Giữ gìn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cần có sự thống nhất

ANTD.VN -  Đó là quan điểm của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra tại phần thảo luận về dự án Luật Kiến trúc diễn ra tại hội trường Quốc hội vào chiều nay 21-5.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, UBTV Quốc hội thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật như Tờ trình của Chính phủ điều chỉnh về 2 nhóm chính sách, bao gồm Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc là phù hợp, đã bao quát được các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng luật này.

“Để tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và hành nghề kiến trúc” , Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nói.

ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) phát biểu thảo luận

Bày tỏ quan điểm thống nhất với phạm vi điều chỉnh, ĐB Trần Văn Mão (Đoàn ĐBQH Nghệ An) cũng cho rằng, như vậy sẽ phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý kiến trúc trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Cơ bản nhất trí với dự thảo luật, tuy nhiên theo ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) hiện vẫn còn nhiều điều chưa được luật hóa, vẫn có nhiều điều vẫn giao cho Chính phủ quy định.

ĐB Trần Văn Tiến đề nghị cần “luật hóa” các quy định để quy định thẳng vào trong luật. Đồng tình với phạm vi điều chỉnh song ĐB Trần Văn Tiến đề nghị cần bổ sung quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Đặc biệt trong vấn đề quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa.

ĐB Trần Văn Tiến cho rằng, luật quy định giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý.

Như vậy, các tỉnh có thể ban hành các tiêu chuẩn kiến trúc theo đặc trưng của tỉnh mình. Trong khi đó nước ta có nhiều dân tộc sinh sống tại các tỉnh, thành. Nếu tỉnh thành nào cũng ban hành tiêu chuẩn kiến trúc thì liệu kiến trúc Việt Nam có thống nhất? do đó cần nghiên cứu vấn đề này.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (ĐBQH tỉnh Hậu Giang) phát biểu thảo luận

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho rằng, quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa là cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì nhiều công trình có giá trị nhưng trải qua thời gian bị xuống cấp, thậm chí bị xâm hại do đó rất cần quản lý Nhà nước với công trình này bởi đây là vấn đề vừa quan trọng, vừa cấp bách.

Tuy nhiên theo bà Thủy, việc giao cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý sẽ không khả thi, thiếu thống nhất.

"Do đó, nên giao cho Chính phủ quy định thống nhất vì Chính phủ có các bộ ngành chủ quan tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề này vì vấn đề văn hóa dân tộc đòi hỏi chuyên môn sâu, nhất là nước ta có nhiều dân tộc, việc thống nhất giao cho Chính phủ quy định sẽ tránh được việc sao chép kiến trúc ngoại lai", ĐB Thuỷ nói.