Dự án Điện ảnh học đường: Là dĩ vãng khi hết... tài trợ
(ANTĐ) - Hoạt động trao đổi, hợp tác về điện ảnh giữa Viện phim Việt Nam (VFI) và Viện phim Thụy Điển trong dự án Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, sau 3 năm triển khai đã cho kết quả ngoài mong đợi của các nhà tổ chức.
Ông Nguyễn Xuân Dư - Giám đốc NVH Điện ảnh Ngọc Khánh cho biết: Dự án Điện ảnh học đường được triển khai tại 6 trường ở Hà Nội, TP.HCM và một số trường ở Thụy Điển, mục đích của dự án là tạo cho trẻ em thói quen đến rạp xem phim, qua đó đưa ra những phim hay, hấp dẫn có tính giáo dục cao, tạo những CLB điện ảnh để các em trao đổi, bình luận về phim, lối sống, tính cách nhân vật...
Bước tiếp sau, chúng tôi hướng dẫn các thày cô giáo, học sinh cùng tham gia học về điện ảnh, cách làm đạo diễn, quay phim và tự xây dựng kịch bản. Tuy nhiên thật bất ngờ, các phim do trường Lê Văn Tám, Đoàn Thị Điểm, Kim Đồng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Minh Đạo... làm đều xúc động, có ý nghĩa lớn trong định hình đạo đức, lối sống cũng như tư duy, tính tổ chức và cách làm việc nhóm của trẻ.
Thực tế, với một trang bị máy quay cá nhân, máy ảnh, các trường có thể tổ chức quay các buổi sinh hoạt nhóm trao đổi về chủ đề môn học; với những đề tài khó cần trực quan sinh động, có thể sử dụng các máy móc quay lại từ đời sống thường ngày, giúp trẻ chơi mà học, hiểu biết rõ hơn về nội dung kiến thức.
Chưa dừng ở đó, điện ảnh học đường với sự trợ giúp của máy tính xách tay, máy phóng, màn hình di động có thể tạo dựng những phòng chiếu ngay tại lớp học với những bộ phim, video clip quay về quê hương, đất nước, những địa danh lịch sử văn hóa, những thông tin về các danh nhân, con người Việt Nam qua các thời kỳ, và là phương pháp, là giáo cụ trực quan tốt giúp giáo viên truyền thụ kiến thức rất hiệu quả. PGS-TS Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học SKĐA cho rằng: Trong khi xã hội, nhất là ngành giáo dục đang quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, hay cần phải làm gì để các em giảm bớt gánh nặng khi hàng ngày phải mang trên lưng những chiếc cặp quá cồng kềnh, nặng nề, thì việc thử nghiệm dự án Điện ảnh học đường đã đưa ra một phương pháp tốt.
Trẻ cần chơi nhiều hơn, chơi mà học và hấp thụ được nhiều kiến thức hơn qua những bộ phim hoạt hình, phim tài liệu khoa học, phim truyện về các nhân vật lịch sử, về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc... Ở đây theo tôi không phải là học sinh của chúng ta cần học gì, mà là ngành giáo dục, các bậc cha mẹ và toàn xã hội, cần dạy và tạo dựng phương pháp học cho các em như thế nào? Hướng dẫn cho trẻ xem phim, phân tích phim là tạo một cách nhìn đa dạng hơn, sâu sắc hơn cho các em đối với cuộc sống, với cội nguồn dân tộc, đặc biệt là các giá trị đạo đức truyền thống.
Việc hướng dẫn các em làm phim, lập các diễn đàn trao đổi kiến thức, giới tính, phong cách sống lành mạnh... cũng giúp các em hạn chế những cách nhìn lệch lạc, những đoạn video clip tự dựng mang đầy màu sắc bạo lực, tình dục đang lan tràn trên blog, các diễn đàn, trang web giải trí. Điện ảnh đích thực mang lại cho trẻ khả năng độc lập cảm nhận, sự sáng tạo trong nghệ thuật cũng như khả năng tự khám phá xã hội, khám phá bản thân một cách trong sáng, đúng định hướng và giúp hình thành nên một nhân cách, một thế hệ có ích cống hiến hết mình cho xã hội.
Một dự án hay với nhiều triển vọng, nhưng năm 2009 sẽ kết thúc và có nguy cơ... lui vào dĩ vãng khi hết... tài trợ. Đây là điều lo lắng của các nhà tổ chức. Bà Nguyễn Thị Lan - Viện trưởng VFI chia sẻ: Chúng tôi sẵn sàng cung cấp máy móc, hệ thống phim lưu trữ, hỗ trợ con người để giúp các trường học ở Hà Nội thử nghiệm dự án này.
Vốn đầu tư để mua máy quay phim mini, máy ảnh du lịch cũng không tốn kém nếu được sự quan tâm của ngành giáo dục, nhất là chúng ta đẩy mạnh xã hội hóa, tuyên truyền để phụ huynh học sinh thấy được sự hữu ích của phương pháp giáo dục bằng điện ảnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp của Bộ VH-TT&DL và Bộ GD-ĐT cũng rất cần thiết. Sự đầu tư đúng hướng cho việc phát triển kho phim thực hiện về các vùng miền, quê hương đất nước, các địa danh lịch sử, văn hóa, các vấn đề xã hội mang tính khoa giáo, có thể kết hợp mượn hoặc mua tư liệu của các đài truyền hình, các hãng phim, thực sự có ý nghĩa lớn cho những bước tiếp theo của dự án.
Tuy nhiên như ANTĐ được biết, phía Vụ Giáo dục Tiểu học dù nhận thức rõ dự án có thể sẽ là bước đột phá trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, song sau nhiều năm theo dõi, tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm, các vị ngành giáo dục vẻ như mới chỉ nhìn thấy, học sinh đã được xem phim, học cách làm phim chứ chưa nghĩ xa hơn là giúp các em học gì, hiểu bài học như thế nào qua các giáo cụ trực quan, từ đó định hình nhân cách, vốn sống... Vì thế một chuyên đề, hay một đề xuất thử nghiệm Điện ảnh học đường của cơ quan này với Bộ GD-ĐT để Viện Khoa học Giáo dục, Viện chiến lược và Chương trình giáo dục nghiên cứu tính khả thi, vẫn chỉ là trong... ý tưởng.
Hải Phương