“Giữ hồn” tranh Hàng Trống

ANTĐ - Nhắc đến Tết, những người hoài cổ thường tìm đến tranh Hàng Trống. Giữa phố phường rộn rã, dòng tranh dân gian đặc sắc một thời đất Kẻ Chợ dường như lặng lẽ hơn trong ngôi nhà của những người hoài cổ.

“Giữ hồn” tranh Hàng Trống ảnh 1Tranh Hàng Trống chỉ còn trong ký ức của những người yêu tranh 

Bỏ hàng chục triệu đồng chơi tranh

Cách đây 1 năm khi có dịp đến căn nhà của nghệ nhân Lê Đình Nghiên trên phố Cửa Đông - người được coi là truyền nhân duy nhất của dòng tranh Hàng Trống, chúng tôi gặp chị Trịnh Thu Trang, người tự nhận mình bị hớp hồn bởi dòng tranh dân gian này. Tranh Hàng Trống có một sức hút kỳ lạ đối với chị từ khi còn nhỏ, mặc dù chị chỉ được chiêm ngưỡng những: “Lý ngư vọng nguyệt”, “Tứ bình”… trên những trang sách giáo khoa. Chị cho rằng, hiếm có dòng tranh dân gian nào lại có được màu sắc rực rỡ, tươi tắn, sống động đến như vậy. Vậy là, chị quyết tâm bỏ hẳn công việc thiết kế đồ họa đang làm để thuyết phục nghệ nhân Lê Đình Nghiên truyền dạy kỹ thuật làm tranh.

Thế rồi, dăm lần gợi ý chị đều nhận được cái lắc đầu từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông cho rằng, việc truyền dạy không thể một sớm một chiều, nếu không thực sự coi nó là “nghề” thì sẽ khó lòng theo đuổi được. Việc học không thành, nhưng xót xa trước việc dòng tranh dân gian này đang ngày một biến mất, chị nài nỉ ông Nghiên vẽ cho chị những tuyệt phẩm của tranh Hàng Trống để giữ lại. Thế là những “Tố nữ”, “Thất đồng”, “Tùng cúc trúc mai”… lần lượt ra đời. Những bức tranh có giá thành không hề nhỏ, bức lớn nhất là “Tứ phủ công đồng” có kích thước 1m x1,3m lên tới 6 triệu đồng. Giờ đây trong bộ sưu tập của chị có trên 20 bức tranh lớn nhỏ.

Chị Trang chia sẻ: “Có được số tranh này không đơn giản vì bác Nghiên nay đã lớn tuổi, vẽ không nhiều, nên chỉ khi ai đó cần thì bác mới vẽ”. Bởi vậy, có được bức nào là chị cẩn thận gói trong giấy báo cũ, dùng túi hút ẩm để bảo quản, vì tranh làm bằng giấy dó, dễ bị mốc khi trời nồm. Bao nhiêu đó, chị lại tự tổ chức triển lãm cá nhân để cho bạn bè, những người yêu tranh Hàng Trống đến cùng xem, chiêm ngưỡng. Triển lãm tuy không lớn, nhưng thực sự là nơi những người yêu dòng tranh dân gian này tìm về, để sống lại những ký ức xa xưa của nghệ thuật làm tranh độc đáo bậc nhất đất kinh kỳ. 

Vắng bóng tranh cổ

Được biết đến là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về tranh Hàng Trống, họa sỹ Phan Ngọc Khuê rất trăn trở trong việc bảo tồn và giữ gìn dòng tranh nổi tiếng này. Ông cho biết, tranh Hàng Trống có nguồn gốc từ tranh tôn giáo, có đặc tính là nét rất thanh mảnh, trau chuốt, tạo hình vừa chỉn chu vừa phóng khoáng, màu sắc tươi sáng, sống động. 

Đầu thế kỷ XX được coi là giai đoạn thịnh của dòng tranh này khi rất nhiều gia đình ở khu vực Hàng Trống, Hàng Nón… làm tranh. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người duy nhất còn giữ được kỹ thuật làm tranh theo bản khắc tranh cổ có từ thế kỷ trước. Trước nguy cơ suy tàn của dòng tranh này, ông cho biết, mặc dù hiện nay có nhiều họa sỹ tìm tòi vẽ tranh Hàng Trống theo lối mới, nhưng vẫn chỉ vẽ theo cảm giác chứ để truyền tải được cái hồn cốt của dòng tranh này như các nghệ nhân xưa đã làm thì chưa thể. Thế nên những người yêu tranh chỉ tìm đến duy nhất xưởng của ông Lê Đình Nghiên để sở hữu những tác phẩm được coi là chính gốc. Ông cũng cho biết, do không ý thức được giá trị của tranh Hàng Trống, nên thuở trước, nhiều gia đình chỉ coi đó là sản phẩm thời vụ, hết một năm lại bỏ đi mua tranh mới để bày, không có ý thức giữ gìn, bởi vậy bị thất lạc khá nhiều. 

Những bức tranh cổ quý giá có cơ may được “cứu” nhờ những người âm thầm sưu tập tranh. Họa sỹ Phan Ngọc Khuê kể, cách đây 3-4 năm, một nhà sưu tập rất có tâm huyết là Phạm Đức Sỹ tìm đến nhờ ông giúp đỡ để mở triển lãm riêng về tranh Hàng Trống. Bộ sưu tập của anh lên tới hàng trăm bức tranh Hàng Trống, từ những bức tranh cổ có tuổi đời đến 100 năm mà anh lặn lội sưu tập từ trong các đình, chùa đến những tác phẩm trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, “gia tài” mà những người như anh Sỹ hay chị Trang có trong tay cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với bề dày lịch sử hàng trăm năm của dòng tranh này. Họa sỹ Phan Ngọc Khuê ngậm ngùi: “Tìm được những người như thế thật là khó, vì hầu hết những người sưu tập tranh Hàng Trống lại mua tranh về như một thứ “tài sản” để trong nhà chứ không có ý định mang đi trưng bày phục vụ công chúng. Và dần dần, tôi e rằng giới trẻ, thế hệ sau quên mất Việt Nam có một dòng tranh độc đáo, hiếm có đến như vậy”.