"Giai điệu mùa thu" ngợi ca Tổ quốc

ANTĐ - Diễn ra tại sân Mỹ Đình, dự kiến đón khoảng 27 nghìn khán giả vào cửa miễn phí, chương trình hòa nhạc hoành tráng nhất từ trước tới nay với tên gọi “Giai điệu mùa thu” kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, sẽ diễn ra vào 20h ngày 26-8. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Ngô Hoàng Quân, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn về đêm nhạc đặc biệt này.
"Giai điệu mùa thu" ngợi ca Tổ quốc ảnh 1

90 nhạc công, 200 diễn viên hợp xướng biểu diễn

- PV: Xin ông cho biết chương trình hòa nhạc “Giai điệu mùa thu” có gì khác với các chương trình giao hưởng thính phòng từng tổ chức trước đây?

- Ông Ngô Hoàng Quân: “Giai điệu mùa thu” là chương trình hòa nhạc đặc biệt, có quy mô lớn, với sự tham gia của 90 nhạc công và 200 diễn viên hợp xướng. Khác với các chương trình giao hưởng, thính phòng như thông lệ, nội dung chương trình lần này gồm các tác phẩm nổi tiếng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, do nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam sáng tác. Các tác phẩm trong chương trình ca ngợi Đảng Cộng sản quang vinh, Bác Hồ kính yêu, ngợi ca đất nước Việt Nam, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất vượt mọi khó khăn, gian khổ của dân tộc Việt Nam. Chương trình do nhạc trưởng Honna Tetsuji - Giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, nghệ sĩ đàn bầu Bùi Lệ Chi và các NSND, NSƯT, ca sĩ nổi tiếng, cùng dàn hợp xướng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội phối hợp thực hiện. 

- Thay vì một phòng hòa nhạc đạt chuẩn, lý do nào khiến Ban tổ chức đã chọn sân vận động Mỹ Đình để tổ chức đêm nhạc? 

- Chương trình có quy mô lớn, với nhiều ca sỹ, nghệ sỹ tên tuổi tham gia và chỉ tổ chức một đêm duy nhất. Với mong muốn phục vụ được đông đảo khán giả Thủ đô, Ban tổ chức chọn sân vận động Mỹ Đình làm địa điểm biểu diễn bởi đây là địa điểm có sức chứa hàng chục nghìn người. Chúng tôi cũng đã tính toán kỹ mọi phương án về âm thanh, sân khấu, sử dụng trang thiết bị hiện đại… sao cho đạt được kết quả tốt nhất.

- Một chương trình hòa nhạc đẳng cấp lại được diễn ra ngoài trời. Ông có e ngại về chất lượng đêm nhạc?

- Về quy mô, “Giai điệu mùa thu” là chương trình lớn cần huy động một lực lượng diễn viên lớn có trình độ chuyên môn cao. Sân vận động Mỹ Đình là một không gian rất lớn, lượng người vào xem lại đông sẽ gây ra những khó khăn cho công tác tổ chức. Đặc biệt, đây là một đêm nhạc thính phòng có sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng, các giọng ca nổi tiếng nên chất lượng âm thanh được đặc biệt quan tâm. Các trang thiết bị hiện nay của sân vận động đã đáp ứng được yêu cầu chuyên môn ở mức tốt nhất.  

"Giai điệu mùa thu" ngợi ca Tổ quốc ảnh 2Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam lần đầu tiên sẽ biểu diễn ở không gian mở, rộng lớn 
tại sân vận động Mỹ Đình (ảnh minh họa)

Cơ hội thưởng thức tinh hoa âm nhạc thế giới

- Sự xuất hiện lẻ loi của chương IV “Khúc tráng ca” của Beethoven trong một “rừng” ca khúc Việt, chắc phải có những lý do rất cụ thể, thưa ông?

- Đây là chương IV (chương kết) của Bản giao hưởng số V, được Beethoven sáng tác vào giai đoạn từ 1804-1808. Như Ernst Theodor Amadeus Hoffmann, một luật gia, nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc lỗi lạc người Đức mô tả Bản giao hưởng số V là “một trong những công trình quan trọng nhất của thời đại”. Trong Thế chiến thứ hai, âm nhạc của bản giao hưởng này được gắn liền với chữ V (số 5) và cũng là chữ V của Victory, vì vậy còn gọi là “Giao hưởng Chiến thắng”.

Đặc biệt tại chương kết của bản giao hưởng, tính chất âm nhạc mạnh mẽ, khải hoàn, hùng tráng, chiến thắng… diễn tả không khí hân hoan đón mừng chiến thắng, bởi vậy chương nhạc này thường được sử dụng trong các dịp kỷ niệm trọng đại của nhiều quốc gia trên thế giới. Bản giao hưởng này được đánh giá là tinh hoa di sản văn hóa thế giới thuộc lĩnh vực âm nhạc, vì vậy chúng tôi lựa chọn để đưa vào chương trình, đem đến cho khán thính giả Việt Nam một cơ hội để thưởng thức. 

- Các nghệ sỹ biểu diễn,  các tác phẩm trong chương trình đều rất nổi tiếng. Điều đó đã đủ để khẳng định đêm nhạc sẽ rất thành công hay không, thưa ông?

- Để nói về thành công, ít nhất có 2 vấn đề, đó là tổ chức sự kiện và khán thính giả cùng hiệu quả ảnh hưởng của chương trình. Ở vị trí người tổ chức, Ban tổ chức chúng tôi đã cố gắng chuẩn bị tốt nhất để xây dựng chương trình, trong đó gồm nhiều nội dung như: xây dựng kịch bản nội dung chương trình, chọn lựa đơn vị thực hiện, lên lịch luyện tập, địa điểm biểu diễn, trang thiết bị âm thanh ánh sáng, sân khấu, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, y tế… Đồng thời triển khai các công tác tuyên truyền quảng bá, tổ chức khán giả, in ấn băng rôn, áp phích, vé mời, đăng tin trên các trang mạng… Về phía khán giả, còn phải chờ xem khán giả đón nhận chương trình ra sao mới dám nói đến thành công hay không. 

- Xin cảm ơn ông và chúc đêm nhạc thành công!