Dừng cướp phết Hiền Quan trong nhiều năm có thỏa đáng?

ANTD.VN - Trước quyết định dừng màn cướp phết Hội Hiền Quan (Phú Thọ) năm 2019 và  các năm tiếp theo của UBND huyện Tam Nông, giới nghiên cứu văn hóa còn nhiều ý kiến trái chiều…

Năm 2019 là năm đầu tiên, Hội Hiền Quan không có phần đánh phết. Quyết định tạm dừng phần cướp phết ở một trong những lễ hội truyền thống của huyện Tam Nông đã gây ra sự hỗn loạn ngay tại nơi thờ tự với yêu cầu đòi tổ chức màn đánh phết như trước kia. Tuy nhiên, trước sự cương quyết của BTC, đám đông cũng đã phải tuân thủ và ra về.

Dù vậy, điều khiến nhiều người quan tâm là việc tạm dừng một trong những hoạt động hấp dẫn của Hội Hiền Quan liệu đã thỏa đáng? Khi đặt câu hỏi này với các nhà nghiên cứu, không ít người đã lập tức thể hiện sự bức xúc, không đồng tình. Bởi nhìn ở góc độ văn hóa, lễ hội sẽ mất đi tính thiêng và mất đi tinh thần bao trùm lên hoạt động văn hóa cộng động đầu năm ấy, nếu thiếu đi nghi thức cuối cùng là các tục hèm, các hoạt động vui chơi.

Người dân quá khích yêu cầu tổ chức cướp phết 

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, màn đánh phết tại Hội Hiền Quan bị cấm đồng nghĩa với việc xóa bỏ lễ hội đó. Có nghĩa rằng, Hội Phết Hiền Quan sẽ không còn nhận ra được màu sắc riêng khi chỉ còn các màn tế rước.

Hơn thế, tại các lễ hội truyền thống thường xuất hiện màn cướp vật thiêng. Vì thế, ông cha ta mới tổng kết, “tả tơi như xem hội”. Nhưng trước đây, lễ hội chỉ dành cho 1 làng, một xã nên lượng người tham gia chỉ có vài trăm người. Đến nay, lễ hội này có tới cả nghìn người tham dự, đương nhiên sẽ xảy ra những vấn đề về an ninh trật tự.

Tuy vậy, không quản được thì cấm lại là vấn đề khác, đôi khi xuất phát từ chính nhận thức của các nhà quản lý. “Nói gì thì nói, Hội Phết Hiền Quan không thể thiếu màn đánh phết” - Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Trong khi ấy, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lại khá điềm tĩnh khi đón nhận vấn đề này. Ông cho biết, trước đây, các cụ ta chỉ gọi “hội” với câu cửa miệng rất quen thuộc “làng tôi mở hội” mà không phải dùng tới từ “lễ hội” như hiện nay.

Điều đó nói lên rằng, hội không tách bạch phần lễ và phần hội như mọi người vẫn nhầm tưởng. Hội là một thể thống nhất các hoạt động tín ngưỡng và vui chơi. Đi trảy hội là đến với nơi linh thiêng và tả tơi như xem hội cũng là điều dễ hiểu khi có tới cả trăm người cùng tụ hội về trong không gian tâm linh của làng, của xã.

Nhưng cùng với cơ chế thị trường, hội cũng đã ít nhiều biến đổi, người ta đi hội không còn chỉ đến với nơi linh thiêng mà để vụ lợi, nhận về càng nhiều lộc càng tốt. Vì thế mới nảy sinh ra các vấn nạn về tranh cướp lộc, giẫm đạp lên nhau để cướp phết… Hội ngày càng biến tướng. 

Nói về Hội Phết Hiền Quan, GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ, các trai làng cùng giành nhau quả phết được sơn màu đỏ và cố gắng để gạt quả phết vào hố có chứa nước. Màn đánh phết này có ý nghĩa phồn thực, âm dương, đất trời hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Hội Phết Hiền Quan 2019 “vỡ trận” khi người dân xé rào vào tham gia cướp phết.

Nhưng vì sao phải là các trai làng mới tham gia cướp phết mà không phải những người già? GS Tô Ngọc Thanh giải thích, vì các trai làng chính là những người đại diện cho lớp sinh sôi nảy nở ấy. Do vậy khi Hội Phết Hiền Quan cấm màn cướp phết, những ước vọng về một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa phần nào đã không được trọn vẹn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ lại cho rằng, Hội Phết Hiền Quan năm nay đã không đảm bảo được những cam kết đã đề ra.

Do vậy, vì một lễ hội văn minh, lành mạnh, theo đúng tinh thần của Nghị định 110 của Chính phủ và tinh thần chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu BTC lễ hội, UBND xã Hiền Quan không tổ chức đánh phết năm 2019 và các năm tiếp theo.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho rằng, để có một Hội Phết Hiền Quan giữ nguyên màn đánh phết và không xảy ra tình trạng bạo lực, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý cần ngồi lại với nhau và cùng bàn bạc để đi thống nhất về cách tổ chức hiệu quả nhưng không làm mất đi bản sắc của Hội Hiền Quan.

Đặc biệt, trước sức ép của truyền thông, các nhà quản lý cần tỉnh táo để không bị kéo theo hiệu ứng đám đông. Cần phải làm rõ khái niệm, thế nào là hội phản cảm? và có số liệu điều tra cụ thể. Hơn thế, đề tài này xứng đáng trở thành đề tài nghiên cứu cấp tỉnh.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn đặc biệt chú trọng tới ý kiến của người địa phương về việc dừng hay tiếp tục tổ chức đánh phết cũng như việc hiến kế từ chính những người Hiền Quan trong công tác tổ chức lễ hội. Bởi người dân địa phương mới là những chủ thể văn hóa chính của hội Hiền Quan. Họ có quyền được nói lên tiếng nói của mình về một lễ hội truyền thống có lịch sử dài lâu.