"Đừng đốt" gây xúc động mạnh
(ANTĐ) - Bộ phim được chờ đợi bấy lâu sẽ chính thức được công chiếu vào dịp 30-4 tới. "Đừng đốt" dài 102 phút, do đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh viết kịch bản và dàn dựng. Những trang nhật ký xúc động và đoạn đời tươi sáng của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã được kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh.
"Đừng đốt" - "chỉ ngắn gọn như vậy là đủ"
Với câu hỏi: Tại sao bộ phim không giữ tên gọi ban đầu "Đừng đốt. Trong đó đã có lửa", đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh lý giải "Đó là hai từ then chốt nhất trong câu nói của trung úy ngụy - người đã đưa cuốn nhật ký cho người lính Mỹ Fred. Tôi nghĩ chỉ cần 2 từ đó thôi, ngắn gọn như vậy là đủ"...
"Đừng đốt" được dựng lên như một câu chuyện về hành trình của cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm - kể từ khi mỗi trang giấy được nữ bác sĩ anh dũng viết lên những tâm tư của mình, cho đến khi cuốn nhật ký được trao tận tay mẹ và các chị em của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Bộ phim dẫn dắt người xem trải qua những thời khắc sum vầy gia đình trước ngày nhập ngũ của bác sĩ Thùy Trâm, rồi những ngày tháng chiến đấu anh dũng không chỉ của nhân vật chính mà còn là của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Kiên cường, mạnh mẽ, nhưng cũng rất lãng mạn, trong sáng, nhân vật Thùy (Minh Hương đóng) được khắc họa như một đại diện tiêu biểu của lớp thanh niên Hà Nội luôn giữ vững lý tưởng sống, chiến đấu cao đẹp dù phải đối mặt với bom đạn và muôn vàn khó khăn giữa chiến trường Đức Phổ ác liệt.
Bộ phim đã thành công khi lấy được nước mắt của những khán giả tới rạp trong ngày ra mắt (8-4). Đánh giá chung, rõ ràng nhất là "Đừng đốt" đã giữ được tinh thần cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", nhưng như đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh nói "nếu cứ nệ thật quá thì lại mất đi ngôn ngữ của nghệ thuật" và ông đã tìm được những cách riêng để tạo cảm xúc cho người xem với đôi nét hư cấu, gia giảm. Phim được quay và dàn dựng cả ở Việt Nam và Mỹ, phần hậu kỳ được làm tại Thái Lan. Do đó chất lượng âm thanh, hình ảnh, bố cục, trang phục, đạo cụ… đều được chau chuốt rất kỹ. Phần nhạc phim do hai nhạc sĩ người Hungary là Benedicfi Zoltan, Benedicfi Istvan đảm nhận. Hiệu ứng đặc biệt của âm thanh được thực hiện bởi một người nổi tiếng - kỹ sư âm thanh Bành Bắc Hải, chính phần âm thanh này đã góp phần lột tả tính chất khốc liệt, bi hùng của cuộc chiến tranh.
"Tình thương đã chắp cánh dài cho ta"
Bộ phim níu chân khán giả cho đến khi những dòng chữ cuối cùng hiện lên màn ảnh, với giọng hát trong trẻo của bác sỹ Thùy, với đôi mắt to tròn trong sáng, nụ cười rạng rỡ giữa phố phường Hà Nội...
Mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - bà Doãn Ngọc Trâm đã tới dự buổi công chiếu đầu tiên của bộ phim "Đừng đốt". Không khỏi rơi nước mắt, bà xúc động chia sẻ cảm nhận của mình: "Ở bộ phim này không chỉ có một nhân vật Thùy với tâm hồn đẹp mà đó là một nhân cách, một điển hình của người phụ nữ Việt Nam". Và điều đọng lại cuối cùng của bộ phim cũng trùng với cảm nhận của người mẹ về cuốn nhật ký của con gái mình: "Điều đọng lại và là thông điệp gửi tới mọi người ở cuốn nhật ký và ở bộ phim này chính là hai câu thơ cuối cùng Thùy Trâm đã viết: "Và ai có biết chăng ai. Tình thương đã chắp cánh dài cho ta."
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng rất xúc động khi có sự trùng hợp về cảm nhận này với bà Doãn Ngọc Trâm. Ông cho biết, ngay từ khi cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản, ông đã ấp ủ dự định làm phim dựa trên cuốn sách này. Thật tình cờ, ông cảm thấy như có một sợi dây kết nối giữa ông và nữ bác sĩ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm - người từng là học trò của Giáo sư Đặng Văn Ngữ vốn là thân phụ của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Khi được hỏi về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Vì cuốn nhật ký đã trở nên quá nổi tiếng, gây xúc động với bao người nên đoàn làm phim chúng tôi đi đâu cũng nhận được sự ủng hộ hết lòng của các cơ quan, đơn vị và người dân. Bộ phim được quay ở cả Việt Nam và Mỹ. Phim có 7 diễn viên Mỹ chuyên nghiệp, được tuyển chọn qua Hiệp hội các diễn viên của New York. Khi tôi gặp những diễn viên này, trên tay họ đều cầm cuốn sách Đêm nay tôi mơ thấy hòa bình (bản tiếng Anh cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm), khiến tôi rất cảm động. Một điều mừng nữa của tôi là gặp được diễn viên Minh Hương. Bác Doãn Ngọc Trâm cũng nói Minh Hương hao hao giống cô con gái của mình”.
Diễn viên trẻ Minh Hương: "Tôi có duyên với vai diễn này"
Minh Hương - người được chọn đóng vai bác sĩ Thùy trong phim hiện là biên tập viên của đài truyền hình VTC. Minh Hương vui mừng chia sẻ: "Bộ phim đóng máy ngày 30-6 thì ngày 30-7 tôi biết mình bắt đầu mang thai cô con gái đầu lòng. Và đáng lẽ,như bác sĩ dự đoán thì ngày 7-4 này tôi sẽ sinh cháu, nhưng có lẽ con gái muốn để mẹ có thể xem bộ phim mình đóng trong ngày ra rạp nên đến 8-4 vẫn còn chưa chịu ra."
Minh Hương cho biết cô rất bất ngờ khi được chọn vào vai Đặng Thùy Trâm. “Sức ép đối với tôi khi nhận vai diễn này không phải nhỏ bởi đây là một câu chuyện có thật và quá nổi tiếng chứ không phải là một tác phẩm hư cấu. Rất khó để thể hiện tình cảm và tính cách của nhân vật, nhất là làm sao để ngay bản thân gia đình chị Thùy Trâm khi xem phim phải nhận ra một phần con gái của họ ở trong đó. Thời sinh viên tôi cũng từng đọc qua cuốn nhật ký này nhưng đó chỉ là theo phong trào. Khi vào vai, tôi không có gì khác ngoài cuốn sách. Đó là căn cứ duy nhất giúp tôi hiểu được tâm hồn chị Thùy Trâm. Tôi cho rằng, tôi có duyên với vai diễn này. Khi nhận vai, tôi 27 tuổi, vừa bằng tuổi chị Đặng Thùy Trâm ngày xưa...”
Trả lời giới báo chí, Minh Hương nói về điều nuối tiếc riêng của mình: “Khi xem kịch bản, bản thân tôi muốn diễn tả thêm sự khốc liệt của cuộc chiến. Trong nhật ký có chi tiết chị Thùy chính tay đào mồ chôn thương binh. Tôi nghĩ cảnh đó rất xúc động và nếu như được diễn cảnh đó tôi sẽ cố gắng hết sức. Rất tiếc, ngay từ đầu đạo diễn Đặng Nhật Minh đã nói với tôi, bộ phim không thiên về lột tả sự bi thương của chiến tranh mà chỉ muốn làm nổi bật lên tâm hồn đẹp của chị Thùy”.
Bà Doãn Ngọc Trâm: "Đừng đốt" có những chi tiết chưa đúng nhưng vẫn thể hiện được tinh thần cuốn nhật ký..."
Mẹ của nữ bác sĩ anh hùng cho biết: Có một số điều "Đừng đốt" chưa thể hiện đúng theo như tưởng tượng của người thân, chưa giống với Đặng Thùy Trâm trong thực tế. Theo bà, bộ phim có nhiều chi tiết không đúng như: Đặng Thùy Trâm thường hát cho bệnh nhân nghe để họ giảm bớt cảm giác đau chứ không phải bệnh nhân yêu cầu chị hát, khi chị mất không có giấy báo tử, cuộc tiễn đưa Đặng Thùy Trâm là bí mật nên không có đông người đưa tiễn như trong phim, người cựu chiến binh Mỹ khi qua Việt Nam tìm gia đình thân nhân Đặng Thùy Trâm đã thông qua một tổ chức chứ không lặn lội thuê xe ôm đi dò hỏi... Tuy nhiên, bà Doãn Ngọc Trâm vẫn đánh giá cao bộ phim vì đã thể hiện được tinh thần cuốn nhật ký, bà bày tỏ hy vọng qua bộ phim này thế giới sẽ biết nhiều hơn đến con người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.
“Đừng đốt, trong đó đã có lửa”, lời nói của Huân, sĩ quan ngụy, trước khi trao cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm cho Frederic Whitehurst, người lưu giữ nó trong suốt hơn 35 năm. Câu nói đó đã được biết đến rất nhiều khi cuốn nhật ký trở về được với gia đình của người đã viết nó. Và giờ đây, một phần câu nói ấy được lấy làm tên phim - bộ phim được đầu tư kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Một câu chuyện đã nổi tiếng qua những trang sách nay sẽ được kể lại với khán giả trong nước và nước ngoài bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Nhân vật người lính Frederic Whitehurst trong "Đừng đốt" |
Huyền Trang