Festival Tây Sơn, Bình Định: Sẽ rất quy mô, hoành tráng
(ANTĐ) - Lần đầu tiên tỉnh Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn - Bình Định từ 1 - 3/8/2008, nhưng trước đó hàng tháng nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội đã diễn ra. GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, thành viên Ban tổ chức lễ hội, được UBND tỉnh Bình Định uỷ quyền gặp gỡ báo giới ở Hà Nội cho biết: Đây là lễ hội hoành tráng, quy mô nhất ở đất võ, đất văn, đất tuồng Bình Định.
Quyết xây dựng thương hiệu Festival Tây Sơn - Bình Định
Festival gắn với kỷ niệm 235 năm (1773-2008) nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, mở đầu sự nghiệp của triều đại Tây Sơn, Festival nhằm phát huy truyền thống lịch sử phong trào Tây Sơn, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường của dân tộc, huy động mọi tiềm năng, trí tuệ, lao động của mọi người dân... tiến tới xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
Festival lần này không gói gọn trong TP.Quy Nhơn mà mở rộng các hoạt động đến Bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng Đế, hệ thống tháp Chàm, Khu kinh tế Nhơn Hội - Phương Mai - Núi Bà, tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu... Đây sẽ là Festival quy mô nhất, hoành tráng nhất được tổ chức ở Bình Định, với nhiều chương trình phong phú hấp dẫn.
Chủ đề chính của Festival là "Hội tụ và phát triển". Trong ngày khai mạc đã có nội dung hấp dẫn là Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 2 (liên hoan tổ chức 2 năm/ lần, năm 2006 Bình Định đã tổ chức thành công lần 1 tại Quy Nhơn), quy tụ gần 50 đoàn võ thuật cổ truyền đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
UBND tỉnh Bình Định quyết tâm xây dựng thương hiệu Festival Tây Sơn tầm cỡ quốc gia, có dấu ấn đặc sắc riêng của vùng đất vốn được mệnh danh là “đất võ, trời văn” truyền thống và những nét đặc trưng tiêu biểu nhất về lịch sử, văn hóa, kinh tế, du lịch của tỉnh.
Thực ra, Bình Định đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nội dung lễ hội từ rất lâu và lẽ ra Festival được tổ chức từ 2007, nhưng do sự kiện cháy chợ Quy Nhơn ảnh hưởng quá lớn nên đành lùi tới 2008.
Có ý kiến lo ngại rằng đã và đang có nhiều lễ hội lớn thì Festival Tây Sơn – Bình Định có bị chìm lấp không? Ban Tổ chức đã nhận định rằng sẽ không ảnh hưởng gì vì nội dung Festival Tây Sơn – Bình Định có nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật rất đặc biệt của Bình Định như Liên hoan võ quốc tế cổ truyền, Hoa hậu miền đất võ, Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống...
Hiện Bình Định đã triển khai hàng loạt công tác chuẩn bị về an ninh, cơ sở vật chất, chỉnh trang đô thị, xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ festival. Đã liên hệ với Hàng không Việt Nam tăng chuyến bay từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đến Bình Định để phục vụ khách du lịch. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn ở TP Quy Nhơn cũng đã đồng loạt được đầu tư, nâng cấp và cam kết với ban tổ chức sẽ không "chặt đẹp" du khách trong những ngày diễn ra festival...
Một số điểm nhấn của Liên hoan
Liên hoan võ thuật quốc tế cổ truyền diễn ra ngay sau lễ khai mạc. Có khoảng 50 đoàn nước ngoài tới dự, chưa kể các đoàn trong nước. Năm 2006 Bình Định đã tổ chức Liên hoan võ thuật, 41 nước đã tới tham dự. Các võ sĩ sẽ thi đấu tại các võ đài trong các làng võ cổ truyền như An Thái, An Nhơn...
Điểm nhấn thứ hai là Cuộc thi Hoa hậu miền đất võ nhằm biểu dương vè đẹp hình thể, trí tuệ, tài năng của các các võ nữ, có khác so với các cuộc thi hoa hậu khác. Ví dụ, cũng là thi người đẹp, nhưng Ban tổ chức đã quyết định không để các người đẹp múa võ trong bộ bikini mà sẽ mặc võ phục đẹp, thắt đai lựng, không phô bày thân thể ra. Cái đẹp ở Hoa hậu miền đất võ là múa như rồng bay, phượng múa, ra các thế võ đẹp, đấu võ đẹp, múa võ đẹp chứ không phải đẹp theo các tiêu chí thông thường.
Đặc biệt năm nay không phải dịp Liên hoan Tuồng toàn quốc (tổ chức 5 năm/lần), nhưng có Festival mới đột xuất có Liên hoan Tuồng toàn quốc, nhưng vẫn mang tầm cỡ quốc gia bởi Bình Định là đất tuồng, có ông tổ nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Các đoàn tuồng chuyên nghiệp của cả nước sẽ hội thụ về thi để chọn ra những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú của tuồng cổ. Liên hoan khuyến khích diễn tuồng cổ, người đoạt giải là những nghệ sĩ rất giỏi, tài năng xuất chúng mới diễn được những vở tuồng cổ như Nữ tướng Đào Tam Xuân, Triệu Đình Long cứu chúa, Trầm Hượng các, Diễn võ đình, Thanh gươm hát bội, Sơn hậu...
Ban tổ chức đã có chương trình cụ thể,. Nhưng có một số hoạt độngđáng chú ý như: Ngày 1/8 tại Bảo tàng Quang Trung có làm lễ dâng hương - dâng hoa tại điện thờ Tây Sơn. Ngày 2/8 có chung kết Liên hoan tuồng Đào Tấn với sự tham gia của 7 đoàn tuồng trong cả nước. Đêm đó sẽ có hội thả hoa đăng quy mô lớn trên cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam...
Còn có các nội dung hưởng ứng như Hội bài chòi dân gian, Liên hoan sinh vật cảnh; Hội thi đua thuyền - lắc thúng: Đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu, Đêm nhạc Trịnh Công Sơn... với sự tham dự của các đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc... Còn có Hội chợ - Triển lãm với khoảng 200 gian hàng của các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh…
Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực diễn ra trong 5 ngày (từ 29/7 đến 3/8/2008), tại Quảng trường Trung tâm TP. Quy Nhơn, trình diễn chằm nón, nấu rượu Bàu Đá, dệt thổ cẩm, đan sản xuất mỹ nghệ (cói, mây tre, lá), khảm xà cừ, đồ gỗ mỹ nghệ, rèn công cụ, chế tác đá…). Chương trình Ẩm thực với nhiều món đặc sản: Bánh xèo, nem chả chợ Huyện (Tuy Phước); gié bò, chim mía (Tây Sơn); bánh hỏi lòng heo, bún cá (Quy Nhơn); chình mun đầm Châu Trúc (Phù Mỹ); bánh tráng nước dừa, bánh tai vạc, bánh ít lá gai (Hoài Nhơn)… Ban tổ chức mời một số tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên tham dự, giới thiệu đặc sản của các vùng miền. Còn có các hoạt động văn hóa làng nghề đại diện cho các vùng cao, đồng bằng và miền biển; một số sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, như: cồng chiêng, lễ cúng tổ nghề rèn; trình diễn một số tiết mục: múa nón, hò giã gạo, hò kéo lưới, rót rượu Bàu Đá…
Theo GS Hoàng Chương, Festival là hoạt động văn hóa tập trung, thể hiện nhiều loại hình nghệ thuật, là dịp để quảng bá hình ảnh vùng "đất võ trời văn", tiềm năng kinh tế, văn hóa du lịch của Bình Định... thu hút đầu tư vào tỉnh. Nhà nước không thể tổ chức được lớn, mà tỉnh thì muốn xây dựng thương hiệu Festival Tây Sơn - Bình Định lên tầm quốc gia. Vì thế tỉnh Bình Định đã có các hoạt động xã hội hoá thu hút vốn từ các Việt kiều về. Trước kia đã có bà Tư Hường đã đóng góp xây dựng tượng đài Quang Trung, ông Huỳnh Trung Vũ đã bỏ tiền dựng điện thờ Quang Trung. thì nay nhiều người giàu có cũng đóng góp để tổ chức Festival của quê hương hoành tráng, quy mô nhất.
Hà Dương