Hà Nội có thêm 3 tuyến phố mới khang trang, sạch đẹp

ANTD.VN -Sáng 27-4, tại Hà Nội, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ quận Long Biên tổ chức lễ gắn biển tên phố: Mai Chí Thọ - Nguyễn Lam – Đào Văn Tập trên địa bàn quận.

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Lễ gắn biển tên phố có sự tham dự của ông Đào Việt Trung - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước, con trai trưởng của cố Giáo sư Đào Văn Tập; ông Bùi Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Thiệp; ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, PGS.TS Chu Đức Dũng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; bà Vũ Thu Hà – Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận Long Biên... cùng thân nhân, bạn bè thân hữu các gia đình ba danh nhân Nguyễn Lam, Đào Văn Tập, Mai Chí Thọ được đặt tên đường phố Hà Nội.

Dịp này, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, ngày 5-12-2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND và ngày 28-12-2017 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 8984/QĐ-UBND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó quận Long Biên có 3 tuyến đường mới là Đào Văn Tập, Nguyễn Lam, Mai Chí Thọ để ghi nhớ những đóng góp to lớn của các đồng chí; đồng thời tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đối với những danh nhân có công lớn đối với đất nước, với dân tộc, với Thủ đô Hà Nội.

Tại buổi lễ, ông Đào Việt Trung - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước, đại diện gia đình danh nhân Đào Văn Tập cho biết, thân nhân của ba gia đình hân hạnh và cảm động khi được ban tổ chức mời về gắn biển tên đường phố mới tại quận Long Biên Hà Nội - những con đường phố mới rất đẹp khang trang mang tên những người thân yêu của mỗi gia đình là cố Đại tướng Mai Chí Thọ, cố Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Lam và cố Giáo sư Đào Văn Tập.

Ông Đào Việt Trung cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, quận Long Biên và các bộ, ban, ngành, cơ quan đoàn thể cùng đông đảo thân hữu đã tới dự lễ, gửi hoa chúc mừng. Đại diện gia đình cố Giáo sư Đào Văn Tập, ông Đào Việt Trung nhấn mạnh, sẽ quyết tâm noi gương ông cha, kế thừa truyền thống gia đình và tự răn bản thân động viên nhắc nhở con cháu dù ở cương vị nào cũng tu dưỡng làm công dân tốt, Đảng viên gương mẫu có đóng góp thiết thực cho đơn vị, Thủ đô và đất nước giàu đẹp.

Hà Nội có thêm 3 tuyến phố mới khang trang, sạch đẹp ảnh 2

Gia đình danh nhân Nguyễn Lam và lãnh đạo TP Hà Nội, quận Long Biên thực hiện nghi thức gắn biển tên phố Nguyễn Lam

Theo đó, Phố Nguyễn Lam dài 910m, rộng 30m, đoạn từ ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Sài Đồng tại tòa nhà NO2-2 KĐT Sài Đồng, đến đoạn giao cắt cuối phố Mai Phúc (Tổ dân phố số 6)

Danh nhân Nguyễn Lam tên thật là Lê Hữu Vy, sinh năm 1921 tại thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nho giáo, năm 1927 ông hoạt động phong trào Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Ông được kết nạp Đảng khi đang bị giam tại Nhà tù Sơn La năm 1943. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Ninh Bình, rồi Bí thư Khu ủy Khu 14.

Năm 1948, ông làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương rồi Bí thư Trung ương Đoàn Đoàn Thanh niên cứu quốc năm 1950. Năm 1960, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba năm 1961, ông tiếp tục tái đắc cử Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Đại hội này cũng thông qua đề nghị về việc lấy ngày 26-3-1931 làm ngày truyền thống của Đoàn. Đến năm 1962, ông được điều sang tham gia Thành ủy Hà Nội và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội vào năm 1963. Từ năm 1968, ông tham gia các chức vụ thuộc Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông qua đời năm 1990 và được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 2007.

Hà Nội có thêm 3 tuyến phố mới khang trang, sạch đẹp ảnh 3

Gia đình danh nhân Đào Văn Tập và lãnh đạo TP Hà Nội, quận Long Biên thực hiện nghi thức gắn biển tên phố Đào Văn Tập

Phố Đào Văn Tập dài 848m, rộng 30m, đoạn đường từ ngã ba giao cắt phố Đoàn Khuê tại Khu đô thị Vincom River side, đến ngã ba giao cắt phố Hội Xá.

Giáo sư Đào Văn Tập (1927-1989), quê tại Duy Tiên, Hà Nam trong dòng tộc có truyền thống yêu nước, văn hóa lâu đời. Ông giác ngộ và hoạt động Cách mạng từ trước năm 1945, gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương khi mới 19 tuổi.

Từ năm 1948-1976, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ trong ngành thông tin và nghiên cứu khoa học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1977, ông được giao làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Từ năm 1975, ông Đào Văn Tập liên tục được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội trong ba khóa V, VI, VII và là Ủy viên thường vụ Quốc hội khóa V và khóa VII; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kế hoạch và ngân sách Quốc hội khóa VII.

Ông được nhận hàm Giáo sư năm 1980 và có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy kinh tế, chính trị tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Do những công lao đóng góp với đất nước, Giáo sư Đào Văn Tập được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Năm 2005, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ cho công trình nghiên cứu “Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Mỹ”.

Hà Nội có thêm 3 tuyến phố mới khang trang, sạch đẹp ảnh 4

Gia đình danh nhân Mai Chí Thọ và lãnh đạo TP Hà Nội, quận Long Biên thực hiện nghi thức gắn biển tên đường Mai Chí Thọ

Phố Mai Chí Thọ dài 1.552m, rộng 48m, bắt đầu từ ngã tư giao cắt các phố Hội Xá, Đào Văn Tập (Khu đô thị Việt Hưng) đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối đường Ngô Gia Tự tại Trụ sở Toà án nhân dân quận Long Biên.

Đại tướng Mai Chí Thọ (1922-2007) tên thật là Phan Đình Đống, quê ở Nam Định. Ông tham gia Cách mạng từ năm 1936 trong phong trào sinh viên Huế và Hà Nội. Ông vào Đảng năm 1939. Trong kháng chiến, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, hoạt động chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Sau hòa bình, ông lần lượt làm Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều khóa. Năm 1985, ông làm Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 1986, ông làm Thứ trưởng thứ nhất rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Năm 1989, ông được phong hàm Đại tướng.

Ông được xem là một trong những nhà lãnh đạo có đường lối cứng rắn, đóng vai trò chủ yếu trong việc xây dựng ngành công an nước ta. Cùng với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là người ủng hộ và khởi xướng cho thời kỳ đổi mới ở TP Hồ Chí Minh từ trước năm 1986. Ông được trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 60 tuổi Đảng, Huân chương Lao động hạng Nhất...

Ông Nguyễn Mạnh Trình - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết để thực hiện tốt công tác đặt tên đường phố, quản lý đô thị trong thời gian tới, UBND quận Long Biên đề nghị các phòng ban, ngành tiếp tục tuyên truyền ý nghĩa của các tuyến đường tuyến phố mang tên các địa danh lịch sử văn hóa, các anh hùng dân tộc, các danh nhân trên địa bàn quận, đặc biệt là 3 tuyến phố mới được đặt tên năm 2018; nghiên cứu nội dung tìm hiểu tên đường phố mang tên các danh nhân trên địa bàn vào chương trình tìm hiểu lịch sử địa phương trong các trường học. Đồng thời, tăng cường công tác duy tu, chỉnh trang để các tuyến phố đạt tiêu chí “sáng – xanh – sạch - đẹp”, văn minh đô thị.