CA SĨ DUYÊN HUYỀN

Gương mặt mới của làng nhạc thính phòng

ANTĐ - Một gương mặt mới của làng âm nhạc thính phòng, một giọng nữ cao trong sáng và biểu cảm. Cô đã  từng biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Ba Lan, đã từng xuất hiện trong vở opera Cây Sáo Thần, đã dành giải nhì một cách ấn tượng tại cuộc thi Nhạc thính phòng và nhạc kịch nhưng cái tên Phạm Thị Duyên Huyền chỉ thực sự được biết đến khi được mời tham gia  trong chương trình Hòa nhạc Toyota 2011, cùng biểu diễn với dàn nhạc nổi tiếng thế giới Đông Bắc Đức.

Chào Duyên Huyền, lần đầu tiên xuất hiện trên một sân khấu lớn lại biểu diễn cùng với dàn nhạc nổi tiếng thế giới, em có phải chịu áp lực không?

- Lần đầu tiên được biểu diễn cùng với dàn nhạc nổi tiếng đó là niềm vinh dự và trân trọng, Duyên Huyền nghĩ đây là một thử thách đối với mình. Với một chương trình lớn, và những khán giả là những người nghe nhạc có đẳng cấp, Duyên Huyền sẽ rút ra được nhiều bài học quý cho mình.

Duyên Huyền đã chuẩn bị như thế nào để chinh phục những “đôi tai khó tính”?

- Duyên Huyền đã nỗ lực và cố gắng truyền hết cảm xúc, kỹ thuật thanh nhạc và kỹ năng biểu diễn vào tác phẩm.

- Được mời tham gia một chương trình hòa nhạc lớn khi đang còn “ngồi trên ghế nhà trường”, Duyên Huyền có thể nói về con đường đến với âm nhạc cổ điển của mình?

- Vốn yêu và say mê âm nhạc từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp PTTH, Duyên Huyền đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngay từ khi bước chân vào trường, Duyên Huyền đã chọn con đường âm nhạc cho riêng mình đó là theo dòng nhạc hát nhạc kịch thính phòng. Hiện Duyên Huyền đang học cao học dưới sự dẫn dắt của thầy – NSND Trung Kiên.

Thường thì, những nghệ sĩ  theo dòng nhạc này, đều là con nhà nòi, Duyên Huyền có phải là một trường hợp như vậy?

- Được sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng mẹ của Duyên Huyền hát rất hay. Có lẽ Duyên Huyền được hưởng một phần gen của mẹ.

- Quảng Ninh có vẻ là vùng đất của những giọng ca đẹp, và đó cũng là cái nôi nuôi dưỡng giọng ca của Huyền?

- Con đường âm nhạc của Duyên Huyền bắt đầu từ khi còn là học sinh phổ thông, thời gian ở Quảng Ninh, cũng là quãng thời gian Duyên Huyền “thử lửa” ở nhiều chương trình văn nghệ của trường học của vùng đất mỏ.

- Theo đuổi nhạc cổ điển, đó là một sự khổ luyện trong một môi trường khắc nghiệt? sao Huyền không chọn một dòng nhạc nào nhẹ nhàng hơn, vừa có nhiều công chúng lại vừa dễ kiếm tiền?

- Duyên Huyền đã yêu và đam mê thì sẽ theo đến cùng. Nhạc cổ điển là sự lựa chọn của Duyên Huyền.

- Đã bao giờ Duyên Huyền thất bại? hay có một “kỷ niệm cay đắng” nào không?

- Thời gian đầu mới học, nói thật là có nhiều lúc Duyên Huyền cảm thấy bất lực với chính mình, nhưng rồi bằng sự kiên trì và cố gắng, Duyên Huyền đã vượt qua được.

Những lúc thất bại, bạn thường nghĩ đến điều gì?

- Duyên Huyền thường nghĩ đến những điều tốt đẹp. Không có thành công nào mà không phải trải qua thất bại, không có điều ngọt ngào nào mà không phải trải qua đắng cay.

- Là một người theo đuổi dòng nhạc thính phòng, Huyền có buồn không khi phần đông khán giả Việt Nam vẫn đi nghe nhạc thính phòng bằng… giấy mời?

- Duyên Huyền hy vọng rằng sẽ có nhiều chương trình biểu diễn nhạc cổ điển hơn nữa để khán giả Việt Nam hiểu hơn về dòng nhạc này. Duyên Huyền cũng mong muốn các nhà chức trách  dành tình cảm nhiều hơn cho nhạc cổ điển bằng cách đưa nhạc cổ điển vào trong trường học. Bên cạnh đó, nhạc cổ điển cũng cần sự quan tâm của Đài truyền hình và các cơ quan truyền thông. Chúng ta đang thừa các chương trình cổ vũ cho những thứ nhạc kém chất lượng và thiếu các chương trình dành cho âm nhạc đích thực.

Duyên Huyền nghĩ sao khi trong đời sống âm nhạc vẫn còn có những người không biết hát vẫn lên sân khấu và phong cho mình là… ca sĩ?

- Theo Duyên Huyền, danh từ ca sĩ để chỉ những người được đào tạo cơ bản trong trường lớp.

Cảm ơn Duyên Huyền !