Hai đóa hồng của điện ảnh Việt

(ANTĐ) - Có hai người phụ nữ, một đạo diễn, một diễn viên, suốt mấy chục năm qua, hình ảnh của họ luôn được công chúng yêu mến và nhắc tên. Với họ, hạnh phúc nhất là được cống hiến hết mình cho điện ảnh…

Hai đóa hồng của điện ảnh Việt

(ANTĐ) - Có hai người phụ nữ, một đạo diễn, một diễn viên, suốt mấy chục năm qua, hình ảnh của họ luôn được công chúng yêu mến và nhắc tên. Với họ, hạnh phúc nhất là được cống hiến hết mình cho điện ảnh…

NSND Bạch Diệp (bên phải) và NSND Trà Giang trong một lần gặp mặt

NSND Bạch Diệp (bên phải) và NSND Trà Giang trong một lần gặp mặt

NSND Trà Giang-người sống cùng nhân vật

Nhiều khán giả đã ví von rằng, Trà Giang là “người đẹp không tuổi”. Luôn xuất hiện trước công chúng trong tà áo dài duyên dáng, cái mà người đối diện cảm nhận được ở chị là sự mặn mà đằm thắm, nét duyên thầm cùng ánh mắt thông minh đầy nghị lực. Mấy chục năm qua, kể từ lần xuất hiện đầu tiên trên màn ảnh, cho tới hôm nay, khi Trà Giang đã nói lời tạm biệt điện ảnh, lui về chăm chút cho gia đình nhỏ của mình, khán giả vẫn cứ yêu chị. Hình như, trong lòng công chúng, không có diễn viên nào có thể thay thế được vị trí của chị.

Điểm lại những bộ phim mà NSND Trà Giang tham gia như: Chị Tư Hậu (1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Ngày lễ thánh (1976), Mối tình đầu (1977), Huyền thoại người mẹ (1987)... có thể thấy, chị không chỉ thành công khi đảm nhiệm vai diễn một cách xuất sắc mà hơn thế, chị còn gửi đến người xem thông điệp về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chính cái cách thể hiện tình cảm cùng khả năng diễn xuất bằng ánh mắt, mà tài năng của chị đã được ghi nhận thông qua nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, Huy chương bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva 1963 cho vai diễn chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên. Với vai Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm NSND Trà Giang tiếp tục nhận giải diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973…

Trò chuyện cùng NSND Trà Giang, hỏi chị, động lực nào thúc đẩy chị chọn con đường nghệ thuật “vinh quang cũng lắm, đắng cay cũng nhiều”, chị bảo đó chính là tình yêu của khán giả. Được khán giả yêu mến, đó là phần thưởng quý giá nhất, đó còn là niềm động viên, sự khích lệ, mà thiếu nó, người diễn viên dù có đam mê thế nào, tâm huyết thế nào cũng khó mà thành công được… Nhân vật do Nhà biên kịch tạo ra, nhưng nhân vật do mình diễn phải có hồn có cốt. Để nhân vật thực sự sống trong lòng người xem, phụ thuộc nhiều vào cái tài của diễn viên. Vì thế nghề diễn phải rất tinh tế!

NSND Bạch Diệp - hạnh phúc được “đối thoại” với cuộc đời

NSND Bạch Diệp là nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Năm nay, bà đã bước sang tuổi 82, nhưng trong từng câu chuyện kể của bà, dường như tình yêu mà bà dành cho điện ảnh vẫn luôn tươi mới và vẹn nguyên như thuở nào. Bà bảo, việc trở thành đạo diễn là mơ ước lớn nhất trong cuộc đời và bà đã thực hiện nó trọn vẹn. Năm 1992, NSND Bạch Diệp nhận quyết định nghỉ hưu, không chịu cảnh an nhàn, bà vẫn tiếp tục cho ra đời hàng chục bộ phim truyền hình, phim nào được nhào nặn dưới bàn tay của Bạch Diệp đều có dấu ấn rất riêng, như “Vui buồn sau lũy tre làng”, “Kẻ không cầu may”, “Người nổi tiếng…

“Tài năng và quyết liệt” là những gì mà đồng nghiệp nhìn nhận về người nữ đạo diễn này. Nhiều diễn viên vẫn nhớ đến hình ảnh của một Bạch Diệp xông xáo, đã bắt tay vào làm việc gì là làm đến cùng và luôn hoàn thành một cách tốt nhất có thể. Là đạo diễn nữ, lại cũng có tuổi, nhưng bà cứ ra phim trường là quên hết mệt nhọc, có lúc quay một cảnh chưa được là làm lại, có khi làm một mạch từ tối đến sáng. Với đạo diễn Bạch Diệp, điều bà tâm đắc nhất với nghề là được đối thoại với cuộc đời: “Phim nào của tôi cũng có những vấn đề để tôi có thể đối thoại với xã hội và tôi muốn chuyển tải những suy ngẫm của tôi với cuộc đời. Những vấn đề của xã hội, của cuộc đời mà tôi tâm đắc thì nêu ở trong phim”.

Hỏi chuyện Bạch Diệp về điện ảnh bây giờ, xem ra vị đạo diễn già có nhiều tâm sự và trăn trở, bà bảo, lấy được nước mắt của khán giả bây giờ rất khó, kịch bản viết vội, rồi phim làm cũng vội nốt… Nghệ thuật giờ ít còn sự nghiêm ngắn, đam mê như xưa. Bà cho rằng, điện ảnh là một môn nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi phải có vốn văn học sâu dày, luôn phải trau dồi, quan sát cuộc sống. Vốn sống với đạo diễn vô cùng cần thiết. Để trở thành một đạo diễn giỏi, phải đọc nhiều, đi nhiều… phải coi cái sự đọc và đi ấy không bao giờ là đủ cả. Và điều quan trọng, người đạo diễn phải biết quan sát cuộc sống, đồng cảm với những số phận vui buồn thì mới nói được những điều mà khán giả mong đợi.      

Thạch Thảo