“Gặp gỡ tháng 11”

(ANTĐ) - Triển lãm “Gặp gỡ tháng 11” giới thiệu những tác phẩm sáng tác gần đây nhất, là một hoạt động được diễn ra thường xuyên, hàng năm. Đây là một trong những công tác nghiên cứu, sáng tác gắn liền với công tác giảng dạy của các thầy cô giáo trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội.

“Gặp gỡ tháng 11”

(ANTĐ) - Triển lãm “Gặp gỡ tháng 11” giới thiệu những tác phẩm sáng tác gần đây nhất, là một hoạt động được diễn ra thường xuyên, hàng năm. Đây là một trong những công tác nghiên cứu, sáng tác gắn liền với công tác giảng dạy của các thầy cô giáo trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội.

Thông qua những tác phẩm ở đây, các thầy cô - các nghệ sỹ hy vọng được chia sẻ với tất cả mọi người những trăn trở, những tình yêu, niềm đam mê sáng tạo và cũng khẳng định hơn vị trí của bản thân mỗi người, cũng như khẳng định hơn vị trí của hội họa trong đời sống văn hóa xã hội hôm nay. Họa sỹ Lê Trần Anh Tuấn, giảng viên khoa Sư phạm đến với “Gặp gỡ tháng 11” với hai tác phẩm sơn dầu khổ 1m  x 1m mang tên Lật đật, Mảnh hồng.

“Lật đật” là hình ảnh con búp bê rất dễ thương và hồn nhiên với một khuôn mặt trong trắng, xinh đẹp. Nó luôn luôn tự hào dù bất cứ điều gì nó vẫn luôn đứng vững không kể lay chuyển. Hình ảnh này đã khiến tôi luôn bị ám ảnh. Một cô gái tuổi teen với một khuôn mặt đẹp, với một vóc dáng quyến rũ - Những yếu tố này họ luôn cho rằng họ đã đầy đủ tố chất để bước vào cuộc sống.

Tác phẩm “Lật đật” bằng chất liệu sơn dầu của Lê Trần Anh Tuấn
Tác phẩm “Lật đật” bằng chất liệu sơn dầu 
của Lê Trần Anh Tuấn

Một ánh mắt tự tin và nhìn đời, nhìn người, nhìn cuộc sống quá đơn giản đã khiến họ lao vào cuộc đời như một con thiêu thân với những thú vui chơi, và cho rằng đó là sành điệu, là phong cách của xã hội bây giờ. Ngờ đâu với một bộ não quá nhỏ bé, mong manh và dễ vỡ như những quả bong bóng rất dễ bị những cám dỗ xã hội lôi kéo.

Từ khoảng cách của một cô gái ngây thơ đến một con ác quỷ không quá xa, một ranh giới mong manh không lá chắn - Nếu không sớm tỉnh ngộ sẽ không khác gì một con lật đật, một thứ búp bê vô cảm, vô hồn...” - Họa sỹ, giảng viên Lê Trần Anh Tuấn bộc bạch về tác phẩm của mình. 

Có thể chưa là những tác phẩm đẹp nhất, nhưng ở đây đang tiềm ẩn những yếu tố “mới, lạ, đẹp” sẽ xuất hiện ở những tác phẩm sau này. Tuy nhiên điều ấy vẫn chưa quan trọng bằng tình yêu sáng tạo của các nghệ sỹ.

Sáng tạo nghệ thuật đã trở thành một thứ không thể thiếu đối với người nghệ sỹ, ai cũng biết điều đó rất rõ và sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho nó, mặc dù cho cuộc sống có khó khăn, trong hoàn cảnh nào cũng vẫn sáng tạo và mơ mộng, tự tin theo đuổi lý tưởng nghệ thuật của mình, để rồi được chia sẻ niềm yêu sống, yêu cái đẹp đến tất cả mọi người, gạt bỏ những ham muốn tầm thường hóa để hòa mình vào dòng chảy của nghệ thuật tạo hình hôm nay.

Tác phẩm “Múa” bằng chất liệu Acrylic của Lê Văn Sửu
Tác phẩm “Múa” bằng chất liệu Acrylic của Lê Văn Sửu

Mỗi nghệ sỹ sẽ nói về mình thông qua ít nhất là một sáng tạo mới nhất được chắt tỉa từ cuộc sống hiện tại hay từ một hình ảnh nào đó vừa quen, vừa lạ, hư thực tạo nên những sản phẩm không bao giờ lặp lại - đó chính là sự sáng tạo thiêng liêng mà người ta vẫn ví người nghệ sỹ như thượng đế.

Và có lẽ, những tác phẩm đi kèm với những cái tên như Ký ức (Chất liệu tổng hợp - Đoàn Văn Bằng), Bình Phong, Nude (Chất liệu tổng hợp - Lê Anh Vân), 30 nhân 6 = ?, Con tôi (Chất liệu tổng hợp - Nguyễn Văn Hùng), Tưởng nhớ họa sỹ Hoàng Tích Chù (Đồng đúc - Vương Học Báo), Đôi giày nhỏ (Gốm - Nguyễn Quốc Thể), Nắng công trường (Sơn mài - Trần Xuân Bình), Bên lề đường (Sơn dầu - Chu Anh Phương),  Múa (Acrylic - Lê Văn Sửu), Mộng (Lụa - Nguyễn Anh Tuấn), Ngày đương đại (Khắc gỗ - Vũ Đình Tuấn), Có mắt lại không mồm (Màu nước - Lê Quý Tông)... hiện hữu tại Trung tâm nghệ thuật Việt (Viet Art Centre) đã kết tinh tạo nên cả phần chất lẫn phần hồn của cuộc “Gặp gỡ tháng 11”.

Tác phẩm - Nghệ sỹ: Hai phạm trù với hai giá trị hoàn toàn khác nhau nhưng song hành và bổ trợ cho nhau, nâng tầm nhau bằng sức lao động nghệ thuật miệt mài tạo nên giá trị của sản phẩm tinh thần.

29 tác giả là những giảng viên khoa Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Sư phạm và các cán bộ chuyên môn tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã đem đến 40 tác phẩm gồm các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, giấy dó, chất liệu tổng hợp, acrylic, gốm, đồng, gỗ, in lăn, khắc gỗ, sắp đặt... đã giúp mở rộng hơn cánh cửa mỹ thuật.

Giúp soi đường cho những học trò của mình hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp và sôi động của đời sống hội họa nước nhà. Hơn thế nữa là sự hỗ trợ tương khác giữa cô - trò, thầy - trò, những người nghệ sỹ với nghệ sỹ những cảm hứng để nguồn sáng tạo nghệ thuật không bao giờ cạn kiệt và nhiều hơn nữa những tác phẩm có chất lượng được tạo ra, để chia sẻ với cuộc đời. 

Trần Quân