"Giọng hát hay Hà Nội" sẽ "để mắt" tới nhạc nhẹ có yếu tố giải trí, nhạc Bolero

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đó là một trong những nét thú vị của cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2020” vừa được Sở VH&TT Hà Nội phát động.

Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, cuộc thi âm nhạc uy tín và chuyên nghiệp đầu tiên đã chính thức được phát động, đó là “Giọng hát hay Hà Nội 2020”. Đây là một trong những hoạt động chính nhằm hướng tới kỷ niệm 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Sân chơi này được tổ chức 2 năm/ lần dành cho những người yêu ca hát trong độ tuổi từ 16 đến 35 đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Hồng Nhung và Mỹ Linh là hai trong số nhiều giọng ca thành danh từ sân chơi "Giọng hát hay Hà Nội"

Cuộc thi được biết đến là là “bệ phóng” giúp nhiều ca sỹ thành danh trong nhiều năm qua như: “Bống” Hồng Nhung (giải nhất “Giọng hát hay Hà Nội 1987”), Mỹ Linh (giải nhì “Giọng hát hay Hà Nội 1993”), Trọng Tấn (giải nhất “Giọng hát hay Hà Nội năm 1997”), Tùng Dương (giải nhất “Giọng hát hay Hà Nội 2003”) … Năm 2014, sân chơi này trở lại sau 10 năm vắng bóng với sự lên ngôi của ca sỹ Tiến Hưng. Ngay sau đó, chàng ca sỹ có giọng hát rất đẹp này đã đăng quang Á quân cuộc thi “Sao Mai 2015” ở dòng nhạc thính phòng. 2 năm sau đó,  giải Nhất ở “Giọng hát hay Hà Nội 2016” Nguyễn Thu Thủy cũng đã tiếp tục đi thi và giành ngôi vị Quán quân “Sao Mai 2017” dòng nhạc nhẹ.

Chia sẻ về cuộc thi, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, bên cạnh ý nghĩa là phong trào khuyến khích các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quần chúng, cuộc thi còn nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần định hướng thẩm mỹ trong giới trẻ Thủ đô. Cũng theo ông Tô Văn Động, do địa điểm tổ chức mọi năm là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đang sửa chữa sau sự cố bị cháy cuối năm ngoái nên “Giọng hát hay Hà Nội” năm nay sẽ diễn ra tại Nhà văn hóa - Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nói thêm, nếu đạt giải nhất, thí sinh sẽ có phần thưởng là 50 triệu đồng. Đây là phần thưởng theo quy định Nhà nước nên sở VH, TT Hà Nội để ở mức này. Tuy nhiên trong quá trình cuộc thi diễn ra, Sở vẫn sẽ kêu gọi nhà tài trợ để các thí sinh sẽ có những phần thưởng cao hơn. Ngay sau khi đêm chung kết, 10 thí sinh hát hay nhất và nhiều ca sĩ đã thành danh từ các lần thi “Giọng hát hay Hà Nội” sẽ được mời tham gia biểu diễn trên sân khấu trong chương trình hướng đến kỷ niệm 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, các thí sinh lọt vào Top 10 “Giọng hát hay Hà Nội 2020” sẽ được trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội ưu tiên tuyển chọn.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi còn là cơ hội đẩy mạnh thông tin đối ngoại, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội, giới thiệu những thành tựu của công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước đến bạn bè quốc tế, đồng bào ta ở nước ngoài. Đồng thời, sân chơi được kỳ vọng tạo ra cầu nối giữa các thế hệ, từ những người đã trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng Thủ đô cho tới cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đến thế hệ trẻ ngày nay, nhằm tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu mà các thế hệ đi trước đã truyền lại, khích lệ lòng tự hào về Thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình.

Tiết lộ về những gương mặt sẽ “cầm cân nảy mực” tại cuộc thi lần này, đại diện Ban tổ chức cho biết, đây đều là những nghệ sĩ, tên tuổi uy tín và nổi tiếng như: nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Xuân Phương, nhạc sĩ Huy Tuấn, nhạc sĩ Giáng Son, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Dương Hoàng Yến, nhà báo Ngô Bá Lục. Đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cuộc thi là nhạc sĩ Vũ Quốc Bình. Theo kế hoạch, đêm chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 7-10-2020 tại Nhà Văn hóa - Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Cuộc thi năm nay cũng nâng tổng giá trị giải thưởng lên tới 150 triệu đồng. Ngoài giải Nhất, Nhì, Ba thì Ban giám khảo cũng sẽ chọn ra 1 giải “Bài hát về Hà Nội hay nhất” và 4 giải khuyến khích.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và nhạc sĩ Giáng Son

Giữ vai trò giám khảo cuộc thi, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ, đây là một cuộc thi có tiếng ở Hà Nội, là cái nôi đào tạo ra nhiều ca sĩ có tiếng của Việt Nam và nét khác biệt của cuộc thi này  so với các sân chơi âm nhạc khác chính là sự bài bản, chuyên nghiệp và khích lệ những giọng ca có nội lực thật sự, có khả năng cống hiến cho nền âm nhạc Thủ đô nói riêng và nhạc Việt nói chung. Cũng theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, thị trường âm nhạc hiện nay rất đa dạng và sôi động nên các thí sinh có nhiều sự lựa chọn ca khúc để biểu diễn, quan trọng là phải chọn được đúng bài hát phù hợp với chất giọng của mình. Vị nhạc sĩ gạo cội khẳng định, trong một số cuộc thi, ông thấy nhiều thí sinh biểu diễn không đạt yêu cầu là do không chuẩn bị kỹ khâu lựa chọn ca khúc. Năm nay, “Giọng hát hay Hà Nội 2020” sẽ chú ý đến cả những ca khúc nhạc nhẹ có yếu tố giải trí và cả tác phẩm dự thi thuộc thể loại Bolero.

Ca sĩ Tấn Minh và nhà báo Ngô Bá Lục tham gia chấm chọn tại cuộc thi "Giọng hát hay Hà Nội 2020"

Nói thêm về điều này, nhà báo Ngô Bá Lục – giám khảo cuộc thi cho biết, trên thực tế cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội 2018” cũng đã có một số thí sinh chọn hát Bolero và lọt vào vòng bán kết nhưng chưa ai đủ “ngọt” để lọt sâu vào vòng chung kết. Cũng theo nhà báo Ngô Bá Lục, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa có cuộc thi âm nhạc nào diễn ra cho tới khi Sở VH&TT Hà Nội quyết định đứng ra tiếp tục tổ chức sân chơi này. Điều này có lẽ sẽ khiến số lượng thí sinh tham gia dự thi đông hơn trước. Minh chứng là ngay khi Ban tổ chức vừa đăng tải thể lệ cuộc thi lên Fanpage chính thức thì đã có tới hơn 100 bạn trẻ “inbox” để đăng ký. Vì vậy khả năng cuộc thi năm nay sẽ vượt qua con số hơn 600 thí sinh dự thi năm 2018.

Cũng góp mặt trên “ghế nóng” của “Giọng hát hay Hà Nội 2020”, nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ, việc chọn bài rất quan trọng với thí sinh bởi chị cho rằng “bài hát có thể cũ nhưng cần phải có sự sáng tạo”. Sự sáng tạo mà tác giả “Giấc mơ trưa” nhắc đến nằm ở nhiều khâu: từ hòa âm phối khí, cách xử lý hát trong từng câu chữ. Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ, chị cũng như các thành viên trong Ban giám khảo chắc chắn không muốn nghe hay xem lại một “bản sao” khi thí sinh trình diễn tiết mục dự thi của họ. Vì vậy, nữ nhạc sĩ mong muốn các thí sinh dự thi năm nay mạnh dạn chọn thể hiện các bài hát mới và cần tham khảo sự tư vấn trước khi chọn bài.