Dòng Tam Bạc tiễn đưa nghệ sĩ tài hoa Trịnh Thái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trịnh Thái, họa sĩ thiết kế mỹ thuật của nhiều bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh nước nhà như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Biệt động Sài Gòn", "Ngày lễ thánh", "Săn bắt cướp", "Khách ở quê ra"... đã từ trần lúc 4h35 ngày 29-7, hưởng thọ 80 tuổi.

Họa sĩ Trịnh Thái tên thật là Nguyễn Trịnh Thái, ông sinh năm 1941 ở Phnom Penh (Campuchia) khi cha ông làm việc tại đây rồi về Sài Gòn sinh sống một thời gian. Sau đó gia đình ông chuyển về Hải Phòng, năm 18 tuổi Trịnh Thái lên Hà Nội học và định cư cho đến bây giờ.

Sự xê dịch đó ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống của họa sỹ Trịnh Thái sau này với nhiều chuyến đi dài bất tận do nghề nghiệp mang lại. Nó tạo nên một hình ảnh Trịnh Thái phong trần, từng trải ở cả hình hài, phong cách sống cũng như trong những mảng mầu trên toan vẽ.

Đêm Tam Bạc lung linh trong tranh của hoạ sĩ Trịnh Thái

Ngoài đời, nhìn Trịnh Thái khá giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chiếc mũ rộng vành làm cho khuôn mặt đã gầy của ông càng như nhỏ thêm. Ông từng chia sẻ, “Tôi qua Pháp làm triển lãm, nhiều người cũng nhầm tôi với Trịnh Công Sơn. Tôi nói tôi là em của nhạc sĩ họ Trịnh, tên là Trịnh Công Cốc”. Ông cứ hay đùa vậy!

Trịnh Thái là một trong những họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Điện ảnh khóa 1 vào năm 1964 và là 3 họa sĩ đầu tiên gây dựng nền móng thiết kế phim của Hãng phim truyện Việt Nam.

Với tư cách là họa sĩ thiết kế điện ảnh, ông đã góp phần tạo nên thành công của hơn 40 bộ phim. Trong đó có những phim trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam, như: Rừng O Thắm, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh, Trở về Sam Sao, Biệt động Sài Gòn, Săn bắt cướp

Họa sĩ Trịnh Thái khá giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Đối với họa sĩ Trịnh Thái, tuy làm nhiều phim nhưng với thành công của bộphim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (Đạo diễn Hải Ninh), đã mang lại cho ông niềm hạnh phúc không ngờ. Với ông, đây là bộ phim khó nhất vì phải tái hiện cả một khung cảnh chiến tranh giữa bờ Nam, bờ Bắc ngay trên mảnh đất hòa bình. Tạo được bối cảnh cho hiện thực là vô cùng vất vả và đòi hỏi người họa sĩ phải suy nghĩ rất nhiều để tìm ra một cách xử lý phù hợp. Bộ phim đã mang lại cho ông danh hiệu NSƯT đầy cao quý và phán ánh đúng cái tài của người họa sĩ này. 

Cuộc đời làm phim nay đây mai đó đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là những hôm đạp xe đi thực tế dưới đạn bom cùng những người bạn như đạo diễn Bạch Diệp, đạo diễn Vũ Phạm Tuân mà không hề ngại ngần tới những hiểm nguy đang rình rập. Có những hôm, đang đi thì có tiếng máy bay trên đầu, cả ba người vứt xe sang một bên, nằm im không nhúc nhích. Lần khác thì cả ba lại lao xe xuống ao, chờ máy bay bay qua mới nhờ bà con vớt xe, đỡ người lên mặt đất. Ấy vậy mà đã mấy chục năm trôi qua.

Một góc nhìn thơ mộng về Hồ Hoàn Kiếm của họa sĩ Trịnh Thái

Công tác tại Hãng Phim Truyện Việt Nam hơn 30 năm, năm 1995, Trịnh Thái xin về hưu để làm một họa sĩ tự do lang thang với cảnh đẹp và thế giới sắc màu của riêng ông. Ông nói vui: “Tôi xem điện ảnh là người tình, còn hội họa là vợ. Sau hơn 30 năm bỏ vợ đi theo người tình, đã đến lúc tôi dành phần thời gian còn lại cho vợ”. Nói như vậy nhưng thực tế, Trịnh Thái chưa từng một lần lên xe hoa, ông sống lãng tử, và tự nhận mình là chàng trai lớn tuổi ham chơi. 

Họa sĩ Công Quốc Hà chia sẻ, thập niên 70, khi Công Quốc Hà còn là sinh viên, Trịnh Thái đã nổi tiếng là hào hoa với phong cách lãng tử. Những bức tranh Trịnh Thái vẽ về Phố Tam Bạc thời đó rất đẹp, và lúc đó đã bán ghê lắm, cả Tây lẫn ta đều mua. Chả thế mà hầu như thứ Bảy hàng tuần ít khi anh vắng mặt ở đặc sản Nguyên Sinh, 17 Lý Quốc Sư.

Họa sĩ Trịnh Thái có cái thú sưu tập sách hội họa của các danh họa Thế giới. Một hôm Công Quốc Hà hỏi ông: "Anh có cuốn Henri Matisse không, em muốm mượn xem?" Ông bảo "Trịnh Thái, cái gì cũng biết, cái gì cũng có!". Tuần sau, ông cho họa sĩ mượn xem và rất vui khi được chia sẻ với bạn bè những cuốn sách quý hiếm thời đó.
Tác phẩm "Chợ vùng cao" được ông dày công thực hiện
"Thời gian sau này anh em thân thiết và gặp nhau thường xuyên, tôi nể và phục ông bởi khả năng đọc nhiều sách và có trí nhớ rất tốt về nhiều lĩnh vực. Hỏi ông chuyện gì xảy ra trong giới bạn bè cả Hà Nội và toàn quốc, ông đều biết và cập nhật, thế mới tài! Tranh Trịnh Thái mang vẻ đẹp chân thành nhẹ nhàng. Ông vẽ nhiều về phố trên dòng sông Tam Bạc, nói tới Tam Bạc là nhớ tới ông. Tên tuổi họa sĩ Trịnh Thái gắn liền với nhiều bộ phim của Điện ảnh Việt nam. Với bản tính khiêm nhường hòa nhã, anh luôn dành cho lớp trẻ chúng tôi sự tôn trọng chân tình. Dòng sông Tam Bạc quê hương đã đón ông về với những di sản hội họa mà ông để lại cho đời! Vĩnh biệt Trịnh Thái, người con tài hoa của đất cảng, người anh đồng nghiệp của chúng tôi. Thương nhớ người anh tài hoa mà bạc phận tình duyên", họa sĩ Công Quốc Hà viết trên trang các nhân.

Trịnh Thái cũng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã có nhiều triển lãm tranh tại Hà Nội và TP.HCM. Tranh của ông tập trung vào chủ đề phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt thường ngày… với gam màu tươi sáng, bay bổng. Tranh ông vẽ được nhiều người mua. Có triển lãm, chỉ sau 3 ngày, tranh của họa sĩ Trịnh Thái đã bán hết sạch. 

Họa sĩ Trịnh Thái đã ra đi sau thời gian mắc bạo bệnh. Lễ tang của ông diễn ra lúc 14 giờ ngày 30/7 tại Nhà tang lễ Quân khu 3 TP. Hải Phòng).