Đưa “dàn nhạc trong mơ” vào đời thực

ANTĐ - Dàn nhạc cổ điển xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội - Dàn nhạc thính phòng Hà Nội đã ra đời từ ý nguyện được cống hiến và làm nghề của các nhạc công trẻ tuổi đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Đây sẽ là làn gió mới cho âm nhạc hàn lâm Việt Nam. 

Đưa “dàn nhạc trong mơ” vào đời thực ảnh 1Dàn nhạc thính phòng Hà Nội là nơi quy tụ nhiều tài năng trẻ

Đến với nhau bởi cái tình

Chỉ huy Nguyễn Khắc Thành sau nhiều năm ấp ủ đã đưa “dàn nhạc trong mơ” bước ra hiện thực, với sự góp mặt của nhiều tài năng trẻ và đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng. Cái tên Dàn nhạc thính phòng Hà Nội giản dị và khiêm nhường được quyết định đặt cho dàn nhạc “mới sinh”, đủ để nói lên rằng, đây chính là sân chơi cho các nhạc công tài năng của Việt Nam hội tụ và phô diễn kỹ thuật trình tấu. Những cái tên như nghệ sỹ     violon Vi Cầm, nghệ sỹ Flute Nguyễn Quỳnh Trang… đại diện cho thế hệ trẻ chơi nhạc cổ điển xuất hiện trong dàn nhạc với đầy đủ độ chuyên nghiệp, niềm đam mê và nhiệt huyết. Chỉ huy Nguyễn Khắc Thành dí dỏm chia sẻ: “Nếu để thay đổi một vị trí trong dàn nhạc, tôi nghĩ người đó là tôi. Chỉ huy có thể thay được, nhưng những nhạc công tài năng ở đây thì không”. 

Để thu hút người tài về chơi trong dàn nhạc, Nguyễn Khắc Thành chỉ có cái tình chứ nói đến tiền bạc, anh hoàn toàn không rủng rỉnh. Các nghệ sỹ trong dàn nhạc vừa là đồng nghiệp của nhau, vừa là những người bạn học cùng lớp, cùng khóa, đã từng chơi và quá hiểu về nhau. Vì thế, khi Nguyễn Khắc Thành nêu ý tưởng thành lập Dàn nhạc thính phòng Hà Nội, anh đã nhận được sự ủng hộ nồng hậu của các nhạc công. Dù quỹ thời gian của mỗi người khác nhau nhưng họ đã thu xếp đều đặn đến với các buổi tập. Hơn thế, với những người chơi nhạc cổ điển, niềm đam mê và mong muốn được cống hiến đã đưa các nghệ sỹ hội tụ trong một sân chơi âm nhạc hàn lâm.

Đưa “dàn nhạc trong mơ” vào đời thực ảnh 2Chỉ huy Nguyễn Khắc Thành

Nếu cần, sẽ bán vé cho người thân

Mới thành lập nên các khâu chuẩn bị cho đêm diễn vừa ra mắt “Hòa nhạc mùa xuân” đều do Nguyễn Khắc Thành một mình lo liệu. Vì ôm đồm nhiều việc từ chỉ huy dàn nhạc, in ấn tờ rơi, nhờ địa điểm tập luyện, thuê địa điểm biểu diễn… mà tấm pano giới thiệu đêm nhạc chỉ được đặt trước Trung tâm Văn hóa Pháp một ngày trước đêm diễn, trong khi đáng lẽ nó cần được đặt trước đó 1 tuần. Tuy vậy, lượng khán giả đến với chương trình đầu tiên của Dàn nhạc thính phòng Hà Nội đã gần chật kín khán phòng 250 chỗ ngồi. Nhiều gương mặt thân quen của dòng âm nhạc cổ điển đã bỏ tiền mua vé đến ủng hộ cho dàn nhạc. Trước sự hào hứng của người xem, các nghệ sỹ đã thăng hoa, cống hiến cho khán giả những giai điệu tươi vui, trong sáng đến từ các tác phẩm của Mozart, Rossini và Edvard Grieg. 

Xóa nhòa định kiến về dòng nhạc hàn lâm, Dàn nhạc thính phòng Hà Nội lựa chọn các tác phẩm dễ nghe để đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả nhưng cũng đặt ra độ khó để các nhạc công tài năng có dịp phô diễn kỹ thuật biểu diễn. Dàn nhạc sẽ có các chương trình biểu diễn định kỳ theo mùa hoặc đan xen trong các chương trình này có thể sẽ có các buổi hòa nhạc khác. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi đêm nhạc kéo dài vài tháng hứa hẹn sẽ làm nên các chương trình hàn lâm có chất lượng. Việc đưa các ca khúc Việt Nam phối lại cho dàn nhạc biểu diễn đang được tính tới và không nằm ngoài mục đích đại chúng hóa âm nhạc cổ điển. 

Khi đề cập tới chuyện bán vé hoặc giả định đặt ra nếu lượng khán giả đến với mỗi đêm diễn không đủ trang trải các chi phí, chỉ huy Nguyễn Khắc Thành lạc quan cho biết: “Mỗi nghệ sỹ trong dàn nhạc đều có một lượng khán giả “ruột”. Điều đó tạo cho anh em một niềm tin vào sự thành công của Dàn nhạc thính phòng Hà Nội. Còn nếu ngay cả khán giả “ruột” cũng quay lưng lại thì chúng tôi sẽ dùng tới sự trợ giúp cuối cùng là…bán vé cho người thân”.