Gian nan đãi cát tìm vàng

(ANTĐ) - Không chỉ là ngày hội của những người yêu sân khấu kịch nói, “Liên hoan tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc” đang diễn ra tại thành phố Hải Phòng còn là dịp để kiếm tìm các tài năng nghệ thuật trẻ. Chưa đến hồi kết song xem ra cuộc hành trình “đãi cát tìm vàng” còn lắm gian nan...

Gian nan đãi cát tìm vàng

(ANTĐ) - Không chỉ là ngày hội của những người yêu sân khấu kịch nói, “Liên hoan tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc” đang diễn ra tại thành phố Hải Phòng còn là dịp để kiếm tìm các tài năng nghệ thuật trẻ. Chưa đến hồi kết song xem ra cuộc hành trình “đãi cát tìm vàng” còn lắm gian nan...

“Đất diễn” -  rộng mà vẫn hẹp

Nhìn vào danh sách 30 vở kịch được các thí sinh chọn để trình diễn có thể nhận thấy sự đa dạng phong phú về thể loại đề tài từ truyền thống lịch sử đến cách mạng, dân gian, cổ điển, đương đại...

Song, phần lớn đều là những vở cũ đã từng nổi tiếng trên sân khấu: Ngôi nhà quỷ ám, Mùa hạ cay đắng, Đứa con người lính, Chàng ngố đòi nợ Phật... Cá biệt hơn có vở “Chí Phèo” cùng lúc được cả 5 thí sinh chọn thể hiện, trong đó riêng Đoàn kịch nói Hải Phòng có tới 2 thí sinh cùng dự thi tiết mục này.

Sự trùng lặp ấy khiến người ta có cảm giác đây là cuộc so tài đấu trí của các đạo diễn trong việc làm mới vở cũ nhiều hơn là dịp để khoe tài diễn xuất của các tài năng trẻ.

Với việc nới lỏng phạm vi đề tài sang cả những kịch bản có xuất xứ nước ngoài, Liên hoan năm nay cũng không thể không kể đến các kịch bản: Âm mưu và tình yêu, Lôi Vũ, Mêđê, Thần tượng... Chưa bàn đến diễn xuất của diễn viên thì sự xuất hiện của những vở diễn này đã ít nhiều đem lại luồng sinh khí mới cho cả người diễn, người xem lẫn người chấm thi. Song ngoại trừ vở “Mêđê” do NSƯT Anh Tú đạo diễn lần đầu được thể nghiệm trên sân khấu thì các vở còn lại đều... không mới.

Thú vị là ở chỗ, nghệ sỹ Kim Oanh với vai diễn Mêđê mới toanh lại tỏ ra “giàu” đất diễn hơn các bạn cùng thi khác. Cùng với đó một số ít thí sinh cũng mạnh dạn thử sức mình với vai diễn từng thành công ở loại hình sân khấu trong nước khác như: Cung Phi Điểm Bích (cải lương), Đát Kỷ, Ông già cõng vợ đi hội (tuồng)...

Kim Oanh đã lôi cuốn được người xem với vai diễn Mêđê
Kim Oanh đã lôi cuốn được người xem với vai diễn Mêđê

Thi tài năng hay thi... khóc?

Tính đến thời điểm này đã có 20 trên tổng số 30 tiết mục dự thi được đưa ra trình diễn, song phần lớn đều là những màn biểu hiện cảm xúc bi thương và cao trào bao giờ cũng là nước mắt. Tuy nhiên không phải vai diễn nào cũng khiến người xem xúc động, mà ngược lại đôi khi tạo ra hiệu ứng mệt nhọc và nặng nề. Có những màn nước mắt kéo dài lê thê tới gần 7 phút khiến không khí nặng nề bao trùm cả khán phòng...

Mặc dù không thể phủ nhận việc lột tả tâm trạng bằng nước mắt có thể giúp thí sinh phô bày tài diễn của mình khi đứng trên sân khấu. Song đó chỉ là một cách chứ không phải tất cả và cũng không có nghĩa không khóc lóc quằn quại được tức là không có tài năng. Nói vui như NSND Trọng Khôi thì “có những người khóc đấy nhưng sẽ không có giải đâu, có khi còn khóc tiếp vì... không có giải”.

Có lẽ vì thế mà khi được xem tiết mục dự thi “Thần tượng” của Đoàn kịch nói Quân đội, nhiều người cứ tấm tắc khen kịch bản nước ngoài hay và... dễ thở dù diễn xuất của diễn viên còn mờ nhạt - bởi đó  là một vai diễn đòi hỏi diễn biến giằng xé nội tâm song lại chẳng hề bị nhúng ướt vì nước mắt.

Không có chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Trong số 7 thành viên ngồi ở vị trí cầm cân nảy mực tại cuộc thi lần này, ngoại trừ NSND Xuân Huyền, NSND Doãn Hoàng Giang và NSND Trần Minh Ngọc thì 4 thành viên còn lại đều đại diện cho các đơn vị nghệ thuật có thí sinh dự thi là: NSND Lê Hùng, NSND Lê Khanh (Nhà hát Tuổi trẻ), NSƯT Lan Hương (Nhà hát kịch Việt Nam), NSND Hoàng Dũng (Nhà hát kịch Hà Nội).

Đặc biệt riêng NSND Lê Hùng còn đồng thời tham gia dàn dựng 5 tiết mục dự thi cho một số đoàn nghệ thuật khiến dư luận e ngại về tính chính xác khách quan của việc chấm thi. Tuy nhiên theo đại diện Ban giám khảo thì điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến công tác chấm thi, đồng thời sẽ không có bất kỳ sự thiên lệch thiên vị hay chiếu cố nào cả.

Bởi theo quy chế chung đặt ra cho Hội đồng giám khảo thì  thành viên nào tham gia dàn dựng vở diễn nào đó thì sẽ không có quyền đóng góp ý kiến vào việc nhận xét đánh giá tiết mục đó để đảm bảo tính khách quan.

Hơn nữa kết quả chấm thi cuối cùng phụ thuộc vào số đông 7 người chứ không riêng gì một ai. “Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để không xảy ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi!” -  NSND Trần Minh Ngọc khẳng định.

Chính bởi thế nên Liên hoan lần này cũng sẽ không có chuyện “sống lâu lên lão làng” hay phân biệt giữa diễn viên Trung ương với diễn viên địa phương. Và điều quan trọng nữa như lời khẳng định ban đầu của Ban tổ chức về việc sẽ không có “mưa” giải thưởng mà thực sự đáng vàng thì mới cho vàng.          

Bích Hậu