Gây tranh cãi, chương trình thực cảnh "Ký ức Hội An" đã chỉnh sửa cho phù hợp?

ANTD.VN -Chính thức khai màn vào đêm 18/3 và sau nhiều buổi diễn, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.

Xa lạ với người dân Hội An

“Ký ức Hội An” là một show diễn thực cảnh, được đầu tư kinh phí lớn, có sự tham gia của đội ngũ biên đạo, diễn viên cũng như cố vấn nghệ thuật khá hùng hậu. Chỉ tính riêng tiền lương trả 500 nghệ sĩ, một tháng đơn vị đầu tư phải chi trả khoảng 3 tỷ đồng.

Thế nhưng, độ hoành tráng không phải là thước đo sự thành công. Được đặt tên là “Ký ức Hội An” nhưng chương trình nghệ thuật thực cảnh này lại làm người xem, đặc biệt là những người dân Hội An có cảm giác xa lạ như vở diễn đang đề cập đến một vùng đất nào đó, không phải mảnh đất mà họ đã sinh ra và lớn lên.

Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân Hội An còn kêu gọi tẩy chay vở diễn, gọi “Ký ức Hội An” là “Uất ức Hội An” vì không có gì để người xem hình dung đó là văn hóa Hội An.

Nhà văn Trần Kỳ Trung, cây bút khá đình đám ở xứ Quảng cho rằng: “Những chi tiết, trang phục, hành động của diễn viên làm khán giả mường tượng đến một xứ sở nào khác ngoài lãnh thổ Việt Nam, chứ khó hình dung đó là Hội An thân thương, gần gũi mà những người gắn bó với Hội An như tôi được biết”.

Đặc biệt, một vở diễn kể về chiều dài lịch sử của Hội An như “Ký ức Hội An” lại  quên nhắc công mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng. Đồng thời, cách nhìn về người phụ nữ Hội An cũng không giống với bản chất văn hóa mở nơi đây.

“Áp phụ nữ Hội An vào hình tượng chờ chồng hóa đá là sai lầm rất lớn” – nhà văn Trần Kỳ Trung bày tỏ. Bên cạnh đó, vở diễn còn tồn tại nhiều vấn đề khác về nội dung, âm thanh, ánh sáng và trang phục giống Trung Quốc của “Ký ức Hội An” đang trở thành vấn đề tranh luận nảy lửa.

Trong nhiều cảnh diễn của chương trình, phần làm khán giả buồn nhất là màn trình diễn áo dài. Không ít khán giả đã bày tỏ sự thất vọng, bởi đây là lần đầu tiên, họ được thấy trên sân khấu, người con gái Việt Nam mất hẳn mái tóc nuột nà, đen mượt. Thay vào đó là một chiếc dây đỏ dài độ một mét, buộc vắt vẻo sau lưng người con gái trông giống như đuôi sam của mấy ông quan triều Thanh (Trung Hoa). 

 Tên gọi gây ra sự hiểu lầm?

Trước các ý kiến trái chiều, ông Nguyễn Xuân Hà - Giám đốc Công ty CP Quản lý biểu diễn Việt Quốc (đại diện đơn vị sản xuất “Ký ức Hội An") cho biết, 3 buổi diễn gần nhất của "Ký ức Hội An", nhiều chi tiết trong trang phục diễn viên, bối cảnh nghệ thuật đã được gấp rút chỉnh sửa. Trước mắt, đơn vị sản xuất đã bỏ chiếc đuôi đỏ nối từ nón của diễn viên mặc áo dài xuống tới lưng.

Ngoài ra, một số chi tiết trong trang phục áo dài của diễn viên như đường xẻ ở cổ ống tay tà áo dài, kiểu đội mũ che một phần khuôn mặt người con gái... cũng đã được đơn vị sản xuất chỉnh sửa và thêm một số chi tiết để thật sát hơn với hình ảnh người con gái Việt Nam nói chung cũng như người Hội An nói riêng. 

Đại diện nhà sản xuất “Ký ức Hội An”, ông Nguyễn Xuân Hà cho rằng, sự phản ứng của dư luận xung quanh vở diễn là do, tên gọi của vở đã gây ra sự hiểu lầm, có phần ngộ nhận là nội dung chỉ tập trung vào tái hiện lịch sử vùng đất văn hoá con người Hội An.

Trong khi đó, tác phẩm lại cố gắng bao quát lại lịch sử của vùng Đàng Trong với Đàng Ngoài chứ không chỉ đơn thuần bó hẹp trong chủ đề ký ức về Hội An. Bên cạnh đó, một số phân cảnh chưa thật sự khéo léo đã gây ra sự hiểu lầm cho công chúng.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, ông Nguyễn Xuân Hà khẳng định, nhà sản xuất luôn mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp và trên cơ sở tham vấn của đội ngũ chuyên môn, đơn vị này sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện nhằm phục vụ tốt nhất mục tiêu của chương trình.