"Gia phả của đất": Phim 4K thu hút khán giả

ANTĐ - Tiếp nối loạt phim về đề tài nông thôn, đạo diễn Quốc Trọng vừa trở lại với bộ phim truyền hình “Gia phả của đất” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hoàng Minh Tường. Tập đầu tiên của phim vừa ra mắt trong khung “giờ vàng” trên sóng VTV1 vào tối 24-3 và sẽ đến với khán giả vào 20h40 các ngày thứ tư, năm, sáu trong tuần.

"Gia phả của đất": Phim 4K thu hút khán giả ảnh 1Đạo diễn Quốc Trọng chỉ đạo một cảnh quay trong phim

Vất vả đủ đường!

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC), đơn vị sản xuất 38 tập phim “Gia phả của đất” chia sẻ, đây  là một tác phẩm phim truyền hình được xếp vào hàng 4 “K”, tức là đề tài thì khô, làm phim thì khó, đội ngũ sáng tác thì rất khổ nhưng khi phát sóng thì phim lại kén khán giả.

Mặc dù vậy, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng khẳng định, trong khi dòng phim thương mại và các chương trình truyền hình giải trí đang chiếm sóng màn ảnh nhỏ thì chính những bộ phim chính thống lấy nội dung làm yếu tố then chốt thu hút khán giả sẽ góp phần tạo nên giá trị thương hiệu cho phim Việt nói chung. Cũng với suy nghĩ ấy nên “Gia phả của đất” đã phải mất tới gần 9 tháng mới hoàn tất, trong khi các phim truyền hình có thời lượng tương tự chỉ mất một nửa thời gian đó.

Dù đã chuẩn bị tinh thần đương đầu với ngần ấy “K”, lại có kinh nghiệm làm phim về đề tài nông thôn, song đạo diễn Quốc Trọng nói vui khi bắt tay vào làm “Gia phả của đất”, ông mới thấy không chỉ 4 mà có tới tận 8 “K” với đủ những thách thức mà trước đó ông không hình dung nổi. Trong đó, cái khó đầu tiên và cũng là khó nhất là tìm bối cảnh cho phim.

Vị đạo diễn này chia sẻ, lúc đầu ông cứ nghĩ việc tìm bối cảnh để dựng lại hình ảnh làng quê Bắc bộ ngược về những năm 1970 không có gì quá khó khăn, song đến lúc đi chọn rồi mới thấy hầu như làng quê nào cũng đều bị thành thị hóa chứ không còn nhiều nét vẹn nguyên như bối cảnh mà đoàn làm phim tìm kiếm, ngay cả đình làng cổ kính mà ông từng quay cũng bị sửa sang và bê tông hóa.

Cũng may trong lúc đang vất vả ngược xuôi đi khắp nơi không thấy, đạo diễn Quốc Trọng được một anh bạn nhà văn rủ về quê chơi và ông đã gần như “sướng phát điên” vì khung cảnh làng quê ở đó vẫn gần như còn nguyên vẹn hình ảnh nông thôn cũ. Hơn một nửa cảnh quay trong phim sau đó được thực hiện tại nơi này, cộng thêm việc góp nhặt cảnh quay ở một số tỉnh, thành phố khác. 

Được mời, nông dân “chê” đóng phim

Đạo diễn Quốc Trọng cho biết, làm bộ phim này khó với khổ đủ đường, ngay cả việc tưởng đơn giản nhất là mời người nông dân địa phương tham gia trong phim hóa ra cũng không dễ. Ông nói vui, bà con nông dân bây giờ không mặn mà đóng phim như trước nữa, minh chứng là mời họ đóng vai quần chúng thì ai nấy đều nguây nguẩy lắc đầu: “Chúng em mệt lắm, nắng thế chỉ có các bác mới ra đồng, chúng em ở nhà thôi”.

Nịnh đến mỏi cả lưỡi không được, đạo diễn Quốc Trọng và êkip làm phim đành phải nhờ đến trưởng thôn và lãnh đạo xã đứng ra huy động bà con, họ hàng ở khắp thôn trên, xóm dưới, cuối cùng mới được vài chục người chịu nhận lời ra đóng. Dù thế, để quay được những cảnh có bà con nông dân đóng thì đoàn làm phim cũng phải rất nhanh bởi “quay chậm một cái là bà con lại bỏ về nhà hay ra gốc đa ngồi cho mát, không thiết tha đóng phim đâu”, đạo diễn Quốc Trọng hài hước kể.

Không chỉ vậy, để có được những cảnh quay đồng áng đẹp như trong mơ, cụ thể là những cánh đồng lúa chín vàng ruộm vào vụ gặt hay xanh mươn mướt lúc trổ đòng, đạo diễn Quốc Trọng cho biết phim đã phải sử dụng đến công nghệ chỉnh màu hiện đại với những thiết bị tối tân vừa được VFC nhập về.

Sở dĩ vậy bởi bây giờ bà con nông dân đều sử dụng thiết bị hiện đại vào công việc đồng áng, nên buổi sáng đi quay cánh đồng lúa còn chín vàng óng ả, nhưng chỉ đến trưa, sau vài đường đi của máy gặt là cả cánh đồng lại trơ trụi lúa.

Nói như lời đạo diễn Quốc Trọng thì cứ chờ lúa chín để quay thì mất tới 3 vụ lúa chưa chắc đã quay xong, cũng may phim quay vào đúng thời điểm VFC đầu tư một số thiết bị chỉnh màu trong phim, vì thế lúa trên phim cũng có thể nhuộm màu, ngay cả cảnh bão lũ, mưa gió cũng được hỗ trợ kỹ xảo nên rất giống thật.

Cũng theo đạo diễn Quốc Trọng, tuy làm về đề tài nông thôn song bộ phim này rất khác so với các phim trước mà ông từng làm, bởi sẽ không có nhân vật chính diện hay phản diện, xấu hẳn hoặc tốt hẳn mà tất cả đều có sự mâu thuẫn giằng co trong nội tâm giữa cái thiện và cái ác.