Giới họa sỹ Việt và những bê bối "để đời"

ANTD.VN - Trong vài năm gần đây, mỹ thuật Việt Nam đã chứng kiến các scandal chấn động làm hình ảnh về giới tạo hình trở nên lệch lạc trong con mắt công chúng, thậm chí khiến chính những người gắn bó cả cuộc đời với nghề "ê mặt".

Tranh giả bày công khai tại Bảo tàng Mỹ thuật

Theo nhận định của họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, giới tạo hình thường Việt Nam thường ít gây sốc với công chúng. Các cuộc triển lãm diễn ra trong không khí vui vẻ và thường lặng lẽ. Rất hiếm có một sự kiện mỹ thuật nào hút người xem theo lối câu khách, giật gân. Trái lại, do đặc thù về tính cách, nên giới tạo hình thường thích tụ tập theo từng nhóm và giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Đúng hơn, các họa sỹ Việt khá lành và vì vậy, việc xảy ra các scandal luôn làm chấn động những người làm nghề và công chúng. Đồng thời đó cũng là những cú sốc để những ai đang gắn bó với nghề có thêm kinh nghiệm đối phó với các vấn nạn đang tồn tại của mỹ thuật Việt.

Có thể kể đến scandal của triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” năm 2016. 17 tác phẩm hội họa mang danh các họa sỹ Đông Dương nức tiếng như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái… của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã bị tố là tranh giả. Chưa kể, triển lãm lại được diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một địa điểm uy tín và đầy tin cậy của những người chơi tranh.

Họa sỹ Thành Chương lên tiếng tố tranh giả tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu"

Dù trước khi bày tranh, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã thành lập hội đồng thẩm định nhưng điều ngạc nhiên là các bức tranh giả vẫn lọt được qua. Thậm chí, nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung đã to tiếng với họa sỹ Thành Chương ngay tại phòng triển lãm để bảo vệ số tranh ông mang về từ các cuộc đấu giá quốc tế là thật.

Sự việc trở nên căng thẳng và lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, phê bình, họa sĩ đã phải vào cuộc. Các chuyên gia đã tiến hành thẩm định và khẳng định, toàn bộ số tranh này là giả. 17 bức tranh này sau đó đã bị thu hồi.

Dù vậy, scandal này vẫn luôn được giới mỹ thuật nhắc đến như một sự hổ thẹn của những người làm nghề. Bởi sự giả dối đã được công khai bộc lộ tại một trong các bảo tàng mỹ thuật uy tín nhất cả nước.

Ồn ào một phiên đấu giá tranh từ thiện

Những dư âm về tranh giả, tranh nhái chưa lắng xuống thì cũng trong năm 2016, một bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái mang tên “Phố cổ Hà Nội” được đem ra đấu giá tại một buổi gây quỹ từ thiện cũng bị tố là giả. Số tiền mà bức tranh này được trả là 102.000 USD. 

Chính con trai họa sỹ Bùi Xuân Phái - Họa sỹ Bùi Thanh Phương đã lên tiếng tố bức tranh được đấu giá không phải tranh của cha ông. Họa sĩ Bùi Thanh Phương cho hay cha ông chưa từng vẽ bức tranh nào như thế và khẳng định bức tranh không phải tranh nhái mà hoàn toàn là một bức được người khác vẽ giả tranh của cha ông.

Bức tranh "Phố cổ Hà Nội" được cho là nhái tranh họa sỹ Bùi Xuân Phái

 Và cũng giống như triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”, sự việc lại nhanh chóng chìm vào im lặng. Tuy nhiên, những ồn ào liên quan tới bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của họa sỹ Bùi Xuân Phái lại dấy lên dư luận về chất lượng thẩm định tại các phiên đấu giá trong nước.

Nhà báo Nguyễn Trọng Chức - Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Nếu chưa lập được hội đồng chuyên môn thẩm định vẫn có thể mời đội ngũ tư vấn như người nhà của họa sĩ quá cố, các họa sĩ am hiểu. Ai cũng biết tranh Bùi Xuân Phái ở nước ngoài bị rớt giá thê thảm vì những scandal tranh giả, đến nỗi các sàn đấu giá “cạch mặt”, không đụng tới. Cho nên, tôi cho rằng ở bất cứ cuộc đấu giá nào thì các ban tổ chức phải hết sức cẩn trọng trong khâu thẩm định tranh”.

Giới họa sỹ Hà Nội đồng loạt lên tiếng

Sau những scandal về tranh giả thì gần đây nhất, giới họa sỹ Hà Nội đã đồng loạt lên tiếng về vấn nạn tranh nhái đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các họa sỹ chân chính. Sự việc bắt đầu từ bức tranh của họa sỹ Đặng Tiến bị một trang web sao chép lại và bày bán công khai trên mạng. Trước vụ việc này, giới họa sỹ cảm thấy phẫn nộ và đã tụ họp để cùng nhau nói lên tiếng nói chống lại nạn sao chép tranh. Trong đó có thể kể đến các tên tuổi như: Thành Chương, Phạm Văn Hải, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng…

Họa sĩ Thành Chương bức xúc cho biết, tình trạng tranh chép, tranh giả của các họa sĩ tồn tại tới nay hơn 30 năm, từ khi đất nước đổi mới và khi các họa sĩ bắt đầu sống được bằng tranh. Tranh chép, tranh giả đã làm thiệt thòi cho cả nền mỹ thuật của dân tộc, làm hình ảnh mỹ thuật Việt Nam xấu đi trong mắt những nhà sưu tập tranh thế giới và đây là cái giá đắt vô cùng với giới làm nghệ thuật vì danh tiếng biết bao đời mới gây dựng được.

Bức tranh "Dư âm phố cổ" của họa sỹ Phạm An Hải

Dù việc lên tiếng của các họa sỹ chỉ như muối bỏ biển thì một gợn sóng nổi lên cũng sẽ mang tới niềm hy vọng cho giới họa sĩ, trong việc đẩy lùi nạn sao chép các tác phẩm nghệ thuật một cách vô tội vạ như hiện nay.

Với một vài scandal được chỉ ra cũng có thể thấy, mỹ thuật Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì thế, sự ra đời của các nghị định để chấn chỉnh hoạt động mua bán tác phẩm, đấu giá tác phẩm là vô cùng cần thiết. Chỉ khi nào nạn tranh giả, tranh chép được đẩy lui, khi ấy, giá trị đích thực của các tác phẩm Việt Nam mới được trả về vẹn nguyên.