Dòng phim “Discovery” tại Việt Nam

(ANTĐ) - Sau thành công vang dội của “Mê Kông ký sự” - một bộ phim ký sự “khám phá” đầy ấn tượng đã không chỉ thổi một làn gió mới cho thể loại phim Tài liệu từ lâu vốn khô khan, mà còn là điểm nhấn cho dòng phim ký sự “khám phá” “made in Vietnam” nở rộ mạnh mẽ.

Dòng phim “Discovery” tại Việt Nam

(ANTĐ) - Sau thành công vang dội của “Mê Kông ký sự” - một bộ phim ký sự “khám phá” đầy ấn tượng đã không chỉ thổi một làn gió mới cho thể loại phim Tài liệu từ lâu vốn khô khan, mà còn là điểm nhấn cho dòng phim ký sự “khám phá” “made in Vietnam” nở rộ mạnh mẽ.

Đó là những Hành trình theo chân Bác, Ký sự hỏa xa, Ký sự Amazon, Ký sự Tân Đảo, Huyền bí sông Hằng, Đi tìm dấu tích Ba Vua, Trở lại Volga, Bên dòng Mississippi... nối tiếp nhau ra đời càng làm tăng sự háo hức của người xem dành cho dòng phim được gọi nôm na là “Discovery” (Khám phá) do Việt Nam thực hiện. 

Việt Nam - Khán giả hẳn ít cũng đã một lần từng dán mắt vào màn hình tivi để xem những bộ phim Discovery do nước ngoài thực hiện. Công nghệ phát triển, đến nay, khán giả Việt đã quá quen với những bộ phim Discovery được phát liên tục trên các kênh truyền hình cáp.

Đó là những bộ phim ngoại, do người nước ngoài thực hiện, ý tưởng và mục đích truyền tải từng thước phim hoàn toàn được thể hiện qua lăng kính của người nước ngoài; nên khi phim Discovery do Việt Nam sản xuất ra đời và phát sóng luôn được khán giả ưu ái đón xem nhờ tính gần gũi, bởi tất cả đều được phản ánh dưới con mắt của người Việt Nam. Chính vì thế, dòng phim Discovery “made in Vietnam” do các hãng phim truyền hình trong nước thực hiện, từ khi ra đời và nở rộ cho đến nay luôn được người xem tin tưởng và chờ đón.

Tạm khép lại những bộ phim ký sự khám phá một cách dài hơi, bật tivi vào lúc 21h30 thứ 2, 4, 6 trong tuần trên VTV2, chương trình mang tên Những mảnh ghép của cuộc sống thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người xem kể từ ngày ra đời. Đến nay, chương trình đã chiếm được rất nhiều tình cảm của khán giả xem truyền hình trong cả nước.

Bởi trước đó, trên sóng của VTV quanh năm chiếu phim Discovery của nước ngoài, nay những bộ phim tài liệu - khoa học, điển hình là loạt phim “thế giới động vật” do chính người Việt Nam thực hiện đã khiến không ít người ngạc nhiên, đem ra so sánh thì chất lượng phim và trình độ trong nước chẳng thua kém gì các bộ phim được thực hiện, phát sóng trên kênh “Discovery” của nước ngoài.

Ê-kíp thực hiện gồm 6 đạo diễn trẻ đều thuộc Phòng Phim Tài liệu khoa học, Ban khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam. Trưởng phòng, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm đã từng cho biết chính vì cái sự tự ái nghề nghiệp đã khiến anh mạnh dạn thực hiện dòng phim này dẫu chưa từng làm nó bao giờ. Thế giới động vật trên kênh Discovery nước ngoài quay kỹ, đẹp đến mức cả thế giới phải nghiêng mình kính nể, trong khi thiên nhiên Việt Nam cũng tươi đẹp không kém sao chưa ai làm được gì (?)

Thế là Hoàng Lâm và đồng nghiệp đã thử sức mình với “Rùa xanh ở Côn Đảo”, đến phục kích quay nhạn biển lưng đen và bồ câu nicoba ở Côn Đảo cứ lần lượt ra đời trong muôn nghìn khó khăn tác nghiệp để có được những thước phim giá trị. Mồ hôi của đạo diễn Hồng Quảng đã đổ dọc nhiều cánh rừng hàng tháng ròng để săn bằng được voọc mũi hếch ở rừng già Khau Cả, Hà Giang; lênh đênh trên biển đảo phục kích bằng được voọc Cát Bà ở Vườn quốc gia Cát Bà, Hải Phòng; chờ chực trên vách đá chon von khu đất ngập nước Vân Long, Cúc Phương, Ninh Bình để quay voọc mông trắng; đến Kon Ka Kinh, Gia Lai quay voọc chà vá chân xám...

Tiếp đến là các bộ phim “Thế giới côn trùng”, “Chuyện loài rắn” - đạo diễn Thanh Bình; “Đảo khỉ” - đạo diễn Vũ Hoài Nam; “Chuyện loài ong” - đạo diễn Hồng Quảng... cứ thế xuất hiện trong “Những mảnh ghép của cuộc sống”. Hiện bộ phim dài tập về Công viên tự nhiên Việt Nam đã được bấm máy với các hiện tượng kỳ thú như miệng núi lửa đã tắt, hệ thống hóa thạch, cổ sinh vật, các dòng sông ngầm dài nhất thế giới ở nước ta...

Thế giới - Discovery Channel - Kênh truyền hình cáp và vệ tinh Khám phá nổi tiếng của Mỹ lần đầu tiên phát sóng vào năm 1985; cho tới thời điểm hiện tại đã chiếm một lượng khán giả là 90 triệu hộ gia đình ở nước Mỹ, và 340 triệu gia đình ở 150 quốc gia khác. Vậy điều gì đã làm nên nền tảng thành công của kênh Khám phá Mỹ (?) Đơn giản kênh như một cuốn Từ điển Bách khoa toàn thư sống, chứa đựng tất cả tài liệu khoa học, lịch sử tới thiên nhiên, con người; và đặc biệt hơn cả khi chương trình cho phép khán giả khám phá và thỏa mãn trí tò mò của họ về thế giới bằng những cuộc phiêu lưu qua màn ảnh nhỏ...

Tổng Giám đốc Kênh Discovery - ông Clark Bunting nói rằng: “Discovery luôn cố gắng cho mục đích duy nhất là chất lượng, kênh Discovery khẳng định sẽ mang đến cho  người xem những câu chuyện và các chương trình tốt nhất có thể”. Lời hứa của Clark Bunting cho chúng ta thấy hướng đi của những đạo diễn, nhà làm phim Việt muốn theo đuổi dòng phim này - sản xuất những bộ phim khoa học có chất lượng cao như phim của kênh truyền hình Discovery, National Geographic...

Lời hứa về chất lượng này sẽ tạo ra một mức độ tin cậy giữa Discovery và người xem. Để khi khán giả xem những thước phim về thiên nhiên, con người, văn hóa Việt Nam sẽ thấy được bóng dáng suy nghĩ, hành động của chính họ trong đó, thấy được hình ảnh đất nước Việt Nam mình trong đó, điều này sẽ giúp họ thêm yêu thiên nhiên, nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, tộc người. Cao hơn cả là quảng bá được hình ảnh Việt Nam ra với thế giới - Đó là những giá trị rất riêng, giá trị không thể thay thế được của dòng phim này mà chúng ta nên hướng tới. 

Danh sách phim Discovery Việt Nam sẽ còn được nối dài, tất cả đều mới ở điểm khởi đầu, tuy nhiên, dòng phim này đi được quãng đường bao xa tùy thuộc hoàn toàn vào “cách làm” của các nhà làm phim, đạo diễn; bởi nếu không quan tâm đến chất lượng, để lại ấn tượng với khán giả bởi chất “khám phá” trong từng thước phim, chính nó sẽ tự trở nên nhạt dần là điều khó có thể tránh khỏi.                              

Hiền Thục