Festival Mỹ thuật trẻ lần 3 - 2014: Cũ kỹ và buồn tẻ

ANTĐ - Qua 3 lần tổ chức, “Festival Mỹ thuật trẻ” giảm dần sức hút đối với người xem. Khác với sự ồn ào náo nhiệt thường thấy ở 2 kỳ liên hoan trước, Festival lần này thiếu vắng những màn trình diễn mang tính tương tác cao giữa nghệ sỹ và khán giả.

Tác phẩm “Dự án mới”-Trần Văn An đoạt giải Nhất trị giá 20 triệu đồng

Giảm dần độ “nóng”

Có lẽ bởi thế mà không khí của cuộc hội ngộ các họa sỹ trẻ năm 2014 diễn ra lặng lẽ ngay từ ngày đầu khai mạc. Trong vòng nửa tháng, lượng khán giả mới dừng lại ở giới trong nghề và sinh viên một số trường đại học nhưng theo đánh giá của ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì như vậy đã được coi là đông và “mỹ thuật không thể so sánh lượng khán giả với các chương trình biểu diễn của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng”. 

Điều này không khiến nhiều người bất ngờ bởi hình thức tổ chức của “Festival Mỹ thuật trẻ” bị đánh giá là cũ kỹ và buồn tẻ. Với cách làm không có gì mới: thông báo cuộc thi tới các họa sỹ, nhận tác phẩm, xét duyệt và trao giải, nhà nghiên cứu mỹ thuật hiện đại Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật Việt Nam) cho đó là cách làm không khuyến khích được các họa sỹ trẻ tham gia và Ban tổ chức nên nhờ tới các “curator” (nhà giám tuyển) mời các họa sỹ tham gia và tuyển chọn tác phẩm để sân chơi của các họa sỹ trẻ có chất lượng nghệ thuật hơn. Tuy vậy, ông Vi Kiến Thành đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này và cho rằng không nên đánh giá “curator” là giải pháp cho mỹ thuật Việt Nam, vì bản chất của “curator”là người móc nối các nghệ sỹ, trong khi Ban tổ chức hay Hội đồng nghệ thuật của các cuộc thi mỹ thuật đã chính là các “curator” tập thể. Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho rằng “curator” chẳng qua chỉ là cách gọi màu mè. 

Xã hội hóa, tưởng dễ nhưng cực khó!

Trước sự cũ kỹ và buồn tẻ của Festival, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông đã hiến kế thay đổi mô hình tổ chức sao cho sinh động nhất để hấp dẫn với các họa sỹ trẻ. Theo anh, Ban tổ chức nên nâng giá trị giải thưởng để thu hút nhân tài bằng việc xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng tham gia tài trợ cho cuộc thi. Nên có một giải thưởng dành riêng cho từng loại hình của nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn. Bên cạnh đó, lý do các họa sỹ trình diễn không tham dự Festival cũng có thể do kinh phí giải thưởng không đủ để họ trang trải thực hiện tác phẩm. Tuy vậy, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Lê Văn Sửu đã chia sẻ những khó khăn về quá trình xã hội hóa một giải thưởng mỹ thuật, điều tưởng dễ mà cực khó khi bắt tay vào thực hiện. Họa sỹ Thành Chương cũng đồng tình với quan điểm này của họa sỹ Lê Văn Sửu và giải thích thêm “Các nhà tài trợ họ phải thấy được cái lợi thì mới bắt tay với Ban tổ chức nhưng ở một giải thưởng mỹ thuật dành cho họa sỹ trẻ đang chững lại thì sẽ rất khó khăn với công tác xã hội hóa giải thưởng”. 

Về việc thiếu vắng các họa sỹ trình diễn tham gia Festival Mỹ thuật trẻ, cả Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - họa sỹ Lê Văn Sửu và Phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - họa sỹ Vi Kiến Thành đều bày tỏ sự khó hiểu. Rõ ràng, sức hấp dẫn của sân chơi nghệ thuật lớn nhất dành cho giới trẻ còn nhiều điều để nói. Cục trưởng Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ thay đổi ngay những tồn tại để có thể khắc phục ở kỳ Festival tiếp theo như thời gian thông báo cuộc thi tới các  họa sỹ sẽ sớm hơn và tìm mọi cách thay đổi hình thức tổ chức Festival để tạo sức lan tỏa tới công chúng và các họa sỹ. 

Festival Mỹ thuật trẻ 2014 đã khép lại bằng lễ bế mạc diễn ra ngày 5-9 tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Giải Nhất được trao cho tác giả Trần Văn An với tác phẩm “Dự án mới” trị giá 20 triệu đồng. Hai giải Nhì được trao cho tác giả Thái Nhật Minh với tác phẩm “Những con mèo” và tác giả Lập Phương với tác phẩm “Cánh”.