Giải mã "mật ngữ" ở làng cối Đa Chất

ANTD.VN - Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km, làng cối Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội) có một hệ thống “mật ngữ” cực kỳ độc đáo hay còn gọi là tiếng lóng. Tiếng lóng Đa Chất thuộc vào 1.739 di sản văn hóa mà Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhận diện cần khôi phục và bảo vệ trước nguy cơ đang bị mai một dần.

Độc đáo trong hệ thống “mật ngữ”

Tiếng lóng Đa Chất còn được gọi với tên khác là “Tõi sưỡn” (nói lóng). Cùng với nghề truyền thống của làng là đóng cối tre thì ngôn ngữ “tõi sưỡn” cũng ra đời theo. 

Trước kia, dân làng nghèo nên các thợ đóng cối làng phải ra ngoài tìm kiếm việc làm. Họ thường đi làm xa và ở luôn tại nhà chủ cho tiện việc đi lại. Để phục vụ cho việc sinh hoạt và giữ bí quyết nghề với khách hàng nên họ đã hình thành và hiểu với nhau trong một hệ thống ngôn ngữ riêng. Những tiếng lóng đầu tiên chủ yếu được các thợ cối sử dụng để nhắc nhở nhau trong cách sinh hoạt, ăn mặc, trong việc giữ gìn đồ đạc, tiết kiệm nguyên liệu và bàn bạc nhanh về giá cả, công xá làm việc: xảo vụ sởn xấn vụ đây (thợ cối đi đóng cối đây), cái bệt dạc, dừa êm, đen tanh thôi (cái nhà này nghèo, bụng nó tốt, chỉ lấy 3 đồng thôi), xảo bờm (trộm đấy)… 

Lâu dần, người dân làng sử dụng để nhắc nhở nhau trong tiếp khách sao cho thật chu đáo, để khách không biết thực tế hoàn cảnh của gia đình mình, giữ ấn tượng tốt với khách. Với người dân Đa Chất thì thể diện rất quan trọng. 

Thít (ăn), mận hồng (tiết canh), bệt thuôn (nhà ấy tốt), cối tre (vụ)… là một số từ tiếng lóng thông dụng ở Đa Chất. Trong câu nói hàng ngày thì người dân sẽ lồng cả tiếng Việt với tiếng lóng.

Tiếng lóng Đa Chất có 3 đặc trưng lớn là: nói nhanh; không thể biến thành ngôn ngữ văn học và chỉ học được qua tình huống cụ thể. Để thuận tiện cho sinh hoạt và giữ bí quyết làm nghề nên tiếng lóng được nói nhanh cho người ngoài không kịp nghe hoặc không chú ý đến nội dung. Nếu có ai hỏi lại thì ý câu nói sẽ được chuyển sang hướng khác. Để tránh sự chú ý, người nói đôi khi thêm cả tiếng Việt và tiếng lóng.

Tiếng lóng mang chức năng thông tin là chính nên không thể chuyển thành ngôn ngữ văn học. Vì vậy, các tính từ bày tỏ thái độ xuất hiện nhiều: trẩm (đừng, xấu, không nên), choáng (đẹp), chổi (chớ, đừng)…

Sinh ra từ nghề làm cối tre nên tiếng lóng được truyền dạy và học hỏi trong các tình huống cụ thể. Người ngoài vào làng rất khó có thể nghe, hiểu và nói trôi chảy tiếng lóng nơi đây. Dâu, rể lâu năm của làng thì có khi chỉ biết từ nhưng không thể ghép thành một câu hoàn chỉnh.

Giải mã "mật ngữ" ở làng cối Đa Chất ảnh 2Những người dân ở Đa Chất đến bây giờ vẫn nói chuyện với nhau bằng “mật ngữ”

Nguy cơ mai một 

Theo chia sẻ của chính quyền và người dân nơi đây thì nét đặc trưng văn hóa tinh thần này đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Số lượng người dân Đa Chất nói thuần thục tiếng lóng còn rất ít, chủ yếu là các cụ già, đàn ông. Trong khi các cụ đều ở tuổi lão làng, trí nhớ không còn minh mẫn nữa. Phụ nữ và trẻ em ít sử dụng tiếng lóng mà chủ yếu sử dụng tiếng Việt. Đặc biệt, thanh niên trong làng sử dụng “tõi sưỡn” với mục đích chỉ để trêu ghẹo, nói xấu… Điều này đã và đang trở thành nỗi trăn trở của các bậc cao niên tha thiết gìn giữ tài sản mà ông cha mình để lại. 

Ông Nguyễn Văn Sớm, người dân thôn Đa Chất ngậm ngùi “Muốn để lại di sản tiếng lóng cho con cháu, nhưng không mở lớp được, chỉ có gia đình dạy cho con cháu hiểu biết về sau, để giữ gìn thì mình nói một số câu cần dùng để viết lại, không có thì thôi, phải có người truyền mới biết được”.

Tiếng lóng có nguy cơ không còn được biết đến ngay cả trong cộng đồng làng. Cùng một lúc, hai di sản văn hóa phi vật thể là nghề thủ công cối xay lúa và ngữ văn truyền khẩu tiếng lóng ở Đa Chất có nguy cơ mai một.

Giải mã "mật ngữ" ở làng cối Đa Chất ảnh 3Nghề đóng cối tre ở Đa Chất thuở nào đã mai một

Gìn giữ cho mai sau

Trước nguy cơ mất đi một di sản văn hóa tinh thần, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã nghiên cứu và đề nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa tiếng lóng làng Đa Chất vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và diện ưu tiên bảo vệ khẩn cấp.

Đây là một trong những di sản văn hóa mang tính truyền miệng. Nếu không được thực hành thường xuyên thì rất dễ bị mai một. Việc văn bản hóa di sản truyền khẩu này thông qua việc ghi âm, xây dựng từ điển hay làm các bộ phim là cách hữu hiệu để bảo vệ ngôn ngữ tiếng lóng.

Người dân Đa Chất hiện nay cũng thành lập câu lạc bộ giao lưu về nghề truyền thống xưa làm cối tre. Đó chính là môi trường để tiếng lóng được thực hành lại không chỉ giữa các thợ cối với nhau mà còn tạo cơ hội cho giới trẻ học hỏi. Việc nhận diện giá trị di sản sẽ khuyến khích những người trẻ tuổi tìm hiểu, trải nghiệm và yêu thích, tự hào tiến tới duy trì tài sản qua thực hành. Bởi không ai khác, chính những người dân Đa Chất mới là những người sáng tạo, kế thừa, phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa của mình.

Tiếng lóng có nguy cơ không còn được biết đến ngay cả trong cộng đồng làng Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội). Cùng một lúc, hai di sản văn hóa phi vật thể là nghề thủ công cối xay lúa và ngữ văn truyền khẩu tiếng lóng ở Đa Chất có nguy cơ mai một.