; Văn phòng Thủ tướng Chính phủ… đề nghị làm rõ một số vấn đề. Cụ thể: Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã hợp lệ, công bằng chưa?; Quyền lợi chính đáng của người lao động, văn nghệ sĩ có được đảm bảo? Đồng thời hội cũng sẽ lên tiếng về việc bảo vệ, giữ gìn thương hiệu điện ảnh đã có bề dày 60 năm của đơn vị được coi là con chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Ông Đặng Xuân Hải cũng nói rõ trong toàn bộ quá trình cổ phần hóa của hãng phim bên Hội không được tham vấn hay hỏi ý kiến. Cá nhân ông cho rằng có lẽ nên tìm nhà đầu tư chiến lược là đơn vị có hoạt động gần gũi hơn với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có như vậy mới có thể hiểu, tiếp cận tốt hơn với hoạt động của hãng phim.

Thế nhưng, ông Đặng Xuân Hải cũng thẳng thắn chia sẻ, trong vài năm qua, Hãng phim truyện Việt Nam lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng do thiếu vốn. Ông cũng thừa nhận, 2 tháng sau cổ phần hóa thì đúng là chưa đủ để thay đổi, mà cần phải có thời gian thậm chí 1, 2 năm… mới có thể xốc lại hoạt động. Thế nhưng, bên cạnh phương án phát triển mang tính chiến lược thì tại thời điểm này ít ra lãnh đạo của công ty cũng phải đưa ra được phương án tình thế nhằm giải quyết những bức xúc trước mắt, phát huy ngay hiệu quả để anh em có việc làm, để có sản phẩm phục vụ xã hội…