Gợi nhớ ngày Giải phóng Thủ đô qua từng giai điệu ký ức

ANTD.VN - Hà Nội đón tháng 10 bằng những cơn mưa tầm tã, kéo ký ức của nhiều người con Hà thành trở về với mốc lịch sử thiêng liêng của 65 năm về trước: Ngày Thủ đô được giải phóng. Vào ngày 10-10-1954, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đoàn quân Việt Nam đã trở về trong khung trời phấp phới cờ đỏ sao vàng và trong vòng tay ấm áp của nhân dân Hà Nội giữa một ngày nắng đẹp đầy hoa. Tất cả cảnh sắc đó đã được nhiều nghệ sĩ kịp thời lưu giữ lại bằng những lời ca, ý nhạc của mình. Để rồi mãi chục năm sau khi người ta vô tình nhẩm lại những ca từ cũ vẫn cảm tưởng được như có lửa cháy hừng hực, tê tái, rần rật lan tỏa trong tim.

“Tiến về Hà Nội” – lời tiên đoán lịch sử của nhạc sĩ Văn Cao

Văn Cao (1923-1995) là một nghệ sĩ đa tài, ông thử sức trên nhiều lĩnh vực: Âm nhạc, truyện, thơ, hội họa... Nhưng người ta nhớ đến ông nhiều hơn với tư cách của một nhạc sĩ tài hoa, người thai nghén ra nhiều ca khúc để đời như: "Tiến quân ca", "Bến xuân", "Gò Đống Đa"... và “Tiến về Hà Nội”.

Nhạc sĩ Văn Cao

Cuối năm 1948, khi gặp nhau tại cuộc họp chi bộ của Liên khu 3, đồng chí Lê Quang Đạo đã gửi gắm Văn Cao rằng: "Nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".

Vậy là mùa xuân năm 1949, "Tiến về Hà Nội" ra đời. Bài ca nhanh chóng tạo được tiến vang, đặc biệt đây còn là khúc hát cổ vũ bộ đội và nhân dân địa phương trong đợt Pháp mở trận càn quét đánh lên Hòa Bình (1950). Nhưng cũng ngay sau đó, ca khúc bị cất đi do quan điểm được cho là chưa hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Mãi tới ngày Giải phóng Thủ đô, “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy lại.

Nhiều người nhận xét “Tiến về Hà Nội” là một lời tiên đoán lịch sử chính xác đến kỳ lạ.

Bởi, bài ca được viết theo thể loại hành khúc đã làm nổi bật không khí sôi nổi đầy khí thế của những người lính chiến thắng trở về. Người nghe có thể mường tượng ra nhịp hành quân xé gió, tiếng cười nói xôn xao, hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan. Tất cả những điều đó trùng khớp với những gì đã diễn ra vào ngày 10-10-1954.

Những người lính hồ hởi trở về Thủ đô trong khúc ca khải hoàn

Đặc biệt, hình ảnh trung đoàn tiếp quản Thủ đô đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng đúng với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã "vẽ": "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào..."

Sau này, ca khúc được yêu mến và vinh dự có mặt trong tất cả những mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Trở thành chứng nhân cho những năm thắng máu lửa, hào hùng của dân tộc.

Cảm xúc tháng mười”: Nỗi lòng dồn nén của hai tâm hồn yêu Hà Nội

Nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927-2013) sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), nhưng ông từng có 4 năm gắn bó với đất Kinh Kỳ nên từ lâu nhà thơ đã coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình.

Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới Hà Nội, Tạ Hữu Yên đã nhen nhóm trong lòng ý định viết về mảnh đất và con người nơi đây. Nhưng phải đến tận 20 năm sau ngày giải phóng Thủ Đô ước nguyện của ông mới được thực hiện.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành (trái) và nhà thơ Tạ Hữu Yên (phải)

Đó là vào năm 1974, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề Hà Nội - nhân 20 năm ngày giải phóng Thủ đô. Nhạc sĩ Nguyễn Thành đến "đặt vấn đề" với ông làm một bài thơ để mình phổ nhạc. Nhà thơ Tạ Hữu Yên nhận lời, ông lang thang khắp phố phường Hà Nội để nhặt nhặn từng mảnh ký ức về những ngày tháng cũ. Và, bài thơ rồi bài ca “Cảm xúc tháng mười” ra đời, đó là kết tinh của hai trí tuệ neo đậu trong một tâm hồn yêu Hà Nội.

Qua sự thể hiện của nghệ sĩ Kiều Hưng, bài ca tái hiện trọn vẹn cảnh sắc, không khí của mốc lịch sử thiêng liêng ấy: Trời thu trong xanh vời vợi, những nhịp trống rung động, hình ảnh từng đoàn quân tưng bừng khí thế trở về trong khúc ca khải hoàn, hình ảnh các mẹ rưng rưng nước mắt chào đón các con, ký ức về những ngày tháng gian khổ... Cứ như vậy, một sáng tác kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ và nhạc đã tạc khắc chân thực bức tranh ngày Thủ đô giải phóng lung linh bởi tình người cách mạng.

Sớm thu năm đó, "Khi đoàn quân kéo về mua thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”

Ca khúc "Cảm xúc tháng mười" đã được trao giải nhất trong cuộc thi năm đó rồi được chọn để phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Hàng triệu thư của thính giả gửi về Đài đề nghị được nghe lại tác phẩm.

Đến nay, dù hơn 40 năm trôi qua nhưng "Cảm xúc tháng mười" vẫn vang lên trong những dịp kỷ niệm lớn của Hà Nội, bài hát gợi nhớ về một thời hào hùng, khói lửa của Hà thành, qua những ca từ và giai điệu thiết tha, hùng tráng.

Hà Nội kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô bằng việc tái hiện ký ức

Mùa thu lịch sử đó còn được gói ghém, lưu giữ, trân trọng qua những sáng tác như: "Ngày về", "Người Hà Nội, "Lại về", "Nhớ về Hà Nội"... Tất cả như một bảo tàng ký ức lưu giữ lại linh hồn của Hà thành.

Theo dòng thời gian, những giai điệu, ca từ trên như một nhân chứng giúp thế hệ của thời bình hiểu sâu sắc hơn những giá trị lịch sử, thấm nhuần hơn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Tiếp nối mong muốn giữ gìn lại ký ức đó, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã tổ chức chương trình "Ký ức mùa thu" từ ngày 4-10 đến ngày 10-10 tại Hoàng thành Thăng Long nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, nhân chứng lịch sử.

Điểm nhấn của chương trình là hoạt động tái hiện lại lễ chào cờ lịch sử tại sân Đoan Môn (vị trí đoàn quân giải phóng thực hiện lễ chào cờ khi tiếp quản Thủ đô năm xưa). Lễ chào cờ sẽ gồm các hoạt động: Rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng; chương trình văn nghệ “Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử”.

Ngoài ra, chương trình “Ký ức mùa thu” còn có giới thiệu đến công chúng 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, trưng bày kể lại câu chuyện lịch sử của Hà Nội trong những năm trường kỳ gian khổ đến hành trình tiến về giải phóng Thủ đô.

Cũng trong dịp này, Ban tổ chức còn ra mắt cuốn sách ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” do Nhà sử học Dương Trung Quốc chủ biên và giới thiệu.

Đây chính là sự nỗ lực của thành phố để thế hệ trẻ của Thủ đô ngày hôm nay có thể tiếp nối được truyền thống hào hùng của dân tộc. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn có thể quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh về một đất nước xinh đẹp có lòng tự tôn với chính quá khứ của mình.