Hà Nội khơi gợi hứng thú và quyến rũ du khách

ANTD.VN - Năm 2017, liên tục được những trang báo uy tín quốc tế tôn vinh: Hà Nội đứng thứ 6 trong top những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (Business Insider); xếp thứ 7 trong top 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới (Mastercard)... là dấu ấn đầy ấn tượng của du lịch Hà Nội trong năm 2017. Đó cũng là tiền đề để du lịch Hà Nội mạnh dạn đặt mục tiêu thu hơn 75.000 tỷ từ khách du lịch trong năm 2018.

Hà Nội hấp dẫn du khách bởi các di tích văn hóa có bề dày lịch sử nghìn năm

Phát triển du lịch “xanh”

Mới đây, trong Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2018”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch mong đợi: “Du lịch Hà Nội sẽ lấy trọng tâm, trọng điểm, giá trị gia tăng, hiệu quả làm mục tiêu chứ không phải số lượng. Bởi số lượng vốn dĩ không nói được nhiều vấn đề, trong khi “cốt lõi” là phát triển sản phẩm du lịch như thế nào cho hay, quảng bá những danh lam thắng cảnh sao cho ấn tượng mới khiến du khách muốn ở lại Hà Nội khám phá lâu hơn, muốn trải nghiệm, mua sắm nhiều hơn”.

Với kỳ vọng đó, trong năm 2018, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các ngành, địa phương tham mưu với UBND TP Hà Nội khuyến khích, tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố chủ động trang trí, xây dựng, cải tạo cảnh quan trụ sở, nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu, đường phố… thành vườn hoa, tiểu cảnh đặc sắc để khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Năm 2017, du khách quốc tế đến Hà Nội đạt 4,95 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016 và vượt kế hoạch 15%. Tính chung cả năm 2017, du lịch Việt Nam đạt trên 12,92 triệu lượt khách quốc tế, tăng tới 29,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, lồng ghép công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động của ngành du lịch cũng sẽ được Hà Nội chú trọng. Ví như, khách lưu trú tại các khách sạn, nhất là khách sạn 3 sao trở lên sẽ được thông báo lưu ý việc sử dụng tiết kiệm điện, nước. Nhà hàng và khách sạn cùng du khách có ý thức hạn chế việc thay mới các đồ khăn, chăn, ga, gối… để tránh giặt và sử dụng chất tẩy rửa quá nhiều không thật cần thiết; hoặc quan tâm việc lắp đặt, sử dụng các trang thiết bị và dụng cụ tiết kiệm điện năng, sử dụng các nguồn năng lượng sạch. 

Đẩy mạnh du lịch làng nghề

Khi đã có một môi trường du lịch “xanh”, thì việc những người làm du lịch Thủ đô làm là sẽ “xắn tay áo” xây dựng sản phẩm du lịch ấn tượng, hấp dẫn du khách. “Vấn đề xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là khâu chiến lược trong năm 2018 của ngành Du lịch Thủ đô”, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm du lịch văn hóa được xem là thế mạnh của Hà Nội, ví như làng nghề, đường sông, những tour kết nối các điểm tham quan nổi tiếng trong thành phố...

Dự kiến trong năm 2018, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp và người dân xây dựng sản phẩm du lịch dọc vành đai sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy tại Hà Nội và nối đi các tỉnh và các sản phẩm du lịch đặc trưng như: làng Cổ Đô ở huyện Ba Vì quy tụ hàng trăm họa sĩ; làng Vân Từ  (Phú Xuyên) được biết đến là làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston nức tiếng gần xa; làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông); làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm); làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)... Đến thăm các làng nghề, du khách quốc tế sẽ có dịp tìm hiểu về những nét văn hóa, lịch sử của Thủ đô qua bàn tay khéo léo và những câu chuyện kể bình dị của các nghệ nhân, những người nông dân Việt Nam.

Đáng chú ý, Hà Nội như một cửa ngõ trung gian tiếp nhận và phân phối khách đến các tỉnh, thành phố. Điều này được thể hiện ngay trong những thước phim quảng bá về du lịch Hà Nội trên CNN, du khách đến Hà Nội sẽ muốn đến cả những địa phương khác của Việt Nam như Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)...

Sự liên kết du lịch giữa Hà Nội với các địa phương đã trở thành gợi ý thú vị cho các khán giả của CNN ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á lên kế hoạch đặt chân tới Hà Nội. Vì vậy, việc liên kết tour tuyến giữa Thủ đô và các tỉnh, thành cũng sẽ được chú trọng trong thời gian tới.

Cùng với CNN, những nét hay, độc đáo của Thủ đô được giới thiệu trên các mạng xã hội cũng tạo thành một làn sóng đầy hứng khởi không thể bỏ qua. Bởi chỉ cần gõ “#hanoi” trên mạng xã hội Instagram sẽ có khoảng 3,3 triệu kết quả là những hình ảnh lưu niệm của du khách trong nước và quốc tế tại thành phố. Mục tiêu Hà Nội đạt 75.783 tỷ đồng tổng thu từ khách du lịch trong năm 2018 không phải là một thách thức khó khi có quyết tâm và sự tâm huyết của những nhà hoạch định chính sách và những người làm du lịch.

Công ty Nghiên cứu thị trường uy tín BDRC Continental vừa công bố 93% người xem CNN được phỏng vấn và trải qua bài kiểm tra nhắc lại đều đồng ý rằng các quảng cáo cho họ biết: “Hà Nội có rất nhiều di tích, di sản và các điểm tham quan thú vị”, 92% đồng ý rằng các quảng cáo cho thấy có nhiều hoạt động du lịch ở Hà Nội, khơi gợi hứng thú và thúc đẩy mong muốn ghé thăm và coi Hà Nội như một điểm du lịch đáng đến trong các kỳ nghỉ.